Làm ăn thời khốn khó (2): Ám ảnh lãi suất

Nhiều giám đốc doanh nghiệp (DN) ở Đà Nẵng tâm sự rất thật, cứ nghĩ tới lãi suất lại như ngồi trên đống lửa, muốn chợp mắt ngủ cũng không thể. Nhiều DN không còn gì thế chấp để vay thêm, để xoay xở, để hoạt động cầm chừng trong khi không ít DN mặc dù được ngân hàng (NH) năn nỉ vẫn không dám vay để đầu tư.

Từ nghịch lý

Bà Nguyễn Thị Tài - Giám đốc Cty nhựa Phú Gia (đường Hoàng Văn Thái - Đà Nẵng) nói, lãi suất NH đang giữ ở 11% đột nhiên điều chỉnh lên trên 22% chỉ vài tháng. Việc tăng lãi suất đồng loạt mà không đi vào chi tiết từng ngành nghề kinh doanh, từng lĩnh vực là một bất cập. Bà Tài giải thích: để giải quyết lạm phát mà tăng lãi suất trong bối cảnh kinh tế Việt Nam (VN) là chưa phù hợp. Ở nước ngoài, thông thường khi lạm phát, công cụ lãi suất NH sẽ được điều chỉnh tăng để giảm nhu cầu vay mua tiêu dùng của người dân (nhà cửa, xe cộ, tài sản). Lý do, vì tỷ lệ vay tiêu dùng của người dân ở các nước phát triển rất lớn. Ngược lại, ở ta, phần lớn dư nợ cho vay của các NH chính là các DN để mở mang đầu tư, SX-KD, do nền kinh tế đang mở cửa. Cho vay tiêu dùng ở VN chiếm tỷ lệ nhỏ. Vì vậy, dùng công cụ tăng lãi suất để chống lạm phát là bất hợp lý, không những không giải quyết triệt để được bài toán lạm phát mà còn bóp nghẹt DN khiến sản xuất đình đốn, thất nghiệp, kinh tế rơi vào giảm phát.

Theo thống kê, chỉ 20% DN tại VN hoạt động bằng năng lực tài chính hiện có, còn 80% phụ thuộc vào NH. Bà Tài nói, khi lãi suất 22% (đó là với NH lớn như Agribank, còn như các NH TMCP có thời điểm trên 26%), thì lợi nhuận phải đạt trên 25% mới duy trì vừa vốn. Nhưng mức lợi nhuận đó gần như cực khó với DN của ta, bởi chủ yếu là DN nhỏ, năng lực tổ chức quản lý yếu, tính cạnh tranh thấp, thị trường hạn hẹp... Hậu quả là hàng loạt DN điêu đứng, làm không đủ nuôi NH, phải hoạt động cầm chừng, ăn mòn vào tài sản. Đến mức, nỗi ám ảnh, sợ hãi với mỗi doanh nhân là sáng ngủ dậy, nghĩ tới chuyện lãi suất. Bà Tài cũng phân tích, không thể dùng chung một mức lãi suất tăng đều với tất cả DN. Có những DN do đặc thù kinh doanh, ngành nghề không bị ảnh hưởng của khủng hoảng, luôn là khách hàng uy tín của NH, vậy thì tại sao vẫn bị “lùa” vào guồng chung của “bão” lãi suất. Vô hình chung, việc kiểm tra, loại khỏi vòng những DN yếu, không còn đúng nghĩa. Nó tạo áp lực đều, bóp nghẹt toàn bộ hệ thống DN. Đó là sự bất công.

Mặc dù chủ trương kéo lãi suất xuống 15%/năm tuy nhiên phần lớn DN tại Đà Nẵng vẫn phải vay với mức lãi suất trên 17%. Bà Huỳnh Thị Tâm - Giám đốc Cty Hoàn Thiện (Đà Nẵng) nói, đơn vị vẫn phải đang vay ở mức 17,5%. Mức này cũng chỉ được điều chỉnh khoảng 1 tháng nay, trước thì cao hơn nhiều. Kéo lãi suất cho vay xuống, nhưng thực tế với nhiều ràng buộc, không dễ gì DN tiếp cận được. Ông Phan Văn Hiếu - Chủ tịch HĐQT Cty Tân Hưng Yên cho biết, giữa chủ trương hạ lãi suất và thực tế tiếp xúc là khoảng cách khá xa. Bản thân Cty hiện đang vay với mức lãi suất trên 18%. Ông Hiếu nhận định, điều kiện để vay được mức lãi suất ưu đãi phải có tài chính lành mạnh, phương án tốt. Nhưng thử hỏi qua đợt khủng hoảng vừa rồi, còn mấy DN “sức khỏe” tốt, trụ vững được. Mặt khác, mức lãi suất ưu đãi mới chỉ được áp dụng hạn chế trong một số lĩnh vực và phải “giải thoát” được nợ cũ.

Đồng quan điểm, ông Văn Hữu Thiết - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Đà Nẵng nói, phần lớn DN vẫn đang phải chịu mức lãi suất cũ rất cao (17-20%), số DN tiếp cận được lãi suất ưu đãi rất hạn chế. Sau một thời gian dài vật lộn với khủng hoảng, lãi suất, DN đã đuối sức, kiệt quệ, để đòi hỏi có tài chính, “sức khỏe” tốt, giải quyết hết nợ cũ mới được vay mức lãi suất ưu đãi 15% dường như là điều không thể với phần đa DN. Ông Thiết nói thêm, hàng loạt DN đang hoạt động cầm cự, hàng hóa tồn đọng, lãi suất gánh cao, muốn có vốn vay để “gỡ thế khó” duy trì hoạt động nhưng không thể vay, do không còn gì để thế chấp. Trong khi đó, họ vẫn phải nuôi lãi suất cao cho đống nợ cũ, buộc phải đi vay ngoài với mức 30-40% để trả lãi NH. Thực tế đó càng đẩy DN đến chỗ phá sản.

Làm ăn thời khốn khó (2): Ám ảnh lãi suất - 1

NH "thừa tiền", nhưng DN không dễ đáp ứng đủ điều kiện để vay

Năn nỉ DN vay

Trong khi đó nhiều DN còn tài sản thế chấp, có “sức khỏe” tài chính tốt, đang được các NH năn nỉ cho vay. Tất nhiên, những DN này cũng không dám vay. Bà Nguyễn Thị Tài cho biết, một số NH đang ráo riết, chào đón DN của bà để cho vay. Tuy nhiên, bà từ chối, bởi với mức lãi suất hiện quá cao, phương án kinh doanh khả thi đến đâu cũng chỉ đủ duy trì DN chứ khó mà có lãi. “Tôi chờ khi nào lãi suất xuống dưới 12% mới tính chuyện vay” - bà Tài nói.

Một lý do khác khiến nhiều DN có “sức khỏe” tốt không muốn vay dù được năn nỉ, là bởi họ mất niềm tin vào các NH cũng như chính sách tài khóa. Bà Tài nói, chính sách vĩ mô điều hành lãi suất thay đổi liên tục, không có tính bền vững, khiến DN quáng gà, không biết đâu mà lần. Cái DN cần là sự ổn định bền vững trong suốt một chu kỳ đầu tư. Không thể một DA cả 5-10 năm nhưng lãi suất đang ở mức này, một thời gian ngắn đột ngột thay đổi, DN bị xoay như chong chóng nên không thể yên tâm làm ăn. Mặt khác, việc điều hành chính sách tài khóa cần phân loại, từng lĩnh vực, ngành nghề không chỉ đánh đồng mức lãi suất tăng đều như vừa qua. Ông Phan Văn Hiếu nói, đầu năm DN dự định làm một DA quy mô tại Hòa Khánh, nhưng mức lãi suất điều hành cứ phập phù khiến DN lo lắng, không tự tin để đầu tư. Nên, cách tốt nhất là tạm dừng, chờ đợi.

Một thực tế là NH đang thừa tiền nhưng tăng trưởng tín dụng âm, bởi khó tìm ra được các DN “sáng sủa” đủ điều kiện cho vay. Thế nên, với DN có “sức khỏe” tốt, họ ra sức níu kéo.

(Còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Hậu (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN