Đến thời trái cây nội lên ngôi

Nho: hóa chất vượt ngưỡng 3-5 lần. Táo: tẩm thuốc trừ sâu. Lê: có chất gây vô sinh. Những thông tin này đã và đang được truyền đi trên các phương tiện truyền thông để nhắc nhở mọi người tẩy chay trái cây Trung Quốc có tồn dư hóa chất độc hại.

Sợ trái cây ngoại

Hiện tượng trái cây tồn dư các hóa chất độc hại đã râm ran trong dư luận từ lâu. Tuy nhiên, đến thời gian gần đây, khi có những cơ sở khoa học chính xác và được đăng tải chính thức trên các phương tiện truyền thông thì táo, lê và nho Trung Quốc bị liệt vào danh sách cần đặc biệt cẩn trọng và xem kỹ xuất xứ khi mua và ăn. Trước đó, mặc dù Cục Bảo vệ thực vật , Bộ NN&PTNT đã công bố: “Dư lượng một số hóa chất trên sản phẩm táo Trung Quốc vẫn chưa vượt ngưỡng cho phép”, nhưng tâm lý người tiêu dùng vẫn chưa thực sự yên tâm. Bởi trên thực tế, các loại trái cây nhập vào Việt Nam được bày bán ở chợ lẻ và thậm chí ngay cả trong một số siêu thị vẫn không ghi xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, không có thời hạn sử dụng như nhiều loại thực phẩm khác.

Chị Lê Minh Hạnh (32 tuổi–P.Hòa Minh, Liên Chiểu, Đà Nẵng): “Vừa rồi, gia đình có đám giỗ. Bà con, anh em đến dự hầu hết mua các loại trái cây của Việt Nam như: Bưởi, mãng cầu, thanh long, nhãn, xoài... Cũng có một vài chùm nho khá to và đẹp mắt nhưng để mấy ngày không ai dám ăn, thế là mang đi bỏ”. Kể về nỗi sợ hãi đối với trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc và các loại trái cây không rõ nguồn gốc, cô Kim Dung (50 tuổi – trú Q. Hải Châu) cho hay: “Trước đây, mỗi lần gia đình có người đi công tác Sa Pa mang quả đào về làm quà thì rất quý. Loại trái cây này hương vị thơm ngon, mát dịu nhưng nếu để từ 1 đến 2 ngày có thể bị hư. Thế mà đào bây giờ mua về để cả tuần, thậm chí nửa tháng cũng không bị hư, chắc chắn phải có thuốc bảo quản”. Đa số các bà nội trợ đều có chung tâm trạng lo lắng nếu mua phải các loại trái cây không rõ nguồn gốc, vì thế trước khi sử dụng họ đều ngâm nước muối, diệt khuẩn, cắt bỏ phần vỏ. Chị Nguyễn Hồng Phúc–người gốc Ninh Thuận, sinh sống tại Đà Nẵng nói: “Quê tôi nổi tiếng trồng nho từ trước tới nay, vì thế thói quen của gia đình vẫn thường ăn loại trái cây này. Trước kia, nho hái về rửa là dùng ngay, còn bây giờ ra chợ không biết nho nào là nho Ninh Thuận, nho nào là nho Trung Quốc. Muốn sử dụng phải rửa sạch, khử khuẩn, vậy mà ăn vẫn không yên tâm, phải bóc vỏ từng quả”. Những trái bom, trái lựu, trái lê... nhìn bóng mượt, bắt mắt nhưng không ai dám đưa lên miệng ăn ngay khi mới mua từ chợ về.

Đến thời trái cây nội lên ngôi - 1

Người tiêu dùng đang có xu hướng ưu tiên dùng trái cây nội

Trái cây nội chiếm ưu thế ?

Sau nhiều vụ việc lùm xùm liên quan đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đối với hoa quả có nguồn gốc từ nước ngoài, người tiêu dùng đã bắt đầu biết “sợ”. Với tình hình hoa quả nội được giá và chiếm lĩnh thị trường hiện nay, ông Đinh Văn Hương-Chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN phấn khởi cho biết, đây là cơ hội để hoa quả trong nước chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, theo ông Hương, trái cây TQ bấy lâu lấn lướt thị trường VN cũng bởi chủng loại đa dạng, mẫu mã đẹp mà quan trọng, giá rất rẻ so với hoa quả nội. “Chính vì thế, các nhà vườn cũng như DN, HTX sản xuất ngoài nâng cao sản lượng, cần chú trọng về chất lượng, cũng như giảm các khâu trung gian để làm sao hạ giá thành tốt nhất khi đến tay người tiêu dùng” - ông Hương nói.

Thời gian này, tại Đà Nẵng, người tiêu dùng đang có xu hướng ưu tiên lựa chọn các loại trái cây trong nước sau khi biết thông tin về một số loại trái cây xuất xứ từ Trung Quốc có chứa chất độc hại. Một số loại trái cây như lê, lựu, đào, táo tây (bom), nho... được đóng thùng mang nhãn mác Trung Quốc tại chợ đầu mối Hòa Cường gần như rơi vào cảnh ế ẩm. Các tiểu thương tại đây cho biết sức mua đối với các loại trái cây này đang giảm mạnh, vì thế tiểu thương tại các chợ lẻ cũng lấy hàng rất ít.

Đến thời trái cây nội lên ngôi - 2

Các loại trái cây Trung Quốc đang dần trở nên ế ẩm

Giá cả các loại trái cây trong nước đang có chiều hướng tăng giá so với vài tháng trước. Như bơ: 35-40 ngàn đồng/kg, sầu riêng: 45 ngàn đồng/kg, thanh trà: 50 ngàn đồng/kg... Đây được xem như cơ hội đối với người trồng vườn.

Tại các chợ lẻ và siêu thị, trái cây nội còn lấn át các loại trái cây nhập khẩu về số lượng. Đặc biệt trong dịp rằm tháng 7 vừa qua, các loại trái cây được người tiêu dùng chú ý lựa chọn thường là những loại trái cây ít đòi hỏi sự chăm sóc của nhà vườn như: chuối, đu đủ, bưởi... Chị Lê Thị Như Trang (36 tuổi, trú Hòa Khê – Thanh Khê) suy nghĩ: “Theo tôi, các loại trái cây mộc mạc này thường ít sử dụng các loại thuốc tăng trưởng và phát triển cũng như các chất bảo quản. Vì thế sẽ an toàn cho sức khỏe người sử dụng”. Tại siêu thị Coop-mart, trái cây nội cũng được bày bán chiếm số lượng vượt trội so với trái cây ngoại. Ông Võ Hoàng Anh – Giám đốc trung tâm mua sắm này khẳng định: “Các loại trái cây tại Coop-mart đều đạt tiêu chuẩn tốt và an toàn cho người sử dụng. Hầu hết đều là trái cây nội, có giá thành vừa phải và mang đặc trưng của Đồng bằng Sông Cửu Long”. Cũng theo ông Võ Hoàng Anh thì trái cây nội có rất nhiều ưu điểm nên được Coop-mart chú trọng hơn so với các loại trái cây nhập khẩu. Thế nhưng, một số người tiêu dùng khó tính lại cho rằng: “Trái cây nội còn xấu về mẫu mã, hình thức. Lâu nay họ thường mua trái cây ngoại vì hầu hết các loại trái cây này khá bắt mắt”.

Như vậy, để trái cây nội có cơ hội lên ngôi người sản xuất cần chú ý đầu tư hơn nữa về mẫu mã, hình thức. Bên cạnh đó các khâu phân phối, vận chuyển cũng cần có biện pháp tiết giảm chi phí để trái cây có giá thành phù hợp nhất khi đến với người tiêu dùng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Giang (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN