Ai xung phong nhặt rác?

Hình ảnh thủy thủ đoàn của tàu Hải quân Mỹ dàn hàng ngang nhặt rác trên cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua đã để lại hình ảnh rất đẹp về ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường.

Chuyến thăm của hai tàu hải quân Mỹ tới cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) những ngày cuối tháng 4 vừa qua, cùng một số hoạt động giao lưu của thủy thủ đoàn đã để lại những ấn tượng tốt đẹp với người dân Đà Nẵng. Đặc biệt là hình ảnh hàng ngày thủy thủ đoàn dàn hàng ngang nhặt rác sạch sẽ và triệt để, từ mẩu thuốc lá bé xíu, trên cầu cảng nơi họ neo tầu.

Đây là hình ảnh rất đẹp về ý thức bảo vệ môi trường mà mỗi chúng ta cần suy nghĩ và học tập.

Ai xung phong nhặt rác? - 1

Các thuỷ thủ trên soái hạm USS Blue Ridge dàn hàng ngang nhặt rác trên cầu cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) (Ảnh: Infonet)

Từ mấy chục năm nay chính quyền địa phương các cấp đã bỏ ra rất nhiều công sức để tuyên truyền vận động quần chúng không xả rác bừa bãi; hàng năm chúng ta đều huy động các đoàn thể thanh niên, sinh viên, học sinh vào các chiến dịch “Mùa hè xanh sạch đẹp”. Tuy nhiên, trên thực tế hành vi xả rác bừa bãi ở ta vẫn diễn ra thường xuyên và nó đã trở thành chuyện “bình thường ở huyện”.

Ở các nước phát triển, bên cạnh công tác tuyên truyền vận động, họ tích cực và nghiêm khắc thực thi luật cấm xả rác. Ở Singapore, dù rác là một mẩu thuốc lá, người vi phạm bị bắt quả tang cũng có thể bị phạt tiền thật nặng và phải mặc áo tù đi làm vệ sinh hàng trăm giờ nơi công cộng. Đây không phải là sáng kiến của Singapore, các nước Mỹ, Đức, Nhật… đã làm như vậy trước Singapore gần một thế kỷ.

Ai xung phong nhặt rác? - 2

Họ tỉ mỉ nhặt nhạnh mọi thứ rác, dù chỉ là một mẩu tàn thuốc bé tí (Ảnh: Infonet)

Việt Nam chúng ta đã có luật Vệ sinh môi trường, cấm xả rác nơi công cộng. Vấn đề là chúng ta cần thực thi luật này một cách nghiêm chỉnh và rốt ráo. Nghiêm chỉnh và rốt ráo có nghĩa là một mảnh giấy gói kẹo, một cái tăm, một mẩu thuốc lá cũng là rác; khăn giấy chùi miệng là mảnh rác quá lớn, cần phạt thật nặng những chủ tiệm ăn đã để cho thực khách vất khăn giấy xuống nền nhà. Đây là cách các quốc gia phát triển trước chúng ta đã nghĩ ra: họ không thể phạt từng cá nhân khách trong các tiệm ăn, họ chỉ phạt thật nặng chủ tiệm, buộc chủ tiệm phải tự nghĩ ra các giải pháp để khách không tiếp tục xả rác, nhè xương xuống nền nhà một cách thiếu văn hoá như bấy lâu nay.

Giải pháp này cũng buộc các chủ tiệm không được duy trì tập quán lạc hậu: ban ngày tha hồ cho khách xả rác, tối quét sau. Hành vi này được ví như một cô gái đẹp ban ngày ra đường tiếp xúc với mọi người thì ăn mặc lôi thôi lếch thếch, mặt mũi lem nhem; tối về trước khi đi ngủ mới lo tắm rửa, thay quần áo đẹp và điểm phấn tô son!

Việc xóa bỏ thói quen xả rác bừa bãi là việc không dễ, nhưng cũng không phải là quá khó đến nỗi không thể làm được. Có ba vấn đề quan trọng cốt lõi ở đây:

Vấn đề quan trọng nhất là quyết tâm cao độ của chính quyền và người dân. Quyết tâm phải ở mức độ cao nhất, nghĩa là tương đương với quyết tâm đánh giặc. Chỉ khi nào chúng ta quyết tâm đánh giặc lạc hậu này chúng ta mới có khả năng thành công và chen chân được vào hàng ngũ những dân tộc phát triển trên thế giới.

Ai xung phong nhặt rác? - 3

Các thuỷ thủ Mỹ tỏ ra rất vui sau khi dọn sạch vệ sinh cầu cảng Tiên Sa (Ảnh: Infonet)

Vấn đề quan trọng thứ nhì là triệt để xóa bỏ tư tưởng nô lệ chủ bại kiểu “Người mình kém ý thức”. Các dân tộc đều khởi đầu kém ý thức như nhau. Không có dân tộc nào từ thuở hồng hoang đã biết phân biệt đất nước hồ ao sông suối và cái thùng rác. Người ta vượt qua được thói xấu này thì chúng ta cũng vượt qua được.

Vấn đề quan trọng thứ ba là bên cạnh công tác tuyên truyền gíao dục, vận động, phải có các biện pháp chế tài nghiêm khắc và rốt ráo. Điều này đã được chứng minh cả trên lý thuyết tâm lý học (thuyết Nhận thức hành vi/Cognitive behavioral theory) lẫn trong thực tế ở Việt Nam. Thuyết Nhận thức hành vi đã chỉ ra cách hay nhất giúp con người thay đổi hành vi là giáo dục kèm theo trừng phạt. Giáo dục không kèm theo trừng phạt là giáo dục chung chung; trừng phạt không đi kèm giáo dục sẽ không mang lại kết quả lâu dài. Thực tế Việt Nam đã nhiều lần chứng minh lý thuyết này: xóa nạn mù chữ năm 1945, toàn dân đội mũ bảo hiểm năm 2007…

Tóm lại nếu chúng ta có quyết tâm, chắc chắn sẽ thoát được tập quán lac hậu xả rác bừa bãi. Khi quần chúng đã tập được thói quen mới, cơ chế dân chủ tự quản sẽ phát sinh và thói xấu lạc hậu sẽ không còn chỗ tồn tại vì đại đa số quần chúng không chấp nhận.

Thói xấu xả rác bừa bãi chắc chắn một ngày kia sẽ được xoá sổ ở nước ta, đấy là chân lý. Câu hỏi là nhân vật lãnh đạo nào, thành phố nào sẽ giành lá cờ đầu trong việc “tuyên chiến với giặc rác” mà thôi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Đình Tuấn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN