Doanh nghiệp thoi thóp (P.1)

Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp (DN) đã phá sản, giải thể hoặc lâm vào cảnh khó khăn, nợ đọng, phải sa thải bớt nhân viên, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, chuyển hướng sản phẩm dịch vụ sang lĩnh vực khác.

Doanh nghiệp "Thắt lưng buộ bụng"

Phần lớn DN hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là các DN kinh doanh bất động sản (BĐS), sản xuất sắt thép, xi-măng, kinh doanh VLXD, xây dựng, thủy sản... Sau thời kỳ hoàng kim của thị trường BĐS, một loạt DN BĐS đã ồ ạt ra đời, nhưng khi thị trường BĐS lao dốc không phanh, nhiều Cty thua lỗ và phải đóng cửa. Điển hình Cty Minh Thành An (trên đường Đào Duy Anh) cũng đã phải tạm ngừng hoạt động... Hàng loạt trung tâm kinh doanh địa ốc mới mở trong thời điểm thị trường sôi động nay phải đóng cửa hoặc hoạt động “không văn phòng” như Trung tâm địa ốc T.T.H. (trên đường Nguyễn Văn Linh), địa ốc H.H. (trên đường Nguyễn Chí Thanh), địa ốc L.T (trên đường Quang Trung), địa ốc T.M và địa ốc Đ.T (trên đường Nguyễn Thị Minh Khai)...

Không những các Cty kinh doanh nhảy vào BĐS gặp khó mà cả ngân hàng (NH) nhảy vào BĐS cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Cuối năm 2009, NH SCB mua 2.000m2 đất trên đường 2-9 và đã làm lễ khởi công xây dựng công trình, với quy mô 26 tầng, có chức năng làm trụ sở SCB tại Đà Nẵng và văn phòng cho thuê. Nhưng khi triển khai xong phần khởi công thì gặp khó khăn về vốn nên dự án đã phải dừng lại. Hiện DA đã bị khai tử, khu đất xây dựng được chủ đầu tư bán lại cho NH Western Bank và đến nay vẫn cỏ mọc um tùm. Rồi đến các Cty kinh doanh trong lĩnh vực cơ khí xây dựng thấy thị trường BĐS những năm trước ngon ăn cũng nhảy vào.

Doanh nghiệp thoi thóp (P.1) - 1

Ngành sản xuất thủy sản Đà Nẵng đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu đầu vào - Ảnh: Sản xuất thủy sản tại Cty Phước Tiến

Đơn cử như Cty Cơ khí H.G rất thành công trong lĩnh vực của mình lại lấn sân sang kinh doanh BĐS nên bây giờ BĐS đóng băng, bao nhiêu vốn liếng nằm vào BĐS, trong đó phần lớn là vay NH, nay không thanh khoản được nhưng vẫn phải gồng lưng để trả gốc và lãi cho NH buộc phải giã từ BĐS. Ông Nguyễn Văn Cường - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Đà Nẵng thông tin rằng, hiện Đà Nẵng có hàng loạt DN BĐS đang “đắp mền”. Nếu cứ đà này, thì trong quý III-2013, DN BĐS sẽ phá sản hàng loạt.

Khó khăn cũng bao vây ngành chế biến thủy sản Đà Nẵng. Ông Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Cty Thủy sản Phước Tiến cho biết, xuất khẩu thủy sản của Cty sang thị trường Nhật, Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn. Giá nguyên liệu đang đứng ở mức cao và không có hàng để nhập dẫn đến chi phí đầu vào tăng mạnh. Việc đánh bắt xa bờ của ngư dân gặp nhiều khó khăn buộc Cty phải nhập nguyên liệu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nguyên liệu nhập từ Trung Quốc thông thường bị thuốc tăng trọng nên không đảm bảo chất lượng để xuất khẩu... Ông Tuấn chia sẻ thêm, “trong 3 tháng đầu năm, cả khối lượng và giá trị xuất khẩu của nhiều DN như chúng tôi giảm 60-70% so với cùng kỳ các năm trước, nên phải đóng cửa nhà máy 13.000m2 tại KCN Thủy sản Thọ Quang”. Ðến nay đã có nhiều DN phải ngừng hoạt động vì không có đơn hàng và không đủ vốn để quay vòng nuôi nhà máy và công nhân. Như Cty Thủy sản Việt Thắng (KCN thủy sản Thọ Quang), Hải Vi, Đông An, Đại Thành...

Trước tình hình khó khăn như hiện nay, năng lực cạnh tranh của DN thấp, DN yếu kém bị thua lỗ, phải phá sản, dừng hoạt động là quy luật tất yếu và dự báo chắc chắn số lượng DN thua lỗ, phá sản sẽ còn tăng.

Doanh nghiệp thoi thóp (P.1) - 2

Dự án công trình trụ sở NH SCB "đắp mền" 4 năm nay và đã khai tử

Khó khăn khiến cho hoạt động DN cũng bị đình đốn, không ít DN đang đứng bên bờ vực phá sản. Chính vì thế, những DN đang hoạt động lay lắt buộc phải thu hẹp hoạt động, cắt giảm triệt để các khoản chi phí, thậm chí có Cty chỉ còn một đến hai nhân viên và thu hẹp tối đa, chỉ thuê một phòng chừng vài chục mét vuông hoặc vừa tận dụng mặt bằng để mở quán cà-phê...

Theo khảo sát của chúng tôi, để tận dụng diện tích sử dụng văn phòng, nhiều Cty đang ráo riết tìm thêm các đối tác để chia sẻ diện tích trống, nhằm tăng doanh thu từ bất cứ khoản kinh doanh nào dù không có chức năng như đăng ký. Đơn cử Cty Lắp máy Lialama 7 (trên đường 2/9), từ năm ngoái đến nay cũng đăng thông báo dán ngay trước tòa nhà cho thuê văn phòng làm việc, thậm chí Cty này còn tìm đối tác cho thuê hàng ngàn mét vuông nhà xưởng bỏ trống tại KCN Hòa Cầm. Hay tại Cty Coxiva Đà Nẵng cũng đang rao cho thuê hàng loạt kho tại KCN Thủy sản Thọ Quang, Sơn Trà. Cty Thiên Kim cũng rao cho thuê lại mặt bằng kinh doanh mà trước đây Cty này từng mở văn phòng giao dịch BĐS...

Một số ông chủ Cty thì quyết định trả mặt bằng văn phòng đang thuê chuyển về nhà riêng dù nhà ở trong kiệt, như Cty T.L.V. (trên đường Núi Thành) kinh doanh các mặt hàng sơn, du học, Cty V (trên đường 2/9), Cty nội thất T.N. trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh... Giám đốc Cty T.L.V. chia sẻ, trước đây thuê văn phòng mỗi tháng ngốn 8 triệu đồng, chưa kể điện nước, nhưng cũng chấp nhận được. Tuy nhiên năm ngoái đến nay, tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn buộc Cty phải tinh giảm bớt nhân viên, rút về ở ẩn... Với những Cty có mặt bằng đẹp thì tận dụng mặt bằng tầng 1 mở quán cà-phê hoặc cho thuê để tăng thêm thu nhập như Cty C.M. (trên đường Nguyễn Hữu Thọ)... Bên cạnh đó, một số Cty thì chỉ còn một vài nhân viên chủ chốt, còn lại cho nghỉ bớt để giảm chi phí như Cty H.L (trên đường Phan Châu Trinh), Cty CP Xây dựng B.Đ (trên đường Yên Bái)..

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Đương (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN