Biển khóc

Đừng ngủ quên, thỏa mãn với mỹ danh “Một trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh”, biển Đà Nẵng đang tồn tại những hình ảnh, thực tế mà khi xâu chuỗi lại, người dân Đà Nẵng và du khách phải tiếc nuối và cần thiết phải chung tay khắc phục...

Ô nhiễm biển

Đứng trên miệng cửa xả ra bãi biển T20, đối diện nhà hàng Đại Dương, chúng tôi thấy dòng nước đen ngòm, đậm đặc xả ra biển mang theo nhiều váng, rác nổi lềnh bềnh, khiến một đoạn cát trắng mịn bị xoáy sâu thành một dòng kênh nhỏ, mang tất cả ra “tặng” cho biển. Không xa chỗ này, nhiều du khách đang đi dạo và tắm. Đóng đô gần miệng cống xả là trạm cứu hộ bãi biển. Ông Dương Văn Bê- Tổ trưởng tổ cứu hộ bãi biển T20-than thở: “Giờ còn đỡ chứ nhất là sau mưa dông, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc không sao chịu nổi. Khá nhiều khách du lịch than phiền về vấn đề này”.

Thấy chúng tôi đến, chị Lê Thị Vân-một người kinh doanh nước giải khát gần nơi cống xả-bộc bạch: “Mùi hôi và rác thải ở cống ảnh hưởng khá nhiều đến hoạt động kinh doanh của tôi cũng như nhiều hộ dân gần đây. Nhiều du khách đã rời bỏ đoạn biển này để đến nơi khác tắm”. Lượng rác thải từ các khách sạn, nhà hàng quán nhậu, quán ăn nhanh thi nhau mọc lên “hội tụ” cùng với lượng nước thải sinh hoạt khá lớn cứ ngày ngày chảy ra đây.

Biển khóc - 1

Tại cống xả trên bãi biển Mỹ Khê

Không chỉ ở bãi biển T20, 8 cửa xả cũng đã khiến cho nhiều bãi biển đẹp của Đà Nẵng đang “khó thở”. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch. Riêng ở bãi biển Xuân Hà, người dân ở đây cho biết, xảy ra hiện tượng lớp bùn dày lên trông thấy so với trước đây. Theo một số chuyên gia, sự thay đổi ở kết cấu tầng đáy khu vực vịnh Đà Nẵng có nguyên nhân do lượng nước thải đổ về nhiều. Bên cạnh đó, việc xây dựng các dự án trên bờ biển cũng đã làm thay đổi ít nhiều dòng chảy trong vịnh Đà Nẵng.

Cũng phải nhìn nhận rằng, so với mọi năm, tình hình xả rác trên các bãi biển có được cải thiện nhiều, song rác vẫn còn vương vãi ở vài nơi, nhất là những nơi ít có sự hiện diện của đội cứu hộ hay công nhân Xí nghiệp Môi trường Sông Biển. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng người tắm biển lén lút mua hàng rong, ốc hút đem xuống biển ăn và vất khắp nơi. Khi thủy triều lên, cuốn rác thải nổi lềnh bềnh trên mặt biển nhìn rất phản cảm. Dù đã ngăn cấm nhưng các đối tượng buôn bán ngày càng có nhiều hình thức biến tướng và tinh vi. Vào mùa hè, những ngày cao điểm, lượng người ra biển đông nhưng lực lượng làm công tác quản lý trật tự còn quá mỏng nên không thể phát hiện và xử lý triệt để hết các trường hợp trên.

Biển khóc - 2

Rác thải nhiều nơi trên bãi biển Mỹ Khê còn vương vãi

Nỗ lực và hơn thế nữa

Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Mã- Giám đốc Công ty thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết: “Hiện nay, trên toàn thành phố có 8 cửa xả nước thải ra biển. Hiện nay, chúng tôi đã làm các đập ngăn để hạn chế phần nào nước thải ra biển nhưng đập ngăn này vừa gom nước mưa vừa gom nước thải nên khi trời mưa, nước thải theo nước mưa vẫn chảy ra biển. Vì thế, khi trời mưa thì đoạn biển cạnh cửa xả có mùi hôi”. Ông Mã cũng cho biết, đơn vị cũng đã thường xuyên dùng chế phẩm khử mùi tại các hố xoáy cạnh các cửa cống xả nhằm hạn chế tình trạng mùi hôi. Song đó chỉ là các giải pháp tạm thời, về lâu dài, thành phố đã đề ra chiến lược thoát nước thải, phấn đấu đến năm 2030 sẽ gom và xử lý tốt nước thải trước khi xả ra biển. Hiện công ty đang kiến nghị đưa các ống xả ra xa bờ để giảm ảnh hưởng đến các hộ dân sống gần đó.

Theo Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà, hiện khách du lịch đến tắm biển ở các bãi biển Đà Nẵng tăng hơn 20% so với mọi năm. Một ngày có khoảng 15 ngàn người, có ngày cao điểm lên đến 40 ngàn người. Ông Phan Minh Hải – Phó BQL bán đảo Sơn trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng thừa nhận: “Hệ thống thoát nước thải có từ những năm 1989 trong khi ngành du lịch biển phát triển không ngừng nên xảy ra bất cập. Chúng tôi cũng đã trang bị 100 thùng rác bằng khung Inox lưới và bố trí cho các hộ dân hoạt động dịch vụ tại các bãi biển quản lý và sử dụng để hạn chế rác thải đổ ra biển. Đồng thời đôn đốc, nhắc nhở lực lượng thu gom rác thuộc Xí nghiệp Môi trường Sông Biển tổ chức thu gom rác tại các bãi biển đúng thời gian quy định. Vào các ngày cuối tuần trong mùa cao điểm, Ban quản lý đã huy động lực lượng tham gia phối hợp cùng CLB “Biển Xanh”, quận đoàn Sơn Trà tổ chức ra quân dọn vệ sinh môi trường tại các bãi biển, kết hợp với việc nhắc nhở nhân dân và du khách không trải bạt ăn uống tại khu vực dành cho khách tắm biển, không xả rác trái nơi quy định”.

Trong thời gian thực hiện bài viết này, chúng tôi ghi nhận những nỗ lực của các ngành chức năng trong việc khắc phục những tồn tại do “tập quán”, “lịch sử” để lại. Song nói như trên, đó chỉ là những giải pháp tình thế. Về lâu dài, cần có một chiến lược để bảo vệ môi trường biển, trong đó không thể không tính đến hệ thống xử lý nước thải cho các khu du lịch, ẩm thực, khách sạn; hạn chế cấp phép các công trình xây dựng có thể ngăn cản hoặc thay đổi các dòng thủy, hải lưu; đặc biệt, quy hoạch và điều chỉnh các hệ thống thoát nước, nước thải sinh hoạt của cư dân... theo hướng không đổ ra biển.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Vy (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN