Nhà máy xử lý rác thải rắn: Cần thiết và cấp bách
Chỉ vài năm nữa bãi rác Khánh Sơn mới với diện tích hơn 48 ha sẽ đầy và nếu không cấp bách xây dựng một nhà máy xử lý chất thải rắn (CTR) tầm cỡ thì mục tiêu trở thành “TP môi trường” của Đà Nẵng vào năm 2020 khó thành hiện thực.
Đô thị Đà Nẵng lớn mạnh không ngừng, kéo theo đó khối lượng CTR cũng tăng lên đáng kể từng năm. Theo Cty môi trường đô thị Đà Nẵng, trung bình mỗi ngày có khoảng gần 700 tấn CTR được đưa về bãi rác Khánh Sơn (mới). Trong năm 2012 tại đây đã tiếp nhận hơn 252 ngàn tấn CTR sinh hoạt đô thị, hơn 4 ngàn tấn CTR công nghiệp, hơn 2 ngàn tấn CTR y tế... Toàn bộ rác thải sinh hoạt đô thị sau khi đưa về bãi được chôn lấp hợp chuẩn thông qua 5 hộc với tổng diện tích 15ha.
Hiện tại 2 hộc số 1 và 2 chiều cao 36m đã được lấp đầy khoảng 1,5 triệu tấn rác. Theo thiết kế, với năng lực chôn lấp khoảng 13 năm thì tới năm 2019 bãi rác sẽ đầy buộc phải đóng cửa. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Cty Môi trường đô thị Đà Nẵng cho hay, năm 2006 bãi rác Khánh Sơn (cũ) diện tích 9,8ha đã đóng cửa sau 15 năm hoạt động. Tuy nhiên tới nay tình hình xử lý ở bãi rác này vẫn chưa dứt điểm. Cụ thể do bãi được thiết kế chôn lấp hở, không hợp vệ sinh, việc xử lý nước rỉ chỉ được thực hiện thông qua 2 hồ sinh học tự nhiên do vậy môi trường tại đây đang bị ô nhiễm bởi khí thải và nước rỉ rác thải ra vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Để cải thiện môi trường ở đây Cty thường xuyên phải bổ sung chế phẩm sinh học để phân hủy rác, giảm thiểu mùi hôi cũng như phủ đất để hạn chế phát tán mùi hôi ra khu vực dân cư xung quanh.
Để xây dựng nhà máy xử lý CTR thì phải chuyển đổi nghề nghiệp cho hơn 400 người
tại bãi rác Khánh Sơn
Từ thực tế trên, cho thấy với công nghệ chôn lấp, dùng chế phẩm sinh học để khử mùi, thu gom nước rỉ... đã lạc hậu và không đáp ứng được yêu cầu gia tăng khối lượng rác thải khổng lồ của TP hiện nay. Trước năm 2019 khi bãi rác đầy, nếu không có một nhà máy hiện đại xử lý rác thải rắn đô thị, cũng có nghĩa sẽ phải mở một bãi chôn lấp mới tốn kém diện tích lớn, trong khi xử lý môi trường ô nhiễm không thể triệt để. Ông Hùng cho biết, công nghệ xử lý CTR sinh hoạt hiện nay là chôn lấp và không có phân loại chất thải rắn tại nguồn do đó tất cả CTR đều được thu gom chung vào xe vận chuyển rồi đem chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn. Điều này đã gây ra hàng loạt vấn đề bất cập như tăng diện tích chôn lấp, tăng lượng nước rỉ rác, mất lượng tài nguyên rác có thể tái sử dụng, khó kiểm soát được những rủi ro về ô nhiễm môi trường và sức khỏe cộng đồng. Mặt khác công nghệ xử lý CTR bằng các chế phẩm EM, bokashi... không còn phù hợp, vẫn phát sinh mùi hôi phát tán ảnh hưởng đến môi trường xung quanh bãi rác.
* Tại Hà Nội, kinh phí để xử lý 1 tấn CTR khoảng 19 USD trong khi ở Đà Nẵng chưa tới 2 USD. Theo quy định 1 quý phải tiến hành quan trắc môi trường hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý CTR một lần (kinh phí 40-50 triệu đồng/lần) nhưng ở Đà Nẵng không quan trắc vì không có kinh phí. * Hiện nay lượng phế thải xây dựng trên địa bàn TP thải ra rất lớn vì thế TP đã cho triển khai đầu tư xây dựng các trạm trung chuyển phế thải xây dựng, bãi đổ phế thải xây dựng tại Hòa Nhơn. Tuy nhiên, TP rất cần phải có một Dự án để xử lý rác thải xây dựng thành các sản phẩm xây dựng để tái sử dụng. |
Một thực tế khác, do dùng phương pháp chôn lấp nên bãi rác tốn diện tích lớn, vành đai an toàn của bãi rác cũng khá rộng. Mặc dù TP đã có những nỗ lực lớn trong di dời, tái định cư cho các hộ dân sống gần khu vực bãi rác, tuy nhiên hiện vẫn còn tình trạng người dân chiếm đất canh tác trong khu vực vành đai an toàn của bãi rác, điều này gây ảnh hưởng đến chính sức khoẻ của người dân lẫn vấn đề an ninh trật tự của bãi rác.
Với những tồn tại trên cấp bách đòi hỏi phải xây dựng một nhà máy xử lý CTR với công nghệ hiện đại trước năm 2020. Nhưng để triển khai nhà máy này, bên cạnh việc kêu gọi đầu tư, tìm kiếm công nghệ thì một vấn đề khá quan trọng nữa là giải quyết hơn 400 người nhặt rác tại đây. Mặc dù người dân vào bãi nhặt rác là tự phát song đây lại là nơi mưu sinh bao năm nay của họ, với thu nhập thấp nhất 200 ngàn đồng/người/ngày, thế nên khi đưa nhà máy vào hoạt động phân loại rác để tái sử dụng thì phải có phương án chuyển đổi ngành nghề phù hợp cho người nhặt rác. Ông Hùng cho biết, hiện TP vẫn đang trong quá trình đàm phán, tìm kiếm đối tác, công nghệ để xây dựng nhà máy xử lý CTR và chưa có phương án cụ thể nào.