Đà Nẵng cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Sau 3 năm liên tục dẫn đầu cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thì tới năm 2011 Đà Nẵng bị tụt tới 4 bậc, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố. Đâu là nguyên nhân tụt hạng và phải làm gì để cải thiện thứ hạng PCI là các nội dung được UBND TP Đà Nẵng đưa ra bàn bạc, mổ xẻ ngày 16-8 với sự tham gia của hơn 100 đại biểu.

Chủ tịch TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến nói, sự tụt hạng này một phần do chủ quan, bằng lòng với kết quả đạt được mà chưa có biện pháp cụ thể, mạnh mẽ và liên tục nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là một thực tế đáng suy nghĩ với các cấp chính quyền.

Nhìn thẳng thực tế

PCI cấp tỉnh bắt đầu từ năm 2005 tới nay do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, Dự án Sáng kiến Năng lực cạnh tranh VN thực hiện. Đây là chỉ số đánh giá sự nhìn nhận của DN đối với sự thân thiện của chính quyền địa phương trong cách ứng xử qua thủ tục hành chính.

Chỉ số PCI phản ánh nhiều mặt, được coi như là thương hiệu của các tỉnh, thành phố.

Trong đợt xếp hạng gần nhất, trong 9 chỉ số thành phần PCI, Đà Nẵng có 4 chỉ số giảm điểm. Cụ thể 1 chỉ số giảm điểm nhưng giữ nguyên vị thứ là tính năng động và tiên phong của lãnh đạo TP; 3 chỉ số vừa giảm điểm vừa giảm vị thứ là chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DN), chất lượng đào tạo lao động. Ông Lê Văn Hiểu- Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam (VN) phân tích, chỉ số dịch vụ hỗ trợ DN tụt từ hạng 9 xuống 28 với các lý do sau: Hội chợ giảm đột ngột về số lượng trong khi chất lượng khiêm tốn; xu hướng hội thảo hội nghị mang tính phong trào; nhiều nhà đầu tư tư nhân không tìm thấy dịch vụ hỗ trợ tư nhân như xúc tiến thương mại, tư vấn pháp luật, tìm kiếm thông tin, kỹ thuật công nghệ... Chất lượng đào tạo lao động giảm từ vị trí số 1 xuống thứ 3 với lý do: nhu cầu lao động của DN tăng đột ngột trong khi lao động đáp ứng chất lượng không đảm bảo; trung tâm giới thiệu việc làm chưa đúng tầm; có sự phân biệt rõ ràng giữa hai khối đào tạo nghề là Nhà nước và tư nhân...

Bên cạnh các chỉ số đã bị đánh tụt hạng thì các chỉ số khác cũng ở mức báo động. Ông Trịnh Bằng Có- Tổng Thư ký Hiệp hội du lịch Đà Nẵng nói về chỉ số Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất: DN du lịch ở Đà Nẵng khó tiếp cận đất đai hơn các DN từ nơi khác tới; thời gian cho thuê đất dài ngắn không rõ ràng; việc chuyển quyền sử dụng đất mỗi dự án một kiểu; công tác định giá đất còn mang tính chủ quan có lúc thiếu minh bạch. Ông Hồ Kỳ Minh- Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế-Xã hội Đà Nẵng cho biết, tình trạng cán bộ chính quyền lợi dụng quy định riêng của địa phương để trục lợi vẫn còn. Vì vậy, nhiều DN phải trả hoa hồng để có được hợp đồng từ cơ quan Nhà nước, không ít DN phải trả chi phí không chính thức khi đăng ký kinh doanh. Cũng theo ông Minh, có 4 vấn đề mà DN quan tâm, lo lắng nhiều hơn cả là: khó tiếp cận đất và mở rộng sản xuất; số lượng hội chợ thương mại còn ít; dịch vụ hỗ trợ DN còn yếu; vẫn tồn tại tình trạng DN phải thương lượng với cán bộ thuế.

Tất cả những nguyên do đó đã làm tụt hạng và đang đe dọa, cản bước Đà Nẵng cải thiện thứ hạng năng lực cạnh tranh. Việc nhìn nhận, phân tích thẳng thắn các vấn đề có phần “nhạy cảm” đó sẽ giúp TP chủ động hơn trong việc cải thiện thứ hạng PCI.

Đà Nẵng cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - 1

Chất lượng hạ tầng cơ sở là một tiêu chí quan trọng trong PCI và Đà Nẵng luôn được đánh giá cao (Trong ảnh: hạ tầng Đà Nẵng phát triển tương đối hiện đại)

Cải thiện thế nào?

Ông Lê Văn Hiểu cho rằng, phải giải quyết nhanh hai vấn đề sau để tăng điểm ở chỉ số chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước. Đó là giảm thời gian thông quan hàng hóa và thông tin về chính sách phải được đăng tải qua phương tiện truyền thông. Với chỉ số đào tạo lao động cần khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nghề khi mà đào tạo của khối Nhà nước chưa xứng tầm. Ông Văn Hữu Thiết- Phó Chủ tịch Hội DN vừa và nhỏ cho biết chỉ số về tiếp cận đất đai của Đà Nẵng trong PCI năm 2011 đứng thứ 48/63 tỉnh, thành phố. Vì vậy TP cần cải thiện nhiều hơn nữa chính sách tiếp cận đất đai cho DNNVV về giá thuê đất, thủ tục, tiến độ giải phóng mặt bằng, đặc biệt là sớm hình thành cụm công nghiệp dành riêng cho DNNVV (hiện 500 DNNVV đang rất cần mặt bằng).

Bên cạnh đó, qua khảo sát số DN phải trả tiền hoa hồng để có hợp đồng từ cơ quan Nhà nước chiếm tới gần 63%, cán bộ sử dụng các quy định riêng của địa phương để trục lợi chiếm gần 53% và 35,5% DN cho biết phải bồi dưỡng tiền cho cán bộ ngân hàng mới tiếp cận được các nguồn vốn vay. Theo báo cáo đánh giá của Viện nghiên cứu Kinh tế- Xã hội Đà Nẵng, trong năm 2012, các chi phí không chính thức của DN còn đáng báo động hơn năm 2011. Cụ thể, số DN phải trả thêm các chi phí không chính thức tăng cao, tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho DN khá phổ biến, khả năng tiếp cận vốn vay vô cùng khó, đòi hỏi chi phí bồi dưỡng nhiều hơn... Như vậy, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhằm tăng năng lực cạnh tranh TP cần hạn chế tối đa các vấn đề “nhạy cảm” như trên.

Ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI) cho biết, Đà Nẵng là nơi luôn khởi đầu cho những cách làm riêng, sáng tạo, hiệu quả. Chính vì vậy, trong nhiều năm liền Đà Nẵng luôn trong top đầu về chỉ số PCI. Tuy tụt xuống vị trí thứ 5 vào năm 2011 nhưng Đà Nẵng vẫn dẫn đầu trong 5 thành phố trực thuộc T.Ư. Với sự năng động của chính quyền, sự cầu thị, thẳng thắn nhìn nhận vào thực tế và có giải pháp kịp thời, tin rằng vị trí PCI của Đà Nẵng sẽ được cải thiện. Cũng theo ông Lộc, tính minh bạch trong hành chính công và sự năng động của chính quyền là điểm mạnh của Đà Nẵng cần tiếp tục phát huy. Chủ tịch TP Văn Hữu Chiến cho biết những trao đổi cởi mở, thẳng thắn chỉ ra những điểm còn hạn chế này sẽ giúp TP đưa ra được các giải pháp tích cực nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Hậu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN