Giải tỏa bi hài chuyện (Kỳ 1)

Những năm qua, việc đẩy mạnh quy hoạch, chỉnh trang, mở rộng đô thị của chính quyền Đà Nẵng đã được người dân đồng tình ủng hộ khiến diện mạo thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, đời sống người dân được nâng cao rõ rệt.

Điều đó đã được thực tế chứng minh. Nhưng mặt trái của “đền bù, giải tỏa” đang tác động đến không ít gia đình như việc tranh chấp đất đai, tài sản giữa anh em, vợ chồng... gây nên nhiều bi kịch. Và nữa, khi có tiền, không ít người dân đã “quên” nghĩ đến chuyện đầu tư, chuyển đổi ngành nghề làm ăn mà chi tiêu theo kiểu “đại gia” rồi rơi vào cảnh trắng tay... Trong loạt bài này, chúng tôi không bàn đến chính sách, chủ trương đền bù giải tỏa mà chỉ đề cập những tác động của nó khi nhiều người đã để đồng tiền làm lung lay nền tảng, truyền thống tốt đẹp của gia đình.

“Tôi còn nhớ trước đây mấy anh em chia nhau từng củ sắn, củ khoai hay bát cơm độn mà cuộc sống vẫn vui vẻ, hạnh phúc đến thế. Nay có đồng tiền thì tình cảm cũng theo đó mà mất đi” - lời tâm sự của anh C. khiến nhiều người giật mình khi nhìn lại thực trạng những năm gần đây việc anh em trong gia đình đưa nhau ra tòa chỉ vì tranh giành tiền bạc sau khi nhận tiền đền bù giải tỏa ngày một nhiều hơn. Đằng sau mỗi phiên tòa là những nỗi đau lớn, nỗi đau khi truyền thống gia đình bị đồng tiền phá vỡ.

Giải tỏa bi hài chuyện (Kỳ 1) - 1

Một phiên tòa dân sự xử vụ anh em kiện nhau để chia tài sản giải tỏa đền bù

Nhiều người dự khán phiên tòa hôm ấy không khỏi ngậm ngùi khi thấy anh em dẫn nhau ra tòa chung quy cũng vì số tiền đền bù giải tỏa. Họ tuy là anh em cùng cha khác mẹ, nhưng trước giờ hết sức yêu thương nhau. Ông D. là con bà cả, cũng là nguyên đơn kiện em trai (con bà bé) là ông C. ra TAND Q. Cẩm Lệ để yêu cầu chia tài sản của người cha để lại. Chẳng là khi còn sống, ông T. có hai đời vợ. Người vợ cả sống tại đường Trưng Nữ Vương, TP Đà Nẵng. Người vợ bé sau một thời gian chung sống ở đây đã cùng 4 người con và ông T. về vùng Đông Phước (Cẩm Lệ) khai hoang, sinh sống. Sau khi bố mẹ qua đời, vùng đất nơi 4 anh em ông C. sinh sống nay TP Đà Nẵng tiến hành giải tỏa, quy hoạch.

Được một số tiền đền bù từ mảnh đất nói trên, những người con của vợ nhỏ đã giúp đỡ những người nghèo, cải tạo mồ mả tổ tiên, xây nhà thờ và không quên chia cho các anh, chị con người vợ lớn mỗi người 40 triệu đồng... Số tiền 500 triệu đồng còn lại, ông C. dự định sẽ xây nhà và lo lễ nghĩa, giỗ chạp sau này thì ông D. không đồng ý. Ông cho rằng số tiền 500 triệu đó ông C. đã tự ý tiêu xài riêng, buộc ông C. phải chứng minh được nó vẫn còn, bằng cách để ông D. được nhìn thấy. Khi được em đưa tiền cho kiểm chứng, ông D. giữ luôn nên mới dẫn đến việc anh em lôi nhau ra tòa.

Giải tỏa bi hài chuyện (Kỳ 1) - 2

Sau giải tỏa anh Mai Đăng Dũng vẫn tiếp tục công việc làm nông

Nhìn cảnh anh em trong một gia đình đứng trước tòa cãi vã, cự nự, nhiều lần HĐXX phải hỏi: “Mọi người đã suy nghĩ kỹ chưa? Có thể tự hòa giải được không hay vẫn nhờ tòa xét xử?”. Tuy nhiên, cuối cùng ông D. vẫn giữ nguyên ý kiến của mình. Đến đây thì ông C. cũng không thể làm thinh trước lòng tham của ông D. nên: “Nếu muốn chia tài sản tại Đông Phước thì cũng phải chia luôn tài sản, nhà cửa mà ông D. đang sinh sống vì đó cũng là của cha mẹ để lại”. Ông C. tâm sự thêm: “Anh em một nhà đưa nhau ra tòa muối mặt lắm. Nếu anh D. không quá đáng như vậy thì anh em chúng tôi đâu ra cảnh này. Tôi thật sự thấy chua xót và thấy có lỗi với vong linh của cha mẹ nơi chín suối. Hồi cha còn sống, ông luôn dạy anh em tôi phải thương yêu, đùm bọc nhau cho dù đói khổ thế nào. Nếu ông biết vì tiền mà anh em tôi thế này thì...”.

Luật sư bảo về quyền lợi cho ông C. tại phiên tòa hôm đó nhìn nhận: Ông D. là anh cả trong gia đình, đáng ra những chuyện như vậy anh em phải ngồi lại bàn bạc với nhau tìm cách giải quyết. Làm anh, thấy các em thoát được cảnh bần hàn thì phải vui mừng mới đúng. Trong khi ông C. đã chia phần cho các anh chị rồi, 500 triệu đồng còn lại ông dành cất căn nhà để ở khi tuổi già thân đơn cũng như lo thờ tự, giỗ chạp... Chứng kiến phiên tòa, mọi người ai cũng lắc đầu ngao ngán, bởi tình thân ruột rà chẳng là gì một khi người ta bị đồng tiền chế ngự.

Giải tỏa bi hài chuyện (Kỳ 1) - 3

Tận dụng tầng 2 ngôi nhà của mình, chị Trần Thị Ngọc Vân vẫn có thể kiếm thu nhập từ việc trồng nấm

Cùng là câu chuyện buồn như anh em ông D., hôm nay, anh em bà H. cũng lôi nhau ra tòa vì không thể bàn bạc, phân chia tiền bạc. Là chị em ruột nên năm 1985, khi ông T. từ tỉnh Đắc Lắc về, không có chỗ ở, bà H. mới để em ở nhờ trên nhà và đất của mình. Sau thời gian nhà xuống cấp, ông T. xin phép được tu sửa lại. Đến năm 1995, ông T. tự ý khai theo Nghị định 64/CP chiếm đoạt luôn đất của bà H. Về sau khu đất này nằm trong diện di dời giải tỏa, ông T. cho rằng đó là đất của mình và đòi được nhận tất cả tiền đền bù. Trước sự ngỗ ngược của em, bà H. không còn cách nào khác đó là kiện ông T. ra tòa. Bà bảo, đây là việc làm bất đắc dĩ, tui tiếc tài sản thì ít mà buồn vì tình cảm chị em mất đi thì nhiều.

Chứng kiến những phiên tòa như thế, chúng tôi không khỏi đau lòng. Có phải vì số tiền giải tỏa mà người ta quên hết tình cảm ruột rà, anh chị em bỗng chốc trở thành người dưng nước lã? Tôi mong rằng, đó chỉ là những trường hợp hiếm hoi, bởi trong cuộc sống, tiền bạc rất quan trọng, nhưng nó không phải là tất cả.

(Còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo H.A-P.T ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN