Hàng Tết lo bết bát

Vẫn dự trữ hàng Tết, nhưng nhiều đơn vị kinh doanh ở Đà Nẵng tỏ ra dè dặt bởi dự báo sức mua năm nay xuống thấp do khủng hoảng kinh tế, người dân thắt chặt chi tiêu.

Ông Đặng Công Mỹ - Giám đốc Vissan Đà Nẵng cho biết, dự trữ theo kế hoạch năm 2012 của đơn vị là 225 tấn, cộng thêm dự trữ Tết 257 tấn, như vậy trong thời điểm cận, trong và sau Tết đơn vị sẽ tiêu thụ gần 500 tấn (khoảng 43 tỷ đồng). Tuy vậy, ông Mỹ cũng thẳng thắn nhìn nhận thị trường Tết này sẽ rất khó khăn. So với dự trữ hàng Tết năm trước thì dự trữ năm này không tăng, mặc dù đơn vị đã mở rộng hệ thống phân phối. Cụ thể, ngoài 1.200 đầu mối nhận hàng thực phẩm chế biến từ Vissan (thịt heo, gà, bò, cá), đơn vị còn mở thêm 1 siêu thị và 4 đại lý bán thực phẩm chế biến tại Đà Nẵng. “Hàng hóa cuối năm nay khó bán nên dự trữ hàng Tết của chúng tôi không tăng. Hy vọng doanh thu bằng năm vừa rồi đã đạt yêu cầu” - ông Mỹ nói.

Hàng Tết lo bết bát - 1

Dự trữ hàng Tết được các đơn vị chuyển hướng sang các mặt hàng thiết yếu như rau, củ, thực phẩm thay vì bánh kẹo như trước

Với các siêu thị lớn, việc dự trữ hàng Tết ngoài lý do kinh doanh của đơn vị còn có trách nhiệm tham gia bình ổn thị trường theo chủ trương của TP Đà Nẵng. Ông Võ Hoàng Anh - Giám đốc Siêu thị Co.opMart Đà Nẵng cho biết, dự trữ hàng Tết của đơn vị năm nay khoảng 50 tỷ đồng. So với năm trước, mức dự trữ này chênh lệch không nhiều. Lý giải vì sao dự báo sức mua thấp do người dân thắt chặt chi tiêu nhưng đơn vị vẫn dự trữ hàng Tết nhiều, ông Võ Hoàng Anh cho rằng, kế hoạch làm việc với các nhà cung cấp sản phẩm cho siêu thị đã được triển khai từ trước. Mặt khác, tuy sức mua không cao nhưng số lượng khách biết và tới siêu thị nhiều hơn nên vẫn tăng doanh thu từ 15-20%. Tuy vậy, để đối phó với sức mua giảm như dự báo, Co.opMart Đà Nẵng đã điều chuyển ngành hàng dự trữ phù hợp theo hướng hàng thiết yếu, giá rẻ để phù hợp với chi tiêu của người dân. “Mặc dù bánh kẹo, mứt... là hàng Tết, song năm nay chúng tôi cũng hạn chế để tập trung dự trữ các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, mắm muối, thực phẩm tươi sống, xà bông...” - ông Võ Hoàng Anh nói.

Ông Lữ Bằng - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho biết, tới thời điểm này, tổng số tiền tham gia dự trữ hàng Tết, bình ổn thị trường trên địa bàn TP khoảng 600 tỷ đồng. Trong đó, 11 DN cam kết dự trữ hàng hóa trị giá trên 335 tỷ đồng, hơn 5.000 tiểu thương tại 8 chợ lớn dự trữ hàng hóa khoảng 100 tỷ đồng, một số siêu thị dự trữ nhiều như Metro 55 tỷ đồng, Co.opMart 50 tỷ đồng, BigC 23 tỷ đồng... Bên cạnh đó, TP đã tạm ứng 4 tỷ đồng mua dự trữ 1.000 tấn gạo, cho Cty Đắc Vinh vay 4 tỷ đồng không lấy lãi trong 2 tháng Tết để dự trữ 35 tấn thịt heo bán bình ổn với giá thấp hơn giá thị trường 10-15%.

Như vậy, so với nhiều năm trước, mức dự trữ hàng Tết khoảng 600 tỷ đồng trên địa bàn TP là tương đối lớn. Việc dự trữ ngoài yếu tố bình ổn giá, đảm bảo không có biến động lớn về giá khi sức mua vào dịp Tết tăng lên còn phải đảm bảo các tiêu chí về an toàn, và phải phân phối về các khu vực vùng ven. UBND TP đã chi 300 triệu đồng để Sở Công Thương chi hỗ trợ kinh phí thực hiện bán hàng Tết bình ổn. Cụ thể, Cty Đắc Vinh được hỗ trợ 100 triệu đồng để thực hiện bình ổn thịt heo, Co.opMart được hỗ trợ 40 triệu đồng để thực hiện 4 chuyến đưa hàng về các KCN bán cho người dân... Tuy nhiên, việc dự trữ để bình ổn hàng Tết chỉ thực sự ý nghĩa và phát huy hiệu quả khi sức mua tăng vào dịp cận Tết, dẫn tới giá cả bị “thổi” lên, hàng hóa kém chất lượng tranh thủ xâm nhập. Thực tế thì năm nay do kinh tế quá khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, nên việc chi tiêu hết sức tiết kiệm. Cái mà người tiêu dùng lo hơn cả lúc này là hàng hóa có đảm bảo an toàn, chất lượng không chứ không phải thiếu hàng hóa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Thuấn (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN