Cam Việt khốn đốn

Thông tin cam tươi Trung Quốc có chứa chất gây ung thư, giá lại rẻ bất ngờ khiến người tiêu dùng Đà Nẵng hoang mang, tẩy chay. Từ đây, cam Việt cũng bị vạ lây vì nghi cam Trung Quốc đội lốt. Hậu quả là hàng ngàn nông dân, tiểu thương khốn khổ, thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Vì sao rẻ?

Không chỉ trong các chợ, siêu thị mà ngay vỉa hè, lòng đường... cam rẻ chỉ 8 ngàn đồng/kg được bán tràn lan. Trên đường Tôn Đức Thắng, bắt đầu từ Ngã ba Huế, hàng loạt xe cam thô sơ được bày bán kéo dài gần cây số. Trước tin đồn cam Trung Quốc gây ung thư, xẻ ra không có hạt hoặc hạt lép, nhiều chủ xe cam đã xẻ đôi quả cam để trấn an khách. Tuy vậy, không ít khách rất lo lắng khi mua cam. Chị Phạm Thị Hạnh (trú tổ 31 An Khê, Thanh Khê) tỏ ra bất an: Cam đang có giá 30-35 ngàn đồng/kg tụt xuống còn 8 ngàn đồng/kg, rẻ thế chắc chỉ có hàng Trung Quốc. Trước đây cứ nghĩ cam vỏ vàng, đẹp, có hóa chất bảo dưỡng mới của Trung Quốc, còn cam sần sùi thế này là của Việt Nam mình. Giờ thì đọc trên báo chí, rồi nghe đồn thổi lẫn lộn cả, không mua thì không có dùng, mua thì cứ bất an!”. Chị Lan - chủ xe cam tại đường Tôn Đức Thắng không ngần ngại bổ đôi quả cam để chứng minh cho tôi là có hạt, là cam Việt. Giải thích việc chỗ ghi 8 ngàn đồng/kg, chỗ ghi 10 ngàn đồng/kg, chị Lan bảo nếu 8 ngàn đồng/kg thì họ cân thiếu, chỉ có 8 lạng. Cũng theo chị Lan, từ khi có tin đồn cam Trung Quốc (khoảng nửa tháng nay), ai tới mua cũng hỏi, nghi vấn và tỏ ra ái ngại, khiến chị phải giải thích rã họng.

Tại chợ đầu mối Hòa Cường, nơi nhập và cung cấp cam cho Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, khi biết chúng tôi tìm hiểu về cam Trung Quốc, hàng chục tiểu thương đã xúm lại, giải thích trong bức xúc. Chị Nguyễn Thị Thơi, tổ trưởng ngành hàng cam nói, từ tháng 3 tới tháng 5 cam nghịch vụ, giá đắt 30-40 ngàn đồng/kg, nhưng từ tháng 9 tới tháng 12 vào chính vụ ở miền Tây Nam Bộ, cam rất rẻ. Cam được chia 5 loại, loại đắt nhất 250 ngàn đồng/thùng/20kg, loại rẻ nhất 120 ngàn đồng/thùng/20kg. Như vậy, loại rẻ nhất chỉ khoảng 6 ngàn đồng/kg (bán sỉ tại chợ đầu mối), ra tới chợ lẻ, vỉa hè họ bán 8-10 ngàn đồng/kg hoàn toàn hợp lý. Tại chợ đầu mối Hòa Cường mỗi ngày có 2 chuyến xe chở cam từ miền Tây ra (khoảng 40 tấn) sau đó phân phối cho Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tuy nhiên, khoảng 10 ngày trở lại đây, từ khi rộ lên tin đồn cam Trung Quốc (vỏ xanh, sần sùi, mùi vị giống hệt cam Việt) có chứa chất ung thư, giá rẻ thì cam Việt dường như bị tẩy chay, ế ẩm vô cùng. Chị Thơi tính toán, 1 tấn cam đổ đầu về tới chợ Hòa Cường tốn 10 triệu đồng đồng, nhưng khi đổ lại cho khách chỉ thu được 7 triệu đồng, tức là lỗ 3 triệu đồng. Như vậy với 40 tấn/ngày về chợ lỗ tổng cộng khoảng 120 triệu đồng. Dẫu lỗ nhưng vẫn phải nhập, vì nguyên tắc trong làm ăn, lúc khó khăn không thể bỏ mối lái.

Cam Việt khốn đốn - 1

Chị Lan bổ cam chứng minh không phải cam Trung Quốc

Cam Việt bị vạ lây

Để chứng minh đây là cam Việt 100%, các tiểu thương trái cây chợ đầu mối Hòa Cường đã trưng ra hàng loạt hóa đơn nhập cam từ các vựa trái cây lớn miền Tây như vựa Tám Thương (cầu Lò Vôi - Mỹ Phú 5- Tam Bình - Vĩnh Long), vựa Tùng Nỡ (ấp Mỹ Hòa - Hòa Lộc - Tam Bình - Vĩnh Long), vựa Ba Tùng, vựa Khánh Nhân... cũng đều ở Vĩnh Long. Chúng tôi liên lạc với anh Tùng - Chủ vựa trái cây Ba Tùng tại Hòa Lộc - Tam Bình - Vĩnh Long thì được anh cho biết giờ đang vào chính vụ cam, lại được mùa, nông dân thu hoạch với số lượng lớn nên giá rẻ chỉ 3 - 4 ngàn đồng/kg. Trước tin đồn thất thiệt nên người dùng lo lắng, cứ nghĩ cam Việt là cam Trung Quốc, không mua đã khiến nông dân miền Tây lao đao. Theo anh Tùng, mỗi ngày vựa trái cây của mình nhập từ các tỉnh về trên dưới 100 tấn cam, bình thường sẽ xuất hết, nhưng do lượng tiêu thụ giảm nên ứ đọng nhiều. Hiện rất nhiều nông dân thu hoạch, kêu tới lấy nhưng chủ vựa ngần ngại, chưa dám cho xe tới thu mua. Trong khi cam để vài ngày là hỏng. Nếu tình trạng này kéo dài, gây thiệt hại rất lớn cho kinh tế.

“Cái khó là lấy mẫu trái cây phải 20 ngày mới có kết quả, khi đó nếu phát hiện có chất gây hại thì cũng đã vào bụng người dùng, không ngăn chặn được”

Ông Huỳnh Viết Thành
Trưởng BQL chợ đầu mối Hòa Cường.

Chúng tôi tiếp cận với chị Mai Thị Hương, một trong 2 đầu mối nhập trái cây Trung Quốc tại chợ đầu mối Hòa Cường. Trong hóa đơn trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc, có xác nhận của Hải quan Cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn sau khi lấy mẫu xét nghiệm đã kết luận hợp VSATTP. Chị Hương cho biết, cam tươi Trung Quốc có hình thức, chất lượng giống hệt cam Việt và được kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực phẩm kỹ càng trước khi cho nhập. Nhưng, do cam trong nước được mùa, số lượng lớn, giá rẻ nên cam Trung Quốc nhập về không thể cạnh tranh. Chị Hương nhập 100 sọt (1,8 tấn) cam tươi Trung Quốc, bán theo giá thị trường hiện tại bị lỗ gần 3 triệu đồng, do vậy đã ngừng nhập loại trái cây này.

Ông Huỳnh Viết Thành - Trưởng BQL chợ đầu mối Hòa Cường cho biết, mỗi ngày có 300 - 350 ngàn tấn rau củ quả về chợ, trong đó chỉ có 2 hộ chuyên kinh doanh hàng Trung Quốc. Lượng trái cây Trung Quốc hiện tại chủ yếu là táo, lê, lựu, còn lại trái cây Việt và một số của Thái Lan. Các loại táo, lê của Trung Quốc hiện vẫn bán được do mẫu mã đẹp, để lâu nên dùng để cúng kiếng, bày biện trong các đám cưới, giỗ là chủ yếu. Cũng theo ông Thành, trong 26 mẫu rau củ trái cây mà Chi cục Bảo vệ thực vật Đà Nẵng lấy mẫu vừa cho kết quả thì các loại trái cây đều hợp VSATTP.

Người tiêu dùng tỏ ra thận trọng trước sự mập mờ phân biệt cam ta, cam Tàu là điều đương nhiên, nhưng trước những phản ứng có phần tiêu cực, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường như thời gian gần đây, thiết nghĩ các ngành chức năng cần có những thông tin, khuyến cáo kịp thời để ổn định thị trường...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Hậu (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN