Logistics - mũi nhọn chiến lược kinh tế Đà Nẵng

Cảng Đà Nẵng là cảng tổng hợp, container, du lịch quốc tế trọng điểm ở khu vực miền Trung, đồng thời thực hiện tiếp chuyển hàng quá cảnh của một số vùng thuộc các nước Lào, Thái Lan, Myanmar trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây.

Nhận thức đúng tầm quan trọng và vị trí địa lý này, nhiều năm nay, trong chủ trương tập trung phát triển kinh tế biển, TP Đà Nẵng đặc biệt chú trọng đến sự phát triển của Cảng Đà Nẵng. Hơn 10 năm qua, cảng Đà Nẵng đã đầu tư hơn 400 tỷ đồng cho việc hiện đại hóa cảng theo hướng phát triển container.

Hiện Cảng Đà Nẵng có 2 khu vực chính: Cảng biển Tiên Sa và Cảng Sông Hàn với khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp đến 40.000DWT, tàu container đến 2.000 Teus và tàu khách đến 75.000 GRT. Đặc biệt, cảng Đà Nẵng đã bước đầu hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ Logistics, cảng container Tiên Sa trở thành điểm đến của container khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Logistics - mũi nhọn chiến lược kinh tế Đà Nẵng - 1

Tàu du lịch nước ngoài đến cảng Đà Nẵng

Nói về tốc độ tăng trưởng, ông Nguyễn Hữu Sia - Phó Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng cho biết, 5 năm qua, lượng container qua cảng tăng bình quân 20%. Năm 2011, hàng container qua cảng Đà Nẵng đạt 114.400 Teus, tăng 28% so với năm 2010. 5 tháng đầu năm 2012, có hơn 1,84 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, trong đó hàng container đạt 55.650 Teus, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại có 10 hãng tàu container có tàu đến cảng Đà Nẵng, trung bình 12 chuyến/tuần, tăng 50% so với năm 2009. Các hãng tàu lớn có mặt tại Đà nẵng như: Wanhai, IAL, Samudera, Yang Ming, CMA-CGM, MCC, PIL, OOCL, MOL, Hanjin, K’Line... Bên cạnh đó, với lợi thế cảng nước sâu và là trung tâm của các di sản văn hóa thế giới tại miền Trung cùng với việc chăm sóc, đón tiếp tàu và khách du lịch chu đáo, an toàn, Cảng đã thu hút nhiều tàu khách du lịch trong và ngoài nước.

* Mục tiêu phát triển dịch vụ Logistics của Đà Nẵng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 là hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung, trong đó các nhà giao nhận, vận tải sử dụng Cảng Đà Nẵng như là cảng cửa ngõ của chuỗi cung ứng dịch vụ Logistics vào các nước ASEAN, Châu Á-Thái Bình Dương; phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân của lĩnh vực Logistics là 14,5%.

Để đưa cảng Đà Nẵng trở thành một khâu trong chuỗi cung ứng dịch vụ Logistics khu vực miền Trung-Tây Nguyên, các giải pháp được đưa ra là: Về phía Cảng Đà Nẵng sẽ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và thiết bị công nghệ theo hướng phát triển container, đầu tư trong cảng và hệ thống kho bãi hậu cần ngoài Cảng; đầu tư xây dựng 1 bến mới cho tàu container với chiều dài 500m, độ sâu 13m cho tàu container 3.000 Teus (có thể khai thác tàu hàng 50.000 DWT, tàu khách 75.000GRT); xây dựng 1 bến cảng tổng hợp 400m2 tại khu vực Sơn Trà cho tàu tổng hợp 15.000 DWT; hoàn thiện khu kho bãi ICD 20ha tại Hòa Nhơn vào năm 2015, phát triển hệ thống kho vệ tinh tại khu vực Q. Sơn Trà...

Cảng ĐN đạt mục tiêu tăng trưởng sản lượng hằng năm từ 12%-15% để đến năm 2015 sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 6,5 triệu tấn, trong đó hàng container đạt 250.000 Teus, đến năm 2020 đạt 600.000 Teus.

Hằng năm, Cảng Đà Nẵng còn đầu tư hàng chục tỷ đồng từ nguồn vốn tự có để đổi mới thiết bị, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng dịch vụ và an toàn hàng hải nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Về phía TP Đà Nẵng: Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, triển khai chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu, chú trọng phát triển các ngành có lợi thế như: dệt may, giày da, đồ chơi trẻ em, chế biến gỗ, thủy sản...

Cần chú trọng thu hút nguồn hàng từ các vùng và các nước lân cận như: Chu Lai, Dung Quất, Chân Mây, Nam Lào, Đông bắc Thái Lan...; xây dựng các tuyến đường cao tốc nối Đà Nẵng với Quảng Trị, Quảng Ngãi, nâng cấp tuyến đường 14E từ Đà Nẵng đến cửa khẩu Đắc Ốc; hình thành trung tâm dịch vụ Logistics tập trung, lớn về quy mô, đảm bảo sự kết nối giữa các cụm trong tổng thể dịch vụ. Thiết lập chính sách ưu tiên cho các tuyến vận tải kết nối Đà Nẵng và các khu công nghiệp vùng lân cận; có chính sách dài hạn trong việc đào tạo, hỗ trợ và thu hút nhân lực phục vụ ngành Logistics có chất lượng cao, có chính sách ưu đãi về quy hoạch đất, về thuế cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo M.Hằng (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN