Nâng tầm quan hệ để phát triển kinh tế

Từ lâu, TP Đà Nẵng luôn nỗ lực để thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản, cũng như phát triển mối quan hệ hợp tác, hữu nghị trên nhiều lĩnh vực với Nhật. Tuy nhiên, so với tiềm năng thì sự đầu tư của Nhật vào Đà Nẵng chưa tương xứng. Vậy làm thế nào để tăng cường hơn nữa sự hợp tác trên các lĩnh vực đầu tư - phát triển, thương mại, du lịch, GD-ĐT và giao lưu văn hóa giữa TP Đà Nẵng với Nhật?

Vẫn chưa xứng tầm

Hội thảo “Đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Nhật Bản ở TP Đà Nẵng” do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật bản TP Đà Nẵng tổ chức ngày 5-10, đã đưa ra nhiều giải pháp và đề xuất nhằm nâng tầm phát triển mối quan hệ này.

Ông Mai Đăng Hiếu - Phó Văn phòng đại diện Đà Nẵng tại Nhật Bản thông báo một thông tin “sốt dẻo”: một tập đoàn lớn của Nhật đã quyết định đầu tư vào Khu công nghệ cao của Đà Nẵng với tổng số vốn 850 tỷ đồng. Đây là một tín hiệu vui cho TP Đà Nẵng, chứng tỏ các DN Nhật ngày càng chú ý nhiều hơn đến TP năng động này. Sự hiện diện của các tập đoàn có tên tuổi của Nhật đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác với DN và nhà đầu tư khác tại Đà Nẵng. Trên thực tế, mối quan tâm của nhà đầu tư Nhật Bản tới thị trường Đà Nẵng vốn đã tăng mạnh từ nhiều tháng qua, với sự viếng thăm của nhiều đoàn DN lớn của Nhật Bản, nhằm tìm hiểu cơ hội đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

Nhật Bản là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. 6 tháng đầu năm 2012, Nhật Bản nổi lên là nhà đầu tư hàng đầu với 4,16 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 65% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Tại Đà Nẵng, hiện có gần 80 DN và văn phòng đại diện Nhật, với tổng số vốn đầu tư gần 300 triệu USD, tạo công ăn việc làm cho hơn 25.000 lao động. Các DN Nhật đầu tư ở Đà Nẵng tập trung trên các lĩnh vực chế biến bột giấy xuất khẩu, chế biến hải sản, nông sản, hỗ trợ trồng rừng tạo nguyên liệu làm bột giấy, linh kiện điện tử, gia công phần mềm... Ngoài ra, tại Đà Nẵng, Nhật Bản đã cung cấp nguồn vốn ODA cho nhiều DA có ý nghĩa to lớn như Hầm đường bộ Hải Vân, nâng cấp cảng Tiên Sa...

Trên lĩnh vực giáo dục, PGS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc Đại học (ĐH) Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, ĐH Đà Nẵng đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác về GD-ĐT, nghiên cứu khoa học và thực hiện các DA với các trường ĐH của Nhật. Hiện nay, ĐH Đà Nẵng đã ký kết hợp tác xây dựng chương trình đào tạo, trao đổi sinh viên, giảng viên, trao đổi học thuật và cùng nghiên cứu khoa học với 26 trường đại học ở khắp mọi miền nước Nhật.

Trên các lĩnh vực giao lưu văn hóa giữa TP Đà Nẵng và Nhật cũng đã có những chuyển biến rất tích cực, đặc biệt tàu hòa bình Nippon Maru của Nhật đã 35 lần cập cảng Đà Nẵng.

Nâng tầm quan hệ để phát triển kinh tế - 1

Nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa-một trong những DA nhận được vốn ODA của Nhật Bản

Nâng tầm, phát triển quan hệ hợp tác - hữu nghị

Có thể nói, hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung, với TP Đà Nẵng nói riêng đã phát triển mạnh mẽ và từng bước mang lại hiệu quả rất tích cực. Tuy nhiên, để thu hút hơn nữa sự đầu tư của Nhật vào Đà Nẵng thì cần phải làm nhiều điều hơn nữa. Ông Lâm Quang Minh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư TP Đà Nẵng cho biết: hiện Nhật Bản đứng thứ nhất về số DA đầu tư (55 DA) và đứng thứ 5 về số vốn đầu tư tại Đà Nẵng, nhưng số vốn đầu tư của Nhật vào Đà Nẵng còn hạn chế so với tổng vốn đầu tư vào Việt Nam (chỉ chiếm 3,22% về số DA và 0,97% về tổng vốn đăng ký). “Đà Nẵng có nhiều lợi thế để thu hút DN Nhật đến đầu tư như có vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng phát triển, nguồn nhân lực chất lượng, môi trường đầu tư thân thiện, là đô thị hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Với những lợi thế ấy, Đà Nẵng hoàn toàn có thể thu hút nhiều hơn DN Nhật đến đầu tư, kinh doanh” - ông Minh nói.

Ông Iwama Shinichi - Chủ tịch Chi hội DN Nhật tại Đà Nẵng cho biết: lúc mới thành lập, Chi hội có 34 DN, nhưng đến nay đã tăng lên 56 và các DN này đều có tăng trưởng bền vững. Tuy vậy, so với Hà Nội, TPHCM thì số hội viên DN Nhật ở Đà Nẵng còn kém xa. “Vì sao đầu tư của DN Nhật vào Đà Nẵng lại không rầm rộ như các TP khác? Theo tôi, Đà Nẵng cần tập trung vào thu hút DN vừa và nhỏ của Nhật, trang bị các nhà xưởng cho thuê dành cho DNVVN, chú trọng tư vấn đầu tư, nâng cấp hạ tầng bến bãi, kho tàng và dịch vụ khu vực cảng, xây dựng các cơ sở chăm sóc trẻ nhỏ để đảm bảo ổn định nguồn lao động. Hiện nay, các địa phương khác đang dần trang bị các nhà xưởng cho thuê, do đó để tạo sự khác biệt, Đà Nẵng cần có các dịch vụ phụ trợ đa dạng và phong phú” - ông Iwama gợi mở.

Năm 2013, Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, vì vậy việc đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa 2 nước ở TP Đà Nẵng là cơ hội tốt để tìm ra những giải pháp khả thi trong hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục giữa Đà Nẵng với các địa phương của Nhật.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo L.H.A (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN