Vì sao iPhone mới lúc nào cũng khan hàng?
Tranh nhau để mua được iPhone mới không còn là chuyện hiếm gặp, tới mức bạn có thể nghĩ rằng Apple đang cố tình “chơi chiêu”. Thi thoảng, đây lại là sự thật.
iPhone X, mẫu iPhone cao cấp nhất của Apple đến thời điểm này, sẽ bán chính thức vào đầu tháng 11, muộn hơn hai mẫu iPhone 8 và 8 Plus. Dù vậy, các nhà phân tích dự báo tình trạng khan hàng còn diễn ra đến năm sau. Những người môi giới tại Hồng Kông hi vọng bán được iPhone X với giá chênh lệch 300 đến 400 USD trong các tuần đầu tiên mở bán.
Chuyện khan hàng của các thiết bị mới không phải quá hiếm. Năm 2016, Google Pixel, Nintendo Switch hay iPhone 7 Plus đều gặp tình trạng này. Có phải bạn từng nghĩ rằng sau nhiều năm rút kinh nghiệm, các nhà sản xuất nên phát hành sản phẩm đúng lúc, đúng chỗ, đặc biệt là tại Apple, công ty có CEO Tim Cook là bậc thầy điều hành.
Liệu iPhone X khan hàng có phải là một chiêu trò tiếp thị hay phải sản xuất hàng trăm triệu thiết bị điện tử phức tạp và phân phối trên toàn cầu là điều thực sự khó khăn? Thực tế, nó là tổng hợp mỗi thứ một ít.
Phép tính lạnh lùng
iPhone X
Theo Asokan Ashok, người từng làm việc tại Samsung Research America từ năm 2009 tới năm 2015, cơ chế đặt trước đặc biệt quan trọng. Đó là nơi cung cấp dữ liệu ban đầu để dự đoán nhu cầu của một thiết bị và giúp nhà sản xuất hình dung ra nhu cầu của từng loại cấu hình. Cả hai dữ liệu này đều rất khó dự báo.
Mọi chuyện còn khó khăn hơn khi giá của thiết bị cao đột biến và công ty chưa có phép đo nào để đánh giá nhu cầu. Đây chính là trường hợp của iPhone X giá 999 USD vì Apple chưa bao giờ đưa giá bán cao như thế này.
Apple có thể đang đối mặt với thách thức dự báo nhu cầu lớn nhất của mình kể từ khi iPhone ra mắt 10 năm trước. Rất khó để biết tỷ lệ đơn hàng iPhone X so với iPhone 8/8 Plus. Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ có làn sóng người mua đột biến – vốn là những người đang chờ đợi thiết kế mới hoàn toàn từ iPhone, tương tự lần iPhone 6 ra mắt năm 2014.
Lý do khiến việc dự báo nhu cầu trở nên quan trọng đến vậy là vì xu hướng sản xuất kịp thời (just-in-time) đang lên. Sản xuất hàng triệu điện thoại đồng nghĩa với sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhiều đơn vị sản xuất linh kiện, tất cả đều phải cung ứng theo nhu cầu. Họ không thể mạo hiểm lượng hàng tồn kho không bán được ăn vào mức lợi nhuận biên vốn đã rất “mỏng” của mình.
Khi iPhone 7 khan hàng vào tháng 10/2016, CEO Tim Cook từng thú nhận rất khó để nói liệu công ty có đáp ứng được nhu cầu đến cuối năm không, nhất là khi họ đang bán mọi thứ họ làm ra.
Cái giá của chủ nghĩa hoàn hảo
Theo ông Ashok, một trong các thách thức lớn nhất mà những nhà sản xuất hàng đầu gặp phải trong việc phải ra sản phẩm đúng hạn chính là tiêu chuẩn riêng của họ. Apple “khét tiếng” vì thường thay đổi những chi tiết nhỏ nhưng quan trọng trong thiết kế phần cứng cuối cùng vào phút chót. Chủ nghĩa hoàn hảo ấy là xác đáng vì phần cứng không thể đảo ngược một khi đã vào tay khách hàng và chi phí của việc thu hồi, chẳng hạn Galaxy Note 7 năm trước, là vô cùng khủng khiếp.
Ngay cả việc bố trí lại một con ốc vít cũng gây ảnh hưởng đến số đo, vị trí và hoạt động của hàng tá linh kiện khác, theo cố vấn ngành di động Chetan Sharma. Trong ngành di động cạnh tranh nhau từng phút, thời gian là thứ mà Apple không có. Mỗi năm phải làm mới sản phẩm khiến cho nhà sản xuất chỉ còn vài tháng để đưa thiết bị ra khỏi phòng thí nghiệm và đặt vào nhà máy.
Khi đưa đến công nghệ mới – ví dụ màn hình OLED trên iPhone X, cơn đau đầu được nhân lên nhiều lần. Trong sản xuất, sản lượng (yield) chỉ số % trong một lô linh kiện đáp ứng tiêu chuẩn. Nhà phân tích Wayne Lam của hãng nghiên cứu IHS Markit gọi đây là kẻ thù của những công nghệ lần đầu xuất hiện.
“Trên iPhone đời đầu, sản lượng màn hình cảm ứng điện dung là 80% vì nó là công nghệ mới”. Ném đi 1 trong 5 màn hình đồng nghĩa với làm thất thoát chi phí sản xuất không nhỏ. Ngoài ra, yếu tố khác ảnh hưởng đến sản lượng là đào tạo công nhân nhà máy vì phần lớn công đoạn lắp ráp cuối cùng đều thực hiện thủ công.
Thiếu hụt toàn cầu
Một công nhân làm việc tại nhà máy của Lens Technology, công ty cung ứng kính màn hình cảm ứng cho Apple, Samsung
Đôi lúc, tìm được một linh kiện còn “khó hơn lên trời” dù trả giá bao nhiêu. Gần như mọi thiết bị thông minh mà bạn biết đều sở hữu bộ nhớ NAND. Linh kiện quan trọng này gần đây trở nên khan hiếm.
Các gã khổng lồ như Apple thường ký hợp đồng để mua khối lượng lớn bộ nhớ NAND, chèn ép các đối thủ nhỏ con khác. Nintendo đã đổ lỗi cho thị trường smartphone bùng nổ làm khan hiếm linh kiện cần thiết để sản xuất máy chơi game Switch.
Dù vậy, “to” như Apple cũng không thể làm được mọi điều cần thiết cho iPhone X. Hiện tại, các nhà phân tích nói rằng chỉ một hãng đủ năng lực sản xuất màn hình OLED số lượng lớn, đó lại chính là “kẻ thù số một” của Apple. Dù mảng màn hình của Samsung tách biệt với mảng di động, “táo khuyết” dường như đang cố đa dạng hóa nguồn cung đối tác màn hình OLED, bao gồm Japan Display và LG Display.
Sản xuất smartphone là quy trình vô cùng phức tạp, để đến được tay người dùng cần rất nhiều phép màu. Các công ty kiểm soát bất kỳ thứ gì có thể bằng cách ra mắt sản phẩm, thu thập đơn đặt trước, dự đoán nhu cầu. Thậm chí, họ còn cân nhắc đến sự khan hiếm đến mức nào sẽ làm tăng ham muốn của người dùng, để khi sản phẩm bán ra, dù muộn hơn vài tuần hay vài tháng, nó có thể mang lại cảm giác bõ công chờ đợi.
Tại thị trường Mỹ, giá của cặp iPhone 6s và 6s Plus vẫn không hề giảm ngay cả khi bộ ba iPhone mới sắp được bán ra.