"Phó nháy", thời của các cây cầu

Thợ chụp ảnh dạo xuất hiện ở bất cứ nơi nào, nhưng tại Đà Nẵng, họ tập trung đông nhất ở các khu du lịch, đặc biệt là những cây cầu mới, kiểu dáng độc đáo của Đà Nẵng như cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, Thuận Phước... Nhiều người ngỡ chụp ảnh dạo là mạnh ai nấy làm, song không đúng, họ cũng có nguyên tắc sống và làm việc của riêng mình, không chặt chém, không giật khách...

Bóng hình với những cây cầu

Hiện nay, nhiều người đã sắm được máy ảnh kỹ thuật số, nhưng bất cứ ai có "nghề" đều biết rằng, máy ảnh cơ, hoặc máy cơ bán tự động vẫn tốt hơn nhiều về chất lượng ảnh, đặc biệt là vào ban đêm... Chính vì vậy, nếu đi dạo Đà thành ban đêm và muốn chụp ảnh tại những vị trí lý tưởng nhất của thành phố, thợ chụp ảnh dạo vẫn  là sự lựa chọn không tồi. Với những cây cầu tại Đà Nẵng, cái thì có độ cao "nhìn rơi mũ" của tháp chính như cầu Trần Thị Lý, hoặc sự chuyển biến ánh sáng liên tục theo kiểu cầu Rồng hay cầu Thuận Phước... sẽ là cản trở không nhỏ với máy ảnh kỹ thuật số, nhưng với  máy ảnh của các "phó nháy" dạo thì lại là môi trường hoạt động rất lý tưởng.

Bên cạnh đó, cảnh đẹp, thơ mộng lại thường đến vào ban đêm, khi cuộc sống bớt xô bồ và yên ắng hơn; việc rửa ảnh cũng ngày càng tiện lợi, chủ yếu là chụp ảnh lấy liền, mỗi tấm theo giá chung chỉ khoảng 25 ngàn đồng... cũng là những lý do để du khách tìm đến các "phó nháy" dạo.

Cường, một thợ ảnh dạo chân thật thổ lộ, anh và các đồng nghiệp sẽ khó lòng trụ nổi với nghề nếu như không nhờ vào các cây cầu. Hơn thế nữa, các cây cầu ở Đà Nẵng "chẳng có cái nào giống cái nào", "cái sau độc đáo, diệu kỳ hơn cái trước"... nên họ có đất sống. Cứ mỗi dịp khánh thành, mỗi người chụp được vài trăm ảnh/ngày đêm. Sau cầu sông Hàn, cầu Thuận Phước, mới đây là cầu Rồng, Trần Thị Lý, đều nằm ở vị trí trung tâm nên rất "hút" khách. Đặc biệt vào các đêm pháo hoa, các "phó nháy" cũng vẫn chen chúc hành nghề trên các cây cầu đông nghẹt, bởi nhu cầu của du khách gần như là... vô tận, như lời anh Cường nói.

Ngoài ra, phải kể đến các trường đại học lớn. Nhiều thợ dạo "ăn nên làm ra" trong ngày lễ tốt nghiệp ra trường, với hàng vạn sinh viên. Dù sinh viên thời nay lắm người sắm máy ảnh, song vì là ngày quan trọng trong đời, nên ai cũng đòi hỏi phải đảm bảo ảnh chụp không được dính đối tượng "thừa", ảnh phải đẹp, cần chỉnh sửa photoshop... nên thợ ảnh dạo vẫn được trọng dụng.

"Phó nháy", thời của các cây cầu - 1

Phút nghỉ ngơi của một "phó nháy" dạo

Nói thì dễ vậy, nhưng có trong nghề mới biết gian truân. Trước tiên, "đi cày phải sắm trâu", nhiều thợ ảnh phải chi phí hơn 25 triệu đồng để sắm máy ảnh bán tự động hiện đại kèm linh kiện để theo nghề mới mong cạnh tranh khách hàng. Song đó là cạnh tranh trên phương diện kỹ thuật, giữa họ, chuyện tranh giành "địa bàn" hầu như chưa bao giờ diễn ra. Ai cũng hiểu được khó khăn mình phải đối mặt nên sẵn sàng chờ đến lượt, khi thợ bạn, khách bạn đã chụp xong. "Làm chi cũng phải cố giữ thương hiệu của Đà Nẵng. Nếu những người chụp ảnh dạo chụp giựt, chèo kéo, tranh giành khách gây mất ANTT, tự mình làm mất khách và đặc biệt là mất luôn chỗ hành nghề. Bởi chính quyền và cơ quan chức năng sẽ chấn chỉnh ngay, nhất là các điểm giao thông trọng điểm như những cây cầu...", Sơn, một thợ ảnh dạo phân tích.

Từ nghề chính trở thành nghề phụ

Nhiều thợ ảnh dạo thừa nhận, chụp ảnh dạo trước đây là nghề chính để nuôi thân và gia đình. Khoảng 8-9 năm trở lại đây, khi đời sống người dân tăng cao, máy ảnh du lịch xuất hiện nhiều thì chụp ảnh dạo trở thành nghề phụ. Nếu như trước kia mỗi người thợ ảnh dạo có thể kiếm được vài triệu mỗi ngày nếu vào dịp Tết, hoặc mùa du lịch bình quân có thể thu lời 150 ngàn đồng/ ngày/ người, thì nay họ kiếm tiền khó khăn hơn rất nhiều. "Ngày nay, mỗi đoàn khách du lịch, nếu 10 người thì cũng có 5-6 người mang theo máy ảnh du lịch. Đó là chưa kể nghề chụp dạo phụ thuộc nhiều theo mùa, nhiều khi trời mưa, thời tiết xấu, ẩm máy... đành chấp nhận "treo niêu", anh Cường cho biết thêm.

Đối tượng theo nghề này thuộc đủ mọi thành phần xã hội, từ giáo viên, công nhân đến bán hàng tạp hóa. Nhưng dù thuộc thành phần nào của xã hội thì đó cũng là những người có hoàn cảnh khó khăn, đồng lương và phụ cấp không đủ sống nên họ mới tìm đến nghề chụp ảnh dạo. "Nghề là do cái duyên. Ngày trước tôi học nghề trong trường phổ thông đi thi tốt nghiệp để được cộng thêm điểm nghề, sau này cuộc sống khó khăn, tôi thấy mình có nghề chụp ảnh nên sắm máy chụp dạo buổi tối kiếm thêm", Nguyễn Phong, thợ chụp ảnh dạo ở cầu Rồng tiết lộ. Nhiều thợ chụp ảnh dạo đến với nghề hoàn toàn tình cờ, như mua được máy ảnh với giá rẻ, chụp nhiều thành thợ, hoặc nhà sẵn nghề chụp ảnh cưới thì chụp thêm ảnh dạo để kiếm thêm...

"Chụp ảnh dạo,  không phân biệt nam nữ mô, chủ yếu là chụp được, chụp tốt...", anh Sơn, một thợ chụp ảnh dạo trên cầu Trần Thị Lý cho biết. Quả thực, có khá nhiều phụ nữ là thợ ảnh dạo. Họ thao tác nhanh nhẹn trong việc in ảnh và thạo nghề không kém nam giới. Với những người thợ ảnh dạo, họ không bao giờ yêu cầu khách tạo dáng lại để chụp ảnh, mà "chụp phát nào ăn phát đó". "Dù lưu ảnh bằng thẻ nhớ nhưng yêu cầu khách tạo lại dáng để chụp ảnh có phần không lịch sự và chứng tỏ non nghề, đó là điều không thể chấp nhận được", anh Cường khẳng định.

Thách thức nhiều và không nhỏ với nghề chụp ảnh dạo. Tuy nhiên, với lợi thế riêng và tình yêu nghề nghiệp, những "phó nháy" dạo của Đà Nẵng vẫn tồn tại và tô điểm thêm cho cuộc sống vốn sôi động và phong phú của thành phố bên bờ sông Hàn, nghiễm nhiên trở thành một nét đẹp văn hóa quen thuộc, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương đến bè bạn trong nước và quốc tế. Nói như Nguyễn Phong: "Bọn tui nhiều người cũng lập facebook, web, vừa để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tâm sự nghề nghiệp, vừa đưa hình ảnh Đà Nẵng đi xa. Nhiều người chớp thời cơ "chộp" được những tấm ảnh đặc sắc mà đôi khi nhiếp ảnh gia cũng không thể có cơ hội chụp".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đức Thọ (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN