Doanh nghiệp thoi thóp (P.3)

Hàng hóa tồn kho, sản xuất đình đốn, hàng loạt doanh nghiệp (DN), Cty giải thể đã cho thấy tình hình khó khăn chung của nền kinh tế. Làm gì để giúp các DN? Chúng tôi ghi lại một số ý kiến của lãnh đạo thành phố, ngân hàng (NH)...

Đã đến lúc kích cầu bằng phương pháp cụ thể

T.S Võ Duy Khương - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng: Phải biết nuôi dưỡng doanh nghiệp
.

Doanh nghiệp thoi thóp (P.3) - 1Hiện nay, chúng ta chứng kiến cả nước có hàng chục ngàn DN liệt, chỉ trong quý I đã có hơn 15.000 DN liệt, riêng Đà Nẵng cũng đã có hơn 4.000 DN phải dừng hoặc tạm ngưng hoạt động. Thực trạng DN năm nay tiếp tục đình đốn, mặc dù NH bắt đầu hạ lãi suất xuống. Tuy nhiên, thời điểm này NH có hạ xuống 12%, 10%, thậm chí thấp hơn thì DN cũng không vay vì vay không biết đầu tư vào đâu, hàng hóa sản xuất ra không bán được, đầu tư công cắt giảm hết, sức hấp thụ vốn của DN đang rất yếu. Vì vậy, phải tính ngay đến phương án khơi thông đầu ra cho DN, việc giảm 5% thuế thu nhập DN lúc này là cần thiết và hiệu quả hơn là tính toán để tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho DN.

Nếu chỉ lo giảm thuế thu nhập DN mà không giảm thuế VAT thì cũng không giải quyết được đầu ra cho DN lúc này. Vì họ có lãi đâu mà giảm thuế nữa? Cụ thể, năm 2012, Đà Nẵng chưa tới 40% DN đang hoạt động SXKD có lãi để phải nộp thuế thu nhập DN nhưng số lượng thu cũng không lớn do DN chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ và lãi thì rất ít... Có tiêu thụ được hàng thì DN mới tiếp tục vay tiền để đầu tư sản xuất. Còn không, NH có giảm lãi suất thêm vài phần trăm nữa cũng không mấy DN vay trong bối cảnh hiện nay. Chính vì vậy vòng luẩn quẩn, NH thừa tiền cho vay, hạ lãi suất nhưng DN không muốn vay vẫn sẽ diễn ra trong thời gian tới.

Vấn đề quan trọng hơn cả với DN hiện nay là chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm không tiêu thụ được, SXKD bị thu hẹp, nhiều người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập lại tác động tới tổng cầu và cứ luẩn quẩn mãi như vậy. Việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển SXKD gắn với nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của DN được xem là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ. Do đó, hơn lúc nào hết Chính phủ và các bộ, ngành phải hành động ngay. Chúng ta phải nuôi dưỡng DN xem DN như con cưng của nền kinh tế.

Ông Lê Văn Minh - Giám đốc NH SeAbank Đà Nẵng: Giúp DN hấp thụ vốn.

Doanh nghiệp thoi thóp (P.3) - 2Thời điểm này, hàng loạt DN đang rất khó khăn về đầu ra, chứ không phải khó khăn về vốn. Nếu không có biện pháp kích cầu thì nguy cơ giảm phát đang đến gần. Ngay NH SeAbank tung ra gói kích thích cho vay 2.000 tỷ đồng với lãi suất rất ưu đãi 9,5%/năm, chỉ cao hơn lãi suất huy động có 2%, đồng thời trực tiếp gửi thư mời chào đến tất cả các khách hàng là DN nhưng cả tháng nay cũng chỉ có 2 DN quan tâm đến tìm hiểu thủ tục để vay vốn. Điều đó chứng tỏ lãi suất có giảm xuống còn dưới 10%/năm với điều kiện vay dễ dàng thì các DN vẫn không có khả năng hấp thụ được vốn, nếu có vay cũng chỉ là để đáo các khoản nợ cũ mà thôi. Vấn đề là nằm ở đầu ra của sản phẩm chứ không phải là đầu vào của các DN. Do đó, đã đến lúc không thể chậm trễ hơn được nữa, các cơ quan quản lý Nhà nước phải kết hợp với chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Chính sách tài khóa là phải giảm thuế thu nhập và đặc biệt là thuế VAT. Giá bán sản phẩm bao gồm giá thành sản xuất và thuế VAT. Và theo tôi nên mạnh dạn giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 5% cho các sản phẩm đầu ra và thêm 5% thuế thu nhập DN thì sẽ giúp được rất nhiều cho DN...

Một bài toán rất đơn giản mà chắc ai cũng tính toán được đó là giảm được thuế VAT và thuế thu nhập, ngay lập tức DN sẽ hạ giá bán sản phẩm, vừa có lợi cho người tiêu dùng vừa kích thích người tiêu dùng để khơi thông đầu ra. Khi đó họ sẽ mạnh dạn đầu tư tiếp. NH cũng thấy được đầu ra của DN nên sẽ dễ chấp nhận phương án kinh doanh của DN hơn.

Ông Văn Hữu Thiết - Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Đà Nẵng: Tạo dựng niềm tin cho DN.

Doanh nghiệp thoi thóp (P.3) - 3Để DN tồn tại và phát triển trong giai đoạn này, vấn đề hạ lãi suất cũng là khâu quan trọng nhưng quan trọng hơn là cần một hệ thống chính sách để khơi thông sức mua của xã hội, sản phẩm và dịch vụ của DN phải bán được. Và quan trọng trên hết là tạo dựng niềm tin cho DN bằng những chính sách kích cầu tiêu dùng thông qua việc miễn hẳn thuế VAT cho DN.

Các DN Đà Nẵng chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ, phần lớn dựa vào vốn NH, việc lãi suất tăng cao trong một thời gian dài khiến DN kinh doanh không có lãi, thậm chí là suy kiệt nên phải thu hẹp sản xuất. Bên cạnh đó, sức mua giảm sút dẫn đến lượng hàng tồn kho tăng. Để thoát khỏi tình thế khó khăn các DN phải tiết kiệm triệt để mọi khoản chi phí không cần thiết và hạn chế những khoản đầu tư không hiệu quả. Song song với đó, NH nên có những chính sách để DN lấy hàng tồn kho làm vật thế chấp tạo điều kiện cho DN khôi phục sản xuất. Hạn chế nhập khẩu hàng đã sản xuất được trong nước để hỗ trợ các DN tiêu thụ hàng hóa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Xuân Đương (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN