“Lưu Linh” đáo tụng đình

Thời gian qua, trên địa bàn H. Hòa Vang (Đà Nẵng) xảy ra một số vụ án mạng rất thương tâm do chính người thân trong gia đình gây ra. Những vụ án đau lòng đều xuất phát từ việc sử dụng bia, rượu quá mức…

Rượu vào, họa ra

Cho đến bây giờ, Nguyễn Văn Phong (1978, trú thôn Hòa Trung, xã Hòa Ninh, H. Hòa Vang) vẫn chưa hết bàng hoàng về cái chết của anh trai mình. Tối 19-9-2012, sau khi đi nhậu về, thấy mẹ và anh trai Nguyễn Hữu Thắng (1969) đang tranh cãi trong tình trạng bị hơi men kích động, chẳng những không can ngăn mà Phong còn gây gổ với anh rồi bất ngờ giật khúc cây trên tay mẹ đánh mạnh vào người anh Thắng một cái. Thấy anh Thắng ngã gục xuống nhà, Phong phớt lờ bỏ đi rồi tiếp tục đến nhà người khác uống rượu. Khi biết tin anh mình chết, Phong như người mất hồn, miệng cứ lắp bắp: “Tôi chỉ nhỡ tay...”... Sau vụ án “em giết anh” xôn xao dư luận đó thì 1 tháng sau, tại địa bàn giáp ranh lại tiếp tục xảy ra vụ sát hại bạn nhậu. Nạn nhân là anh Lưu Gia Kỳ Thanh (1974) bị Nguyễn Phong (1992, cùng trú thôn An Ngãi Tây 3, xã Hòa Sơn) dùng dao nhọn đâm trúng ngực và chết tại bệnh viện vào đêm 20-10-2012...

“Lưu Linh” đáo tụng đình - 1

Nguyễn Văn Phong và Nguyễn Phong

Trước đó, Trần Nam (1978, trú thôn 4, xã Hòa Khương) về thăm mẹ ở Cẩm Toại Tây (xã Hòa Phong). Khi nghe mẹ “ca cẩm” về thói hư của em, anh Nam gặng hỏi nhưng em trai là Trần Ninh (1989) lại cố chấp. Do sẵn hơi men trong người nên cả hai lớn tiếng cãi nhau. Quá bức xúc, Nam đánh Ninh một bạt tai rồi bỏ về nhưng vừa bước ra sân thì bị Ninh cầm khúc cây đánh vào đầu, anh Nam ngã qụy tại chỗ, đầu tiếp tục va mạnh vào bậc tam cấp nhà và chết trên đường đi cấp cứu. Còn tại thôn An Ngãi Tây 1, xã Hòa Sơn, do mâu thuẫn gia đình, ông Nguyễn Ngữ (1953) cũng đã dùng dao sát hại em ruột mình là ông Nguyễn Tự (1964)...

“Lưu Linh” đáo tụng đình - 2

Trần Ninh tại phiên tòa

Nỗi đau chồng chất

Tháng 7-2011, khi bị TAND H. Hòa Vang đưa ra xét xử về tội “Cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người”, gương mặt bị cáo Trần Ninh đầy hoảng loạn. Người dự khán phiên tòa hôm đó toàn là bà con, hàng xóm thân quen nhưng vẻ mặt ai cũng rối bời tâm trạng, nhất là khi thấy đôi vai của bị cáo chốc chốc lại run lên. Sau vài bước chân là hàng ghế dành cho gia đình bị hại, những ánh nhìn rệu rã của họ cứ đau đáu hướng về bị cáo. Khai trước tòa, có lúc giọng Ninh ứ nghẹn, cũng có lúc đầy hoảng loạn khi buộc phải nhắc lại giây phút phạm tội của mình. “Bị cáo có ý định giết anh từ khi nào?”. “Bị cáo không bao giờ có ý định đó”. “Mẹ bị cáo can ngăn sao bị cáo vẫn cố tình cầm cây đuổi theo, đánh anh?”. “Bị cáo bị đánh đau quá nên không kiềm chế được”. Dưới khán phòng, nhiều người trong gia đình Ninh kéo vạt áo lau nước mắt, trong đó có mẹ và vợ anh Nam. Với tư cách đại diện cho gia đình bị hại nhưng họ lại không cáo buộc điều gì mà chỉ dán ánh mắt khắc khoải về phía bị cáo... Vị chủ tọa phiên tòa xót xa: “Thời gian gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật có nguồn gốc từ bia rượu xảy ra khá phổ biến ở các vùng nông thôn. Hầu hết những người phạm tội đều bị bia rượu làm mất lý trí, không tự kiểm soát được năng lực, hành vi của mình, gây ra những hậu quả nặng nề cho xã hội”. Bản án 48 tháng tù của Ninh là đoạn kết tấn bi kịch của gia đình.

Khi được HĐXX cho nói lời sau cùng, Ninh phải bám chặt vào vành móng ngựa thốt ra những lời ân hận muộn màng: “Thực sự bị cáo không muốn anh mình chết, ra nông nỗi này bị cáo đau lòng lắm. Bị cáo biết lỗi của mình nên chẳng mong muốn gì hơn mà chỉ biết cải tạo thật tốt để sớm trở về tạ lỗi trước vong linh của người anh, góp phần chăm sóc mẹ, chị dâu và hai cháu”. Nói xong, Ninh úp mặt vào lòng bàn tay, nghẹn ngào...

Cần hạn chế bia, rượu

Qua những vụ án mạng nêu trên, có thể thấy tất cả đều xảy ra sau khi kẻ thủ ác và cả nạn nhân đều đã uống rượu, bia. Chỉ cần vài câu lời qua tiếng lại, nhiều đối tượng đã không làm chủ được hành vi của mình, gây ra nhiều vụ đâm chém dẫn đến những cái chết thương tâm. Theo Cơ quan CSĐT, nhiều vụ trọng án trong thời gian gần đây trên địa bàn huyện đều có nguyên nhân xuất phát từ rượu. Khi phân tích kỹ nguyên nhân của những vụ án nêu trên, thì các mâu thuẫn dẫn đến động cơ giết người hoàn toàn không lớn và hành động của người gây án là bột phát, không kiềm chế, không làm chủ được hành động của bản thân sau khi đã uống rượu. Để hạn chế những vụ trọng án nghiêm trọng có liên quan đến rượu, ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của rượu, bia nhằm làm thay đổi cơ bản thói quen dùng rượu, bia. Ngoài ra, cần phải có khung chế tài xử lý đối với hành vi uống rượu mang tính tệ nạn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo An Dương (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN