Làm ăn thời khốn khó (3): Chật vật tìm lối thoát

Tất nhiên là doanh nghiệp (DN) phải “gồng”, phải vượt khó. Nhưng bằng cách nào thì mỗi DN tự tìm hướng đi riêng cho mình. Giải pháp nào để “cởi trói” cứu DN? Những người trong cuộc nói gì?

Tự bơi

Không phải những khó khăn bủa vây là đã bít hết cơ hội tồn tại, phát triển của DN. Chính trong lúc khốn khó, nhiều DN với cách làm riêng, hướng đi phù hợp, vẫn tìm được cho mình lối thoát. Ông Huỳnh Văn Tân - Chủ tịch HĐQT thép Dana - Ý cho biết, đúng là bất động sản đóng băng khiến nhiều công trình, DA xây dựng dừng lại, việc bán sắt thép vô cùng khó khăn. Nhưng, vẫn còn những công trình phải triển khai, những DA không thể dừng, những căn hộ của người dân xây dựng, và vẫn có nhu cầu “ngốn” một lượng không nhỏ sắt thép. Vấn đề là, bằng cách nào sản phẩm của mình vẫn có thể tồn tại, cạnh tranh được trong cái nhu cầu hạn hẹp đó?

Ông Tân nói: Bất chấp khủng hoảng, Cty vẫn đạt doanh thu hơn 100 tỷ đồng/tháng, nghĩa là đều đặn 7-8 ngàn tấn thép được bán ra thị trường miền Trung mỗi tháng, duy trì công việc cho 1.000 công nhân với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người. Có kết quả ấy là do giá sản phẩm của Dana - Ý rẻ hơn giá của các thương hiệu khác 4-5 trăm đồng/kg mặc dù chất lượng như nhau. Để có giá cạnh tranh như vậy, ông Tân tiết lộ 2 yếu tố quan trọng, đó là năng lực quản lý chi phí, sản xuất của DN tốt, hợp lý, tiết kiệm. Đặc biệt, do dùng công nghệ cao, sản xuất, cung cấp tại chỗ nên giá thấp hơn thị trường chung. Trong khi đó nhiều thương hiệu thép khác từ miền Nam chuyển về với giá cước phí tăng cao như hiện nay đã đội giá vào sản phẩm.

Cũng chính trong lúc khốn khó buộc nhiều DN phải thay đổi phương pháp quản lý, thực hiện tiết kiệm chi phí sản xuất. Ông Phan Văn Hiếu - Chủ tịch HĐQT Cty Tân Hưng Yên tâm sự, từ khó khăn này mà NLĐ và chủ DN xích lại gần hơn, cảm thông với nhau hơn. Hơn ai hết, chính NLĐ hiểu, khi ông chủ làm ăn khó khăn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống của mình. Vì thế, họ chia sẻ bằng cách làm việc trách nhiệm hơn, tiết kiệm những chi phí không cần thiết. Chẳng hạn ở các cửa hàng sửa chữa, bảo hành xe máy, trước đây họ dùng 10kg xà phòng/ngày thì nay tiết kiệm xuống còn 6-7kg/ngày.

Hoặc ở Memory, trước đây khăn lau bàn xong họ đem bỏ đi, thì nay gom lại, đem giặt, dùng lau lại, như vậy cũng tiết kiệm được chi phí mỗi tháng 3-4 triệu đồng. Hoặc khi không có khách, họ tắt điều hòa, ra khỏi phòng thì tắt điện. Sự chia sẻ ấy có thể không lớn với DN về kinh tế, nhưng nó giúp chủ DN thấy có trách nhiệm hơn với lao động của mình. Như vậy, thôi thúc chủ DN bằng mọi cách tìm hướng làm ăn tốt để duy trì DN, đảm bảo việc làm cho NLĐ. Quan trọng hơn, nó tạo sự đoàn kết, quyết tâm trong DN, biết chia sẻ cùng nhau, hợp sức đưa DN vượt khó.

Tất nhiên, khi khó khăn, DN muốn tồn tại, buộc phải tự thân tìm tòi, không cách này thì cách khác để vượt khó. Đó có thể là việc quản trị lại DN, xốc lại tinh thần NLĐ, tăng cường tìm kiếm thị trường mới, hướng đầu tư mới...

Làm ăn thời khốn khó (3): Chật vật tìm lối thoát - 1

Mặc dù ngành sản xuất VLXD khó chung, xong bằng cách làm riêng, nhiều DN sản xuất như thép, gạch, xi-măng vẫn tìm được hướng đi cho riêng mình. (Trong ảnh: Nhà máy thép Dana-Ý vẫn sản xuất đều đều 7-8 ngàn tấn/tháng).

Cởi trói từ đâu?

Ông Văn Hữu Thiết - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Đà Nẵng nhìn nhận, gói giải cứu 29.000 tỷ đồng dành cho DN mới chỉ giải mà chưa cứu, nói cách khác chưa có tác động nhiều tới DN. Trước hết phải quay lại gói giải cứu 134.000 tỷ đồng năm 2009. Trong gói đó, giảm thuế VAT 50%, giảm thuế thu nhập DN 30% và hỗ trợ 40% lãi suất cho DN. Như vậy, với gói này, DN trực tiếp được hưởng. Thế nhưng, với gói 29.000 tỷ đồng lần này, chỉ giãn thuế, giảm tiền thuê đất (do trước đây thu cao, giờ giảm xuống 50%), thế nên không có nhiều tác động trực tiếp mà DN được thụ hưởng. Trong khi đó, tình trạng bi đát của DN hiện nay nặng hơn rất nhiều năm 2009.

Ông Lê Viết Tươi - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho rằng, cái DN cần hiện nay là chính sách vĩ mô ổn định. Nói cách khác, chính sách tài khóa, tiền tệ phải hướng tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế, tạo điều kiện để DN phát triển. Hơn ai hết, DN cần có những dự báo mang tính định hướng lâu dài, khoa học, khả thi. Chẳng hạn, tập trung phát triển mạnh ngành nghề, lĩnh vực gì, chính sách tài khóa ổn định thế nào? Điều này rất quan trọng, bởi nó giúp DN có thể yên tâm đầu tư, biết ưu tiên đầu tư vào đâu, tránh tình trạng bị động, tù mù như vừa qua.

Hiệp Hội DN nhỏ và vừa TP Đà Nẵng đề xuất 3 giải pháp quan trọng để giải cứu DN hiện nay, trong đó trước mắt phải kéo ngay lãi suất các khoản vay cũ xuống. Hiện nay, DN vẫn phải chịu mức lãi suất các khoản vay cũ rất cao suốt thời gian dài. Đây là nguyên nhân làm DN kiệt quệ, phá sản. Với các khoản vay mới, cần điều kiện hợp lý hơn để DN có thể tiếp xúc dễ dàng. Bởi, trong tình thế hiện nay, không thể đòi hỏi “sức khỏe” của DN như lúc bình thường. Để giải quyết hàng tồn kho, bên cạnh nỗ lực giảm giá của các DN thì việc tổ chức các diễn đàn mua bán hàng tồn kho, việc nới rộng cho vay tiêu dùng xã hội (cho người dân vay mua sắm, cho các đại lý, cửa hàng vay ưu đãi dự trữ hàng...) cũng rất quan trọng. Và, giải pháp cuối cùng, phải giảm thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân để kích thích tiêu dùng, thực hiện tốt việc dùng hàng Việt.

Làm ăn thời khốn khó, đúng là có làm mà không có ăn, thật quá khó cho các DN!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Hậu (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN