Du lịch Đà Nẵng: Tái khởi động dự án "treo"
Kinh tế suy giảm thường làm cho các nhà đầu tư “rút lui”. Thế nhưng, nhìn toàn cục, những dự án (DA) tại các khu đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội... vẫn thi công đều đặn, đúng tiến độ đã cam kết.
Xu hướng “ngược dòng” trong bối cảnh thị trường địa ốc đang án binh bất động đã cho thấy chủ đầu tư có tầm nhìn chiến lược, đủ bản lĩnh, đón “điểm rơi” trong tương lai.
Những dự án "treo" đến bao giờ?
Theo số liệu, hiện Đà Nẵng có 20 DA sau khi có chủ trương đầu tư vẫn chưa khởi động. Có thể liệt kê: Khu biệt thự và khách sạn biển Đông Phương (Vinacapital), Trường dạy lướt ván trên biển, KDL Đồng Nò, Cảng thuyền buồm và Dịch vụ (Indochina), DA GVD 1 VN (Vinagroup), KDL biệt thự cao cấp biển (Cty Xây dựng Thương mại 55), KDL nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp Tây Nam Suối Đá, DA Dap, Dap 1 và Dap 2 (Indochina), KDL Red Star, Khách sạn Red Star, KDL sinh thái biển kết hợp nuôi trồng hải sản, Khách sạn Khang Hưng, KDL sinh thái biển Ghềnh Bàn Bãi Đa, DA bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng (Vinacapital), DA Bayan Cliffs Resort, KDL sinh thái suối Đôi và mỏ nước khoáng nóng, KDL dịch vụ và biệt thự cao cấp Hồ Xanh, KDL biển I.V.C, KDL nước khoáng Ngũ Hành Sơn, KDL The Nam Khang.
Trong 20 DA nêu trên, có những DA cần chú ý là KDL The Nam Khang. Cách đây 5 năm, chủ đầu tư của DA đã ký nguyên tắc thỏa thuận với UBND thành phố vào ngày 10-4-2007, sau đó, DA cũng có Quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mặt bằng 1/500 (Quyết định số 7154/QĐ-UBND ngày 20-9-2011). Thế nhưng, không biết lý do gì, DA mới thi công tường rào bao quanh. DA Dap, Dap 1, Dap 2 (Indochina) được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2007, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thi công xây dựng. KDL biển I.V.C đã ký thỏa thuận nguyên tắc với UBND thành phố vào ngày 7-8-2007 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai DA. Riêng KDL biệt thự cao cấp biển (Cty Xây dựng Thương mại 55) đã ký nguyên tắc thỏa thuận ngày 4-6-2007, đồng thời được cấp giấy chứng nhận đầu tư 2 lần (lần 1 ngày 12-6-2008, lần 2 ngày 18-3-2009). Và cũng như các DA trên, KDL biệt thự biển này chỉ thi công hạng mục tường rào rồi dừng triển khai.
Bán đảo Sơn Trà là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước
Cần khởi động lại các dự án "ì ạch"
Những DA chưa triển khai thi công xây dựng hoặc đã triển khai nhưng tiến độ quá chậm, công trình nhếch nhác đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan kiến trúc đô thị và môi trường sinh thái của thành phố. DA đầu tư “treo" sẽ là vật cản trở cho sự phát triển du lịch Đà Nẵng trong tương lai. Chính vì vậy, các sở, ban, ngành liên quan cần có những tiếng nói chính thức, kiểm tra, chấn chỉnh và thu hồi DA, đồng thời giao cho nhà đầu tư khác có năng lực thực sự để hoàn thành tốt mục tiêu đầu tư du lịch.
Theo dư luận, TP Đà Nẵng cần thu hồi các DA đầu tư "ì ạch" để giao cho những nhà đầu tư khác có năng lực thực sự. Riêng DA Đà Nẵng Centre (Cty CP địa ốc Vũ Châu Long), Sở KHĐT đã có kiến nghị thu hồi tại Công văn số 1417/SKHĐT-KTN ngày 2-11-2011 và 37/SKHĐT-KTN ngày 11-1-2011. Cần phải có chế tài xử lý nghiêm đối với các DA nằm ở trung tâm thành phố nhưng không triển khai xây dựng làm ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường đầu tư như DA Đà Nẵng Center, Viễn Đông Meridian. Khẩn trương thu hồi một số DA không triển khai xây dựng như: DA Dap, Dap 1, Dap 2 (Indochina), Đà Nẵng Centre (Cty CP địa ốc Vũ Châu Long), DA Viễn Đông Meridian (Cty CP Đầu tư Sài Gòn), KDL biệt thự cao cấp biển (Cty Xây dựng Thương mại 55), KDL The Nam Khang (Cty TNHH Nam Khang). Một giải pháp có tính khả thi là các nhà đầu tư phải ký cam kết xác nhận thời hạn triển khai DA trong năm 2013. Nếu quá thời hạn đó, Đà Nẵng sẽ kiên quyết thu hồi đất và trả lại tiền cho nhà đầu tư theo giá thị trường. Đối với những DA này, TP Đà Nẵng sẽ thực hiện đấu giá theo luật định. Nếu chưa có người mua thì hạ giá, tiếp tục đấu giá cho đến khi nào có người mua và thành phố sẽ lấy tiền đó trả cho nhà đầu tư cũ, đưa DA cho nhà đầu tư mới thực hiện. Nên khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với các DN đầu tư vào du lịch của thành phố, đặc biệt ưu tiên cho các DN đầu tư vào các DA đã có quyết định thu hồi.
Đà Nẵng là thành phố có nhiều tiềm năng về du lịch và phát triển ngành bất động sản nghỉ dưỡng. Bằng chứng là đã có nhiều thương hiệu trong lĩnh vực này có mặt tại đây như Furama, Hyatt, Crowne Plaza, Vinpearl Luxury... Trái ngược với sự im lặng của thị trường bất động sản cả nước, các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn kỳ vọng, tiếp tục bỏ vốn đầu tư vào thành phố, tăng nguồn cung đáp ứng nhu cầu của người dân và khách du lịch. Bên cạnh những nhà đầu tư thiếu vốn, gặp khó khăn về tài chính, thị trường du lịch vẫn còn nhiều nhà đầu tư mới có tiềm năng, đeo bám thị trường và tầm nhìn chiến lược trung và dài hạn. Sức hút từ bất động sản Đà Nẵng rất lớn, nhưng hiện có rất nhiều nhà đầu tư dàn trải, ngay cả những chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm, thiếu năng lực tài chính cũng “lao vào” đầu tư nhưng không thực hiện những gì đã cam kết. Chính vì vậy, các ngành chức năng cần khảo sát, tìm hiểu và nghiên cứu chủ đầu tư đó có đủ tiềm năng hay không? Nếu thực sự có tiềm lực, lãnh đạo mới quyết định cấp phép để hạn chế bớt những DA “đắp chiếu” bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng đến mỹ quan của một thành phố du lịch.
Với những sự kiện mang tầm vóc quốc tế như lễ hội pháo hoa quốc tế, dù bay, cuộc thi người đẹp,... người dân thành phố sẽ tin tưởng vào sự phát triển của ngành Du lịch và mục tiêu 2,5 triệu lượt khách trong năm 2012. Và, với những cách làm mang dấu ấn Đà Nẵng, thành phố sẽ trở thành một “thương hiệu” của đô thị văn minh, xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững về môi trường.