Xuất khẩu gỗ, lâm sản còn nhiều rủi ro

Bộ Công Thương cho biết, năm 2012, xuất khẩu gỗ, lâm sản Việt Nam đạt kim ngạch khoảng 4,67 tỷ USD, tăng hơn 15% so với 2011, vượt gần 7% so với kế hoạch và tăng gần 200% so với năm 2007 (ở mức 2,4 tỷ USD).

Ông Hà Công Tuấn – Thứ trưởng Bộ NNPTNT cũng cho biết, quý 1/2013, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt trên 1,2 tỷ USD. Với mức tăng trưởng này, ngành xuất khẩu gỗ và lâm sản có thể đạt kim ngạch 5,5 tỷ USD trong năm nay.

Ông Tô Xuân Phúc – đại diện Tổ chức Forest Trends cho biết, cả nước hiện có diện tích rừng trồng khá lớn, khoảng 3,5 triệu ha rừng, với sự tham gia canh tác của 1,4 triệu hộ dân. Lượng gỗ khai thác được xấp xỉ 6 triệu m3, trong đó 80% dùng chế biến dăm cho xuất khẩu và 20% cho chế biến gỗ... Tuy nhiên, theo đánh giá, do phát triển nhanh, nóng vội trong những năm qua, ngành gỗ, lâm sản Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ông Võ Đại Hải – đại diện Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện cả nước có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất gỗ dăm xuất khẩu. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp phát triển không gắn với vùng nguyên liệu, dẫn tới tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh trong thu mua nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, xảy ra việc bị ép giá trong mua và bán. Ngoài ra, cũng theo ông Hải, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gỗ nhiều nhưng hầu hết không có mạng lưới phân phối sản phẩm ở nước ngoài mà đều phải thông qua đơn vị trung gian nên rất bị thiệt thòi trong cạnh tranh giá, đồng thời, luôn luôn bị động về thị trường.

“Đặc biệt, giống với nhiều sản phẩm nông sản khác, do có giá rẻ hơn các nước khác, gỗ và lâm sản Việt Nam đang có nguy cơ bị kiện chống bán phá giá tại nhiều thị trường” - Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết thêm.

Diện tích rừng ở Việt Nam còn manh mún, việc nhập khẩu sản phẩm gỗ nguyên liệu cũng diễn ra rải rác khắp các vùng dẫn tới việc chứng minh nguồn gốc hợp pháp nhiều khó khăn. “Bắt đầu từ tháng 3/2013, các nước EU bắt buộc doanh nghiệp phải giải trình nguồn gốc gỗ nguyên liệu khi xuất khẩu vào thị trường này. Trong khi đó, Việt Nam và EU vẫn đang trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA/FLEGT) nên sẽ vẫn chưa được hưởng ưu tiên gì, cho tới khi đàm phán kết thúc” - ông Hải cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thuận Hải (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN