Hé lộ "đường dây" gạ Việt kiều chuyển "siêu xe" về nước

Sau vụ Cục Hải quan phát hiện 5 “siêu xe” hiệu Lexus “vô chủ” tại cảng Đà Nẵng cuối tháng 6/2013, dư luận đang đặt câu hỏi: Có hay không “đường dây” nhờ Việt kiều hồi hương để đưa ô-tô miễn thuế vào quốc nội nhằm buôn lậu, trốn thuế?

Phóng viên Báo CATP Đà Nẵng đã vào cuộc điều tra để chứng minh việc lợi dụng chính sách này của một số trường hợp để tuồn “siêu xe” về nước...

Mắt xích quan trọng

Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã phản ánh, đơn vị nhận 5 “siêu xe” hiệu Lexus “vô chủ” tại cảng Đà Nẵng là của Cty Phương Nam (trụ sở tại Q. Tân Bình, TP HCM), nhưng đơn vị này đã  từ chối làm thủ tục nhận xe với lý do... gửi nhầm! Ngoài 5 chiếc xe trên, hiện tại cảng Đà Nẵng còn có 16 “siêu xe” khác như Mercedes Benz S600, BMW Series 5, Mercedes Ben GL 550... mà theo Cục Hải quan (có thể thuộc diện xe của Việt kiều hồi hương, hoặc xe các đơn vị, tổ chức cần mua), nhưng tất cả đều chưa có ai đến làm thủ tục thông quan.

Theo những người rành việc chỉ dẫn, chúng tôi đã tìm ra một mắt xích quan trọng khi tiếp cận được với ông T.- Việt kiều Mỹ đã hồi hương sống tại Q. Thanh Khê (Đà Nẵng). Được biết, “thẻ xanh” (thẻ Việt kiều cũ thời ở Mỹ) của ông T. đến tháng 10/2013 mới hết hạn, nhưng từ tháng 8/2004 ông T. đã trở lại Đà Nẵng sống cùng vợ cho đến nay.

Hé lộ "đường dây" gạ Việt kiều chuyển "siêu xe" về nước - 1

Ông T. trao đổi với phóng viên

Ông T. kể lại, khoảng cuối năm 2012, có một người tên Dung (tạm trú P. Thạc Gián, Q. Thanh Khê) đến gặp ông và cho biết, hiện chuẩn bị mang một lô xe ô-tô “xịn” khoảng 10 chiếc từ nước ngoài về theo diện xe Việt kiều hồi hương. Nếu ông T. đồng ý cho mượn giấy tờ làm thủ tục mang một chiếc xe về thì ông sẽ được “lại quả” 3.000 USD (ước tính khoảng 60 triệu đồng). Riêng phần làm các thủ tục, ký giấy tờ có liên quan Dung lo.

Ông T. nhận lời và đưa cho Dung những giấy tờ gồm: CMND, “thẻ xanh”, hộ khẩu gia đình và 4 tấm hình thẻ để Dung “tính chuyện làm ăn”. Nhận giấy tờ, Dung nói với ông T. khoảng 2 tháng sau khi làm xong thủ tục (hộ chiếu), sẽ thanh toán tiền như đã cam kết. “Khoảng tháng 1/2013, gần đến hẹn Dung phải trả 3.000 USD thù lao cho tôi nên tôi có điện thoại hỏi chuyện thì cô ta trả lời là gần xong, nhưng do dạo này làm thủ tục hơi khó nên đề nghị tôi bớt thù lao còn 2.000 USD. Nghĩ rằng chẳng mất gì nên tôi đồng ý, nhưng đến nay Dung vẫn không chuyển tiền cho tôi như đã cam kết” – ông T. kể.

Hé lộ "đường dây" gạ Việt kiều chuyển "siêu xe" về nước - 2

Hộ chiếu do Dung làm cho ông T. từ bên Mỹ dù ông đang ở Đà Nẵng

Đến tháng 2/2013, bỗng dưng có một người lạ mặt mang đến tận nhà đưa cho ông T. một cuốn hộ chiếu mang tên ông và được cấp ngày 9/1/2013 và có giá trị đến 9/1/2023. Giật mình trước việc Dung làm được hộ chiếu từ bên Mỹ cho mình (trong khi ông T. vẫn ở Đà Nẵng) nên ông nghi ngờ Dung lợi dụng giấy tờ, thủ tục của mình để làm việc xấu. “Đang trong lúc khả nghi thì tôi đọc báo được biết tại Cảng Đà Nẵng còn có 16 chiếc xe nhập về từ lâu nhưng chưa có người đến làm thủ tục thông quan. Nghĩ rằng việc Dung mượn giấy tờ của tôi và làm được hộ chiếu cho tôi từ Mỹ thì chắc là đã hợp thức hóa để mua xe đưa về, vì thời gian Dung đặt vấn đề và mượn giấy tờ rất trùng với thời gian những chiếc xe đang “vô chủ” tại cảng Đà Nẵng nên tôi liên lạc với Dung nhưng không được” – ông T. nói.

Dấu hiệu lợi dụng chính sách là có cơ sở

Ngày 28/6, ông T. dẫn chúng tôi tìm đến ngôi nhà mà Dung thuê trọ tại P. Thạc Gián nhưng chủ nhà tại đây cho biết Dung đã dọn đi chỗ khác.

Tiếp đó, chúng tôi liên hệ làm việc với Cục Hải quan Đà Nẵng và sau khi xác minh thông tin, một cán bộ giám sát của đơn vị cho hay, không thể biết được trong số 16 chiếc xe đang “vô chủ” ở cảng Đà Nẵng có xe do hồ sơ của ông T. đưa về không. Trừ khi có người mang giấy tờ, hồ sơ đến làm thủ tục thông quan mới xác định chính xác được chủ chiếc xe đưa về là của ai. Còn chuyện đối tượng Dung nào đó mượn hồ sơ của ông T. làm thủ tục để mua xe về nhưng đang “xù” tiền bồi dưỡng, đại diện Cục Hải quan cho hay, cũng có thể là Dung lợi dụng kẻ hở của luật pháp và làm thủ tục mua xe theo diện này mang về, nhưng chưa hợp thức hóa được.

Với những gì đang diễn ra, dù chúng tôi chưa khẳng định là tấm hộ chiếu Dung làm cho ông T. là thật hay giả, nhưng khi nghe thông tin này, lãnh đạo Cục Hải quan cũng phải thốt lên rằng: Nếu làm được hộ chiếu từ Mỹ thì quả thật "kinh khủng", và chuyện làm hộ chiếu này có sự lỏng lẻo? Với những gì chúng tôi tìm hiểu được, lực lượng hải quan cũng đang đặt nghi vấn, việc lợi dụng chính sách Việt kiều đưa xe về nước để trốn thuế hoàn toàn có thể xảy ra, bởi khi đưa được một chiếc xe về nước, mức thuế được giảm là rất lớn. Ông Phạm Ngọc Thuần, Phó cục trưởng Cục Hải quan Đà Nẵng cho hay, đây cũng là vấn đề mà từ cuối năm 2012 đến nay, Bộ ngoại giao, Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục Hải quan đang triển khai điều tra, giám sát chặt chẽ đối với diện xe Việt kiều hồi hương mang về vì gần đây số lượng nhập khẩu theo diện Việt kiều hồi hương về Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng tăng lên rất nhiều so với các năm trước. Cũng từ việc lợi dụng chính sách, có địa phương đã từng phát hiện trường hợp làm giả cả hồ sơ, chứng từ liên quan để mang xe về nước hòng trốn thuế.

Dư luận đang rất quan tâm đến câu chuyện thời sự này và cần một sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, tránh để xảy ra chuyện đối tượng lợi dụng chính sách ưu đãi đối với Việt kiều hồi hương để hợp thức hóa giấy tờ, thủ tục mang về nước những lô “siêu xe” trốn thuế, làm thất thoát của Nhà nước số lượng tiền thuế khổng lồ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Hạnh (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN