Nhập cư: Giải pháp nào phù hợp?

Nhiều năm qua, PGS.TS Bùi Quang Bình (Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng) cùng nhóm cộng sự tích cực nghiên cứu và có nhiều bài báo, sách chuyên khảo công bố kết quả nghiên cứu vấn đề di dân giữa các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.

Nhân việc bảo vệ nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ trọng điểm: “Di dân giữa các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên: vấn đề và giải pháp” vừa qua, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Quang Bình, là chủ đề tài này, nhằm tìm hiểu thêm về giải pháp, chính sách đối với vấn đề dân nhập cư vào Đà Nẵng.

Nhận diện ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của dân nhập cư   

Theo PGS.TS Bùi Quang Bình, các nghiên cứu trên thế giới về di dân đã khẳng định nếu có các chính sách, giải pháp phù hợp sẽ hạn chế những tiêu cực, khai thác mặt tích cực của hiện tượng di dân, qua đó thúc đẩy sự phát triển KT-XH. Đối với Đà Nẵng, việc nhập cư có những ảnh hưởng tích cực như: cung cấp lao động thiếu hụt và bổ sung lao động, đóng góp vào tăng trưởng của thành phố, tăng sức cầu thị trường... Nhưng cũng nảy sinh nhiều ảnh hưởng tiêu cực như: tăng nhu cầu lương thực thực phẩm và các dịch vụ xã hội; điều chỉnh phát triển hệ thống hạ tầng, tăng vốn đầu tư; tăng nhu cầu hệ thống an sinh xã hội; cạnh tranh công ăn việc làm, khai thác đất đai tự phát... Đặc biệt là người nhập cư không đăng ký tạm trú, gây mất ANTT, vi phạm pháp luật, rượu chè, tệ nạn,...

Nhập cư: Giải pháp nào phù hợp? - 1

PGS.TS Bùi Quang Bình

Không riêng gì Đà Nẵng, nhiều địa phương khác đã phản ứng với những vấn đề phát sinh nêu trên bằng nhiều cách khác nhau, chủ yếu sử dụng biện pháp hành chính, trong đó việc quản lý hộ khẩu đã được sử dụng. Tuy nhiên, cần phải nhận thức đúng từng vấn đề và lý do, cũng như vai trò, vị trí của người nhập cư trong phát triển kinh tế. Bởi như Đà Nẵng, đang “chiêu hiền đãi sĩ”, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều người giỏi chuyên môn đã về làm việc tại Đà Nẵng, rất nhiều SV học xong cũng ở lại Đà Nẵng, nhiều lao động ở các địa phương khác vào làm việc tại các khu công nghiệp, chế xuất... Thành phố đang xây dựng “Thành phố đáng sống”, “Thành phố môi trường”, có dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục tiên tiến, hiện đại... càng làm cho nhiều người từ địa phương khác tìm đến Đà Nẵng. Người nhập cư không có trình độ tham gia lao động ở các ngành mà thành phố lại đang rất cần lao động như: phụ thợ nề, tham gia đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ, phục vụ ở các nhà hàng,... đóng góp không nhỏ cho thành phố.

Giảm dần lao động trong khu vực kinh tế không chính thức

“Đặc điểm của người di cư là có tỷ lệ nữ chiếm 53%, độ tuổi trung bình của nữ là 28,5 tuổi và của nam là 33,8 tuổi, hơn 50% đã có gia đình. Có 61% người di cư để kiếm việc làm, trong đó có 45% làm việc ngoài khu vực Nhà nước, 27% làm việc khu vực Nhà nước; 87% có thu nhập tốt hơn nơi ở cũ... Thu nhập và việc làm là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng di cư, tiếp đó là lý do học tập, gia đình, dịch vụ y tế... Các chính sách, giải pháp di dân thường được các địa phương áp dụng chia thành nhóm là kiểm soát chặt, hạn chế dòng nhập cư có trình độ thấp; khuyến khích, thu hút dân nhập cư có điều kiện như: chất lượng, trình độ cao, hay cho thực hiện các dự án” – PGS.TS Bùi Quang Bình cho biết.

Nhập cư: Giải pháp nào phù hợp? - 2

Đa phần công nhân tỉnh ngoài đến Đà Nẵng sinh hoạt đều “liệu cơm gắp mắm” ở các chợ tạm

Cũng theo PGS.TS Bùi Quang Bình, nguyên nhân di dân giữa các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên xuất phát từ tình hình phát triển KT-XH không đồng đều và có sự phân hóa mạnh mẽ. Các chính sách, giải pháp sẽ căn cứ từ nguyên nhân này để giải quyết vấn đề. Nhưng muốn vậy, giữa các tỉnh, thành cần có sự liên kết, đồng bộ trong phát triển kinh tế. Riêng đối với Đà Nẵng, trong thời gian qua, đã thực hiện rất tốt việc ngăn chặn người lang thang, xin ăn – đối tượng nhập cư mà không ai muốn đến. Việc ngăn chặn không cho bán hàng rong, đánh giày trên một số tuyến đường trung tâm thành phố cũng đang được triển khai quyết liệt. Việc nghiêm cấm và đẩy đuổi tuy còn nhiều đối tượng hoạt động lén lút nhưng cũng đã làm cho nhiều đối tượng trên phải lảng đi nơi khác “làm ăn”.

Gốc rễ của vấn đề - theo PGS.TS Bùi Quang Bình là thành phố cần quan tâm, có chính sách, giải pháp đối với lao động trong khu vực kinh tế không chính thức (KVKTKCT) vốn tồn tại khách quan và trong những năm tới tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra việc làm, thu nhập cho một bộ phận lao động mà thành phố không thể cấm được. Dòng người nhập cư không có trình độ chủ yếu đến thành phố sinh sống, làm việc ở KVKTKCT này. Chính sách, giải pháp là làm sao phát triển khu vực kinh tế này tốt dần lên, mở rộng sản xuất, kinh doanh và chuyển dần sang chính thức (đăng ký thành lập doanh nghiệp), thì tự nhiên cắt đi một phần nhu cầu lao động, người nhập cư muốn đến Đà Nẵng thì phải có nghề, phải vào làm việc ở các doanh nghiệp, xí nghiệp, nhà máy,... Đó mới chính là nguồn nhân lực mà thành phố muốn nhập cư.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nam Trân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN