Theo dấu “xe dù” (P.2)
Mặc dù lực lượng kiểm tra liên ngành tăng cường công tác tuần tra, xử lý vấn nạn xe khách trá hình gom khách hoạt động trong thành phố nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Lợi dụng kẽ hở của pháp luật, các đối tượng vi phạm sử dụng nhiều hình thức đối phó hết sức tinh vi, gây không ít khó khăn trong công tác xử lý.
* Bài cuối: Xử lý triệt để bằng cách nào
Đúng 7 giờ, toàn tổ công tác tiếp tục tuần tra dọc tuyến Trường Chinh (TP Đà Nẵng). Sau khi lập biên bản 3 xe vi phạm, có lẽ các tài xế đã thông tin cho nhau nên hầu hết các xe đều rất cảnh giác. Khi đi ngang qua khu vực Ngã tư Phước Tường, chúng tôi phát hiện 3 hành khách đang đứng trên tuyến Trường Chinh đợi xe khách chạy tuyến Quảng Ngãi đến đón. Thấy chúng tôi đi tới, tài xế hốt hoảng điều khiển xe bỏ chạy, mặc cho hành khách ơi ới chạy theo vẫy tay ra hiệu dừng.
Lực lượng kiểm tra liên ngành tuần tra trên tuyến đường Trường Chinh
8 giờ, toàn tổ công tác theo hướng đường Cách Mạng Tháng Tám thẳng tiến về trung tâm TP Đà Nẵng để xử lý các “xe dù” ở những “điểm đen” đã được định vị từ trước. Khi đến khu vực chợ Nguyễn Tri Phương, trung tá Trần Văn Thông chỉ cho chúng tôi ghi hình một ô-tô khách mang BKS tỉnh Quảng Ngãi đang đậu trước cổng chợ. Trung tá Thông giải thích, đây đích thị là “xe dù” nhưng không thể xử lý được, bởi lúc này trên xe không có khách và nếu có khách thì nhà xe sẽ đưa ra hợp đồng vận tải với đầy đủ các loại giấy tờ, từ hóa đơn đỏ cho đến tên tuổi hành khách… Xe này đậu ở đây chờ gom đủ khách là tới đón chở vào Quảng Ngãi. Muốn xử lý được thì phải bắt quả tang lúc khách lên xe, nhưng làm sao biết được điểm tập trung khách ở đâu mà bắt. 8 giờ 30, khi tuần tra khu vực cổng Bệnh viện Quân y 17, chúng tôi tiếp tục phát hiện 2 xe khách loại này đang “núp” trong một cây xăng.
Sau một ngày theo chân tổ tuần tra liên ngành, chúng tôi phần nào hiểu được sự phức tạp trong công tác xử lý “xe dù” ở Đà Nẵng. Mang những điều chứng kiến trao đổi với thượng tá Phan Thanh Sương - Trưởng Phòng CSTT CATP Đà Nẵng, được biết, hiện Đà Nẵng không có “bến cóc”, chỉ có các xe hoạt động kinh doanh vận tải trái phép mà mọi người thường gọi là “xe dù”.
Để giải quyết dứt điểm vấn nạn xe khách trá hình gom khách hoạt động trong thành phố, ngày 1/7/2013, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có Công văn 5554/UBND-QLĐT yêu cầu các ngành có liên quan khẩn trương vào cuộc xử lý. Theo đó, ngày 22/7/2013, Giám đốc CATP Đà Nẵng có Kế hoạch 663/KH/VP11-PC64B chỉ đạo Phòng CSTT, Phòng CSGT, CA các đơn vị, địa phương phối hợp giải quyết.
Hằng ngày trong tuần, lực lượng liên ngành CSTT, CSGT và TTGT phối hợp chia làm 2 ca (8 người) tuần tra xử lý. Một ca từ 5 giờ đến 9 giờ, một ca từ 11 giờ đến 15 giờ, xử lý tất cả các “điểm đen” hoạt động “xe dù”. Kết quả sau hơn 5 tháng vào cuộc quyết liệt, lực lượng CSTT chủ công tổ chức 114 tổ tuần tra (390 người) tham gia sử dụng xe mô-tô TTKS, lập biên bản xử lý 242 trường hợp vi phạm về TTATGT, ước phạt hơn 369 triệu đồng. Trong số này, có 135 trường hợp ô-tô đón trả khách không đúng nơi quy định, 80 trường hợp không có hợp đồng vận chuyển, 61 trường hợp đỗ sai quy định…
Trong số 10 “điểm” đen hoạt động “xe dù” theo chỉ đạo phải xử lý của UBND TP Đà Nẵng, tính đến 5-10-2013, lực lượng TTLN đã giải quyết dứt điểm được 5 điểm, cụ thể: đối diện khách sạn Đại Long (P. Hòa Khê, Q. Thanh Khê), Cty Đình Nhân (P. Chính Gián, Q. Thanh Khê), Cty Phát Xuân Tùng, hãng xe Thanh Thủy (P. Chính Gián), Garage ô-tô Hoàng Dũng (115 - Lê Đình Lý, P. Hòa Thuận Đông, Q. Hải Châu). Hiện 5 điểm còn lại là KCN Dịch vụ thủy sản Thọ Quang (P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà), Bệnh viện Quân y 17 (P. Hòa Thuận Đông, Q. Hải Châu), phía sau Bệnh viện Hoàn Mỹ (P. Chính Gián), Bệnh viện Bình Dân (P. Xuân Hà, Q. Thanh Khê), Bệnh viện Đà Nẵng (P. Thạch Thang, Q. Hải Châu) tình trạng xe khách trá hình vẫn còn hoạt động nhưng đã giảm 80% so với trước đây.
Một “xe dù” đậu trước cổng chợ Nguyễn Tri Phương
Cùng bàn về vấn nạn “xe dù”, ông Lê Viết Hoàng - Tổng Giám đốc Cty CP Vận tải và Quản lý Bến xe Đà Nẵng phản ánh, hiện nay tại Đà Nẵng, xe khách của 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định chạy hợp đồng ra Đà Nẵng rất đông. Cụ thể, trước đây tỉnh Quảng Ngãi có 70 xe khách đăng ký với Cty chạy tuyến cố định, nhưng nay hầu hết các xe này bỏ tuyến ra chạy hợp đồng, chỉ còn 26 xe vào bến.
Việc có quá nhiều xe chạy hợp đồng làm phát sinh “xe dù” cạnh tranh không lành mạnh với xe cùng tuyến cố định. Qua khảo sát thực tế, nhiều xe hợp đồng từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng phóng nhanh, vượt ẩu, chỉ chạy trong vòng 1,5 giờ đồng hồ, luồn lách qua nhiều tuyến đường để trốn tránh cơ quan chức năng.
Thượng tá Lê Ngọc - Phó Phòng CSGT CATP Đà Nẵng khẳng định, hiện nay các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng chỉ kiểm soát được xe chạy tuyến cố định, còn xe hợp đồng và du lịch thì rất khó quản. Qua khảo sát thấy rằng, nhu cầu đi lại của người dân từ Bình Định và Quảng Ngãi ra Đà Nẵng và ngược lại là rất lớn, 300 -500 lượt khách/ngày. Các nhà xe tổ chức đón khách tại địa phương này rồi làm hợp đồng chuyển ra Đà Nẵng. Cái khó trong quá trình xử lý với các loại phương tiện này là đa phần chủ xe đều có hợp đồng, thậm chí nhiều hợp đồng khống.
Hai “xe dù” đậu trong cây xăng gần Bệnh viện Quân y 17 Đà Nẵng
Trực tiếp lập biên bản xử lý những xe loại này, trung tá Trần Văn Thông cho biết, lợi dụng kẽ hở của pháp luật, các loại “xe dù” ngày càng “hoàn thiện bản thân” để đối phó với cơ quan chức năng. Mỗi lần kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm về một lỗi gì đó là y như rằng, lần sau đón lại kiểm tra thì lỗi đó đã được khắc phục ngay. Đơn cử, khi khách lên xe là chủ xe sẽ hỏi tên tuổi để điền vào danh sách hợp đồng, khi kiểm tra thì không thể chứng minh được là “xe dù”.
Theo khảo sát của trung tá Thông, ở Đà Nẵng hiện có khoảng 50 “xe dù” hoạt động trá hình. Xe này chủ yếu của các tư nhân mua để cho thuê dịch vụ vận tải, tranh thủ thời điểm cuối năm đưa ra chở khách. Để giải quyết triệt để tận gốc vấn nạn “xe dù” tại Đà Nẵng, theo ông Nguyễn Xuân Ba - Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng, lãnh đạo Sở GTVT đã làm việc với 2 ngành đồng cấp tại Quảng Ngãi và Bình Định. Bước đầu, 3 đơn vị đã đạt được một số thỏa thuận về mặt quản lý Nhà nước, cụ thể là thường xuyên trao đổi thông tin về nhật trình của từng phương tiện. Đối với các xe chạy hợp đồng chỉ được đăng ký 1 điểm đi và 1 điểm đến, không chạy lòng vòng nhiều nơi...
Trong khi các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng áp dụng nhiều biện pháp mạnh để triệt tiêu vấn nạn “xe dù” thì hành khách cũng cần chung tay hỗ trợ bằng cách nói không với loại phương tiện này. Bởi lẽ, “xe dù” không chỉ gây mất ANTT, ảnh hưởng xấu đến TTATGT mà còn gây thiệt hại cho hành khách bằng những chuyến “xe nhồi”, “xe nhét”. Và nếu lỡ xảy ra TNGT trong quá trình di chuyển thì hành khách chính là người chịu thiệt nhiều nhất.