Muôn nẻo đồ bành
Việc bày bán quần áo giá cực rẻ (đồ bành) tại các vỉa hè không còn mới. Thế nhưng, để truy cho cùng nguồn gốc của loại hàng hóa này là điều còn khá mới mẻ.
Muôn mặt chủng loại
Trên các cung đường lớn nhỏ tại Đà Nẵng, đâu đâu cũng bắt gặp các cửa hàng, sạp quần áo bày bán đồ bành với đủ thứ chủng loại: áo ấm, áo da, quần jean, áo sơ mi, áo phông... với mọi loại kích cỡ của người lớn và trẻ nhỏ. Hầu hết quần áo còn khá mới và đều có dán những nhãn mác đang được ưa chuộng như Kelvin, Gucci, Gap, Tom My... nhưng nếu trả khéo chỉ có giá chừng vài ngàn cho đến vài chục ngàn một món. Với mẫu mã khá bắt mắt, giá cực rẻ và được gắn bởi những thương hiệu có tiếng, đồ bành thu hút rất nhiều khách hàng, kể cả những “mệnh phụ phu nhân”. Cầm trên tay chiếc áo da còn khá mới, chị Thu (trú P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu) khoe: “400 ngàn đấy, trong tiệm đến cả triệu bạc không chừng. Mà hàng hiệu mẫu mã, chất lượng chưa chắc đã hơn đồ bành. Tôi đang tính mua vài cái cho chồng”. Chị Linh nhà tại đường Tôn Đức Thắng thì nhận xét: “Nhà có nhiều trẻ nhỏ, quần áo phải thay thường xuyên mà mua đồ hiệu thì tốn lắm. Nay cả chục cái quần trẻ em chưa đến 50 ngàn dại gì mà không mua, dùng xong thì vứt đi cũng chẳng tiếc”.
Đồ bành rẻ là thực tế, nhưng khi hỏi người dùng về kiến thức của loại hàng hóa này thì ai cũng trả lời cho qua. “Đồ tồn kho của các công ty ấy mà, xuất khẩu không hết nay người ta đưa ra thanh lí, có lẽ dùng chẳng vấn đề gì”, chị Thúy trú đường Âu Cơ phòng đón. Hỏi chính các chủ cửa hàng bán quần áo họ thường tỏ ra khá lập lờ, có người còn không muốn trả lời câu hỏi mà chỉ phán: “Tiền nào của ấy, mua hay không thì tùy, có ai ép đâu”. Một số người điềm tĩnh hơn thì trả lời: “Hầu hết hàng hóa này xuất xứ từ Hà Nội, Sài Gòn của những công ty may mặc, cũng có loại quần áo cũ được tái chế lại...”. Thế nhưng, với câu hỏi sao quần áo cũ mà vẫn có nhãn mác của các thương hiệu lớn thì các chủ cửa hàng không trả lời.
Một dãy hàng đồ bành tận dụng vỉa hè để trưng bày
Theo chúng tôi ghi nhận, đồ bành hiện nay được bày bán tràn lan xuất xứ từ nhiều nguồn gốc khác nhau nhưng chung quy lại có thể chia làm hai loại. Một loại chưa qua sử dụng như hàng tồn kho của các công ty may mặc nay đem ra tiêu thụ, cũng có nhiều lô hàng từ nước ngoài vào thông qua các con đường viện trợ cho người dân các nước nghèo, hoặc cũng có thể là hàng hóa cứu trợ trong nước trong các trận lũ lụt thiên tai sử dụng không hết nay được đưa ra “thanh lý”. Loại còn lại là đã qua sử dụng, bằng nhiều con đường khác nhau nay đến tay các cửa hàng quần áo chỉ cần qua vài lần tái chế với hóa chất sẽ thành... đồ mới. Loại thứ hai này rất khó biết được chất lượng cho nên khi sử dụng người dùng có thể bị dị ứng với các hóa chất đã sử dụng tẩy rửa trước đó. Mặt khác, còn nhiều mầm mống gây bệnh ngoài da khi sử dụng đồ cũ mà không ai có thể lường trước được.
Xuất xứ từ... tứ xứ
Đồ bành, hay thường gọi là đồ sida, tên gọi của một số thùng hàng được các tổ chức nhân đạo tài trợ từ những thập niên 80 của thế kỷ trước. Nay đồ bành đã biến tướng từ nhiều nguồn: có thể là hàng tồn kho của các công ty may mặc, quần áo cũ đã qua sử dụng nay được mua lại dùng hóa chất tái chế thành đồ mới; quần áo được các đạo tặc chôm chỉa của người dân và sinh viên, đặc biệt không loại trừ khả năng đồ bành còn có nguồn gốc từ... quần áo của người chết!
Nhiều năm gần đây, hiện tượng mất quần áo ở những nơi có sinh viên, công nhân sinh sống là không hề mới. Có những làng sinh viên chỉ trong một buổi chiều bị đạo tặc cuỗm mất cả gánh đồ cũng là chuyện thường. Vậy thì, những “lô” hàng ấy sẽ đi đâu? Theo tìm hiểu, thứ quần áo bị lấy cắp được đạo chích mang bán lại cho các cửa hàng bán quần áo cũ. Những cửa hàng chuyên mua loại hàng hóa này về chỉ thao tác qua vài lần giặt giũ là có thể tung ra thị trường bán mà không ai hay biết. Vì thế, có những trường hợp có anh chàng sinh viên tối nay mất cái quần jean, sáng mai thấy đồ mình treo ngay ở cửa hàng cần thanh lý.
Theo những thông tin không chính thức, không loại trừ khả năng bồ bành là quần áo cũ có nguồn gốc từ những đám tang người chết. Một số người kể lại, trên khu vực nghĩa địa Hòa Sơn (Đà Nẵng) có một nhóm người được gia chủ thuê chuyên làm công việc dọn dẹp những ngôi mộ vừa chôn và kiêm luôn công việc hỏa táng quần áo của người chết. Và, đợi đến lúc trời chập tối... họ mới thực hiện công việc! Những quần, áo, dày, dép còn mới được để riêng một chỗ, riêng những thứ đã cũ kỹ thì “được” tiêu hủy. Số quần áo còn mới được một người âm thầm chở xuống bán lại cho các chủ kinh doanh ở ven đường...
Xưa nay, tâm lý của người tiêu dùng luôn chuộng những hàng hóa rẻ tiền, đặc biệt là mặt hàng quần áo bành. Việc sử dụng nó thì đơn giản nhưng để hiểu biết được nguồn gốc của nó thì còn là một ẩn số. Người ta thường nói “của rẻ là của ôi” dù sản phẩm đồ bành là siêu rẻ thì người dùng cũng nên cất nhắc kỹ trước khi sử dụng.