Doanh nghiệp tìm giải pháp thu hút đầu tư

Ông Văn Hữu Chiến - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã cung cấp những thông tin liên quan đến môi trường đầu tư tại Đà Nẵng.

Nhằm tạo cơ hội cho các DN trong, ngoài nước tìm hiểu và tiếp cận thông tin về cơ hội đầu tư bất động sản (BĐS) - du lịch, bán lẻ, ngân hàng, cơ sở hạ tầng và năng lượng tại Việt Nam nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng, trong 2 ngày 7 và 8-6, UBND TP Đà Nẵng phối hợp với Euromoney Conferences tổ chức hội nghị “Ngân hàng và đầu tư Việt Nam”.

Phải tạo niềm tin cho các nhà đầu tư

Xuất phát từ thực trạng của nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt, các diễn giả, chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, các DN trong và nước ngoài, các cơ quan quản lý Nhà nước ở T.Ư và địa phương đã tập trung trao đổi những vấn đề về ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2012, trong đó đề cập đến các chiến lược phát triển kinh tế nhất thời và dài hạn mà Việt Nam đang hướng đến để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư.

Theo TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế T.Ư, tốc độ tăng trưởng Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất kể trong vòng 3 năm qua. Việt Nam chạy đua theo đuổi mục tiêu lạm phát quá dài và khi được kiềm chế thì nhìn lại nền kinh tế mới giật mình vì nền kinh tế đang có dấu hiệu bị nguội lạnh. Do đó, Chính phủ đang tập trung tái cơ cấu lại nền kinh tế nhằm tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Cụ thể, thu hẹp lĩnh vực kinh tế Nhà nước, ưu tiên phát triển lĩnh vực kinh tế tư nhân, cấm các tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tư ngoài ngành để tránh tình trạng dàn trải, không hiệu quả như trước đây.

Bên cạnh đó, những yếu tố phản ánh tính nghịch lý trong sự vận động của các biến số kinh tế, thực chất là tình trạng bất ổn vĩ mô như: xu hướng giảm lạm phát, giảm lãi suất, hiện tượng các ngân hàng thương mại “kháng lệnh” Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lách luật “vượt trần lãi suất”, sự u ám của thị trường BĐS đi liền với mức tăng nợ xấu của các NH, tình trạng căng thẳng thanh khoản, sự gia tăng nhanh (đột biến) số lượng DN đóng cửa, ngừng hoạt động và cắt giảm mạnh công suất hoạt động,... đang được Chính phủ, các bộ, ngành tập trung giải quyết.

Dưới cái nhìn của các chuyên gia kinh tế nước ngoài, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong việc phục hồi nền kinh tế, lạm phát đã được kiềm chế ở mức hợp lý và đang nỗ lực để tăng tốc nền kinh tế là dấu hiệu tốt để Việt Nam thu hút đầu tư trong thời gian đến. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý: Việt Nam cần phải cân nhắc giữa sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô hay là bằng mọi giá phải tăng tốc nền kinh tế, bất chấp những rủi ro có thể phát sinh? Ông Sanjay Kalra - Trưởng Đại diện Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào cho biết, các nhà đầu tư quan ngại với tình trạng lạm phát của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao, tuy nhiên lại có nhiều tiêu cực trong đà tăng trưởng đó. Việt Nam cần nhất quán và liên tục đối với các chính sách kinh tế vĩ mô, không nên đánh đổi giữa một bên là tăng trưởng và một bên là ổn định. Mức độ độc lập của NHNN Việt Nam là chưa cao như các nước khác. Ngoài ra, Việt Nam cần phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, đặc biệt trong quá trình thu hút đầu tư. Tôi đánh giá cao chính sách thu hút đầu tư của Đà Nẵng và các địa phương khác cần học tập Đà Nẵng và Chính phủ Việt Nam cần xem Đà Nẵng như một hình mẫu để nhân rộng.

Cùng quan điểm, ông Marco Breu - Tổng Giám đốc Cty McKinsey & Company Việt Nam bày tỏ: các nhà đầu tư như chúng tôi luôn quan tâm đến sự ổn định kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn, chứ không quan tâm đến việc lạm phát được kiềm chế thế nào, hoặc mức tăng trưởng ra sao của Việt Nam. Hệ thống tài chính của Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào các NH, do đó cần phát triển thêm những kênh huy động vốn từ thị trường chứng khoán, thị trường vốn...

Doanh nghiệp tìm giải pháp thu hút đầu tư - 1

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến phát biểu tại hội nghị

Vỡ bong bóng bất động sản là tất yếu

Liên quan đến lĩnh vực thu hút đầu tư vào BĐS, các chuyên gia cũng như các nhà đầu tư đều cho rằng, thị trường BĐS Việt Nam đã phát triển quá nóng và bây giờ bong bóng BĐS vỡ là tất yếu. Do đó, Việt Nam cần phải cân đối lại cung cầu BĐS. Theo ông Tony Diep - Giám đốc BĐS Indochina Capital, lãi suất NH đang rất cao đang là rào cản cho nhà đầu tư tham gia thị trường BĐS, nhiều DA chưa có sản phẩm đã bán ra thị trường, qua nhiều năm vẫn chưa có đất thực tế đã làm nhà đầu tư thất vọng. Bên cạnh đó, vấn đề sở hữu BĐS của Việt kiều cũng cần nới lỏng, vì Việt Nam có hơn 4 triệu người sống ở nước ngoài, nếu khai thác hết nhu cầu này là tương đối lớn...

Đặc biệt, tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - Văn Hữu Chiến cũng giới thiệu cho các nhà đầu tư những lợi thế mà Đà Nẵng đã và đang có, định hướng phát triển của TP đến năm 2020; đồng thời cam kết luôn ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi và đồng hành cùng các nhà đầu tư khi đến với Đà Nẵng.

Hôm nay, Hội nghị tiếp tục bàn về tái cấu trúc DN Nhà nước, đầu tư vào cơ sở hạ tầng cứng, năng lượng và thực địa một số nơi tại Đà Nẵng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Xuân Đương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN