“Ếch” phiêu lưu ký (Kỳ 2)

Giữa bộn bề hoang mang và lo lắng, những người nhiễm HIV/AIDS như người chết đuối vớt được cọc khi tham gia câu lạc bộ (CLB) những người có H. Để rồi sau đó, có người tự tin đứng trên diễn đàn tuyên bố: “Tôi là người có H...”.

Câu lạc bộ H là nơi của những người nhiễm HIV/AIDS. Thường thì những người mắc căn bệnh thế kỷ này sống khép kín, ít khi giao tiếp với bên ngoài chứ đừng nói gì tham gia CLB. Ấy thế mà ở Đà Nẵng có nhiều CLB dành cho những người nhiễm HIV, một trong những CLB như thế có tên là Nhân Ái, do bác sĩ Trần Minh Hồi, Đội trưởng Đội Y tế Dự phòng Q. Hải Châu (Đà Nẵng) điều hành. Đến bây giờ, bác sĩ Hồi không lý giải được vì sao mình lại gắn bó với CLB nhiều đến vậy.

Chuyện bắt đầu vào năm 2009, khi đó có một dự án chăm sóc người nhiễm HIV trong cộng đồng, thế là CLB Nhân Ái được thành lập với mục đích chia sẻ những khó khăn, trang bị kiến thức phòng tránh lây nhiễm cho bệnh nhân HIV. Tuy nhiên, do thành lập theo dự án tài trợ nên chỉ sau một thời gian CLB không còn kinh phí để hoạt động. “Lúc ấy, nhiều bệnh nhân thiết tha muốn duy trì CLB, tôi hiểu những mong ước ấy bởi vì CLB như là một cầu nối, mái nhà dành cho người bị nhiễm HIV, tại đây họ giải tỏa được những mặc cảm tự ti trong lòng”, bác sĩ Hồi nhớ lại.

Gắn với công tác phòng chống HIV/AIDS hơn 10 năm nên bác sĩ Hồi hiểu sự cần thiết của CLB đối với những người nhiễm căn bệnh thế kỷ, vì vậy ông đã tích cực kêu gọi sự đóng góp của những nhà hảo tâm, duy trì CLB. Để đến hôm nay, CLB có hơn 20 thành viên, đến từ nhiều quận, huyện trên địa Đà Nẵng và thường kỳ tổ chức gặp nhau để chia sẻ buồn vui trong cuộc sống. “Cái được nhất của CLB là giảm sự kỳ thị của xã hội và mang lại niềm tin vào cuộc sống cho người nhiễm HIV. Nếu như trước đây, thành viên trong CLB e ngại tiếp xúc với xã hội thì nay nhiều người đã trở thành đồng đẳng viên, lúc đi tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS câu đầu tiên họ nói là “Tôi là người có H...”, bác sĩ Hồi phấn khởi.

“Ếch” phiêu lưu ký (Kỳ 2) - 1

Nhóm của anh Nguyễn Dũng trong một lần họp với Ban Phòng chống HIV/AIDS TP Đà Nẵng

Cũng có một tấm lòng với bệnh nhân HIV: từ năm 2007, bà Lê Thị Phước, nguyên Chủ tịch Hội kế hoạch hóa gia đình TP Đà Nẵng đã thành lập CLB Niềm tin. Dù bây giờ, không còn trực tiếp điều hành nhưng đi đâu bà cũng vận động quyên góp kinh phí cho CLB hoạt động. “Sau nhiều năm hoạt động, CLB đã mang lại niềm vui cho bệnh nhân HIV. Mỗi lần tổ chức gặp mặt, ai cũng phấn khởi lắm, trò chuyện vui vẻ”, bà Phước nói.

Nói thì đơn giản vậy, nhưng để duy trì hoạt động của CLB cho đến hôm nay, ít người biết rằng bà Phước đã mất thời gian gần 10 năm và vượt qua vô vàn lời khuyên của gia đình, bạn bè để giúp những người nhiễm HIV. Khi ấy, đang là bác sĩ ở Bệnh viện Đà Nẵng, bà Phước luôn trăn trở mỗi lần chứng kiến chuyện đau lòng về số phận của những bệnh nhân HIV, về sự xa lánh của cộng đồng với họ, từ đó cái ý tưởng thành lập CLB được nữ bác sĩ đưa ra. “Khi nói ra ý định ấy, bạn bè và người thân của tôi ai cũng khuyên đừng làm nhưng tôi nghĩ họ cũng cần cuộc sống, cần cộng đồng thế là tôi thành lập CLB. Mục đích muốn giúp họ thoát khỏi mặc cảm tự ti, sống có ích hơn”.

Không có cơ sở sinh hoạt, không có kinh phí để CLB hoạt động, bà Phước chạy khắp nơi xin kinh phí. 70 tuổi nhưng khi nghe tổ chức nào hỗ trợ người HIV là bà thức trắng đêm để viết dự án, rồi nhận quần áo về cho thành viên CLB gia công, làm nhang và cả đồ thủ công mỹ nghệ... kiếm tiền duy trì CLB. Bao nhiêu tiền quyên góp được, ngoài việc giúp các thành viên làm kinh tế, tập huấn cách phòng chống HIV, bà Phước còn dành để thăm và lo thuốc mỗi khi có thành viên trong CLB trở bệnh.

Anh Lê Văn Thông, thành viên CLB Niềm tin tâm sự: “Nhờ tham gia CLB này mà tôi biết cách phòng tránh không lây HIV cho người thân trong gia đình, được tập huấn cách làm kinh tế và quan trọng hơn là tôi đã lấy lại niềm tin để tiếp tục sống. Điều đó với những bệnh nhân HIV như chúng tôi không có gì quý hơn”.

“Ếch” phiêu lưu ký (Kỳ 2) - 2

Nhờ tuyên truyền phòng chống tốt căn bệnh HIV/AIDS nên TP Đà Nẵng đã giảm thiểu số người nhiễm mới

Thật vậy, với bệnh nhân HIV/AIDS được gia đình và xã hội cảm thông và chia sẻ đã là hạnh phúc. Trong những năm qua, với sự tuyên truyền sâu rộng, số ca nhiễm HIV mới trên địa bàn Đà Nẵng đã giảm rất nhiều. Số liệu thống kê của Sở Y tế thành phố cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2012 chỉ phát hiện 88 ca nhiễm mới, giảm hơn 16% so với năm trước.

Dù vậy, hiện số ca nhiễm HIV trên địa bàn Đà Nẵng vẫn còn là 852 ca, trong đó có 559 ca chuyển sang giai đoạn AIDS và đã có 372 trường hợp tử vong. Điều đó cho thấy, căn bệnh HIV/AIDS vẫn hiện hữu đâu đó trong những mái nhà, khiến bao gia đình phải đau khổ. Thế mới hay công việc thầm lặng của những cộng tác viên tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS và các CLB dành cho bệnh nhân HIV cần thiết và mang ý nghĩa nhân văn biết bao nhiêu. “Hiện có rất nhiều người có H trên địa bàn thành phố xin vào CLB, và điều tôi mong ước nhất là có một cơ sở để thành viên CLB sinh hoạt và được cộng đồng xã hội quan tâm giúp đỡ, không kỳ thị, cùng chung tay đẩy lùi căn bệnh thế kỷ này” – bác sĩ Hồi tâm sự.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lưu Hoàng Anh (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN