Xóa sổ Atiso Đà Lạt?

Giá cả liên tục giảm, đầu ra khó khăn, đầu tư dài ngày nhưng lãi ít, cây atisô đang bị nông dân Đà Lạt phá bỏ để dành đất cho những cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn.

Từng một thời được xem là cây làm giàu của nông dân Đà Lạt, cây atisô hiện đang có nguy cơ bị xóa sổ, diện tích ngày càng thu hẹp dần... Theo Phòng Kinh tế TP Đà Lạt, đến nay diện tích atisô tại TP Đà Lạt chỉ còn khoảng 50ha, giảm đến 75% so với năm 1998 và dự báo tiếp tục giảm.

Phá bỏ cây atisô

Sau nhiều năm gắn bó với cây atisô, cuối tháng 5-2012, ông Lê Văn Đạt (Thái Phiên, TP Đà Lạt) đã phá bỏ hơn 1.000m2 trồng cây atisô để chuyển sang trồng hoa đồng tiền, chỉ giữ lại 500m2 cây này do đất quá cằn không thể trồng loại cây khác. “Trồng atisô không còn hấp dẫn nữa do hiệu quả kinh tế thấp, thời gian từ khi trồng đến thu hoạch kéo dài hơn 10 tháng...” - ông Đạt nói.

Cũng như ông Đạt, hàng loạt nông dân từ nhiều năm “chung tình” với cây atisô tại phường 11 và 12, TP Đà Lạt, như anh Đào Văn Thắng, Vũ Xuân Đình, Phạm Văn Kiên... đã phải phá bỏ phần lớn diện tích atisô để chuyển đổi sang trồng các loại hoa màu khác cho thu nhập cao hơn.

Theo anh Phạm Văn Kiên, chi phí đầu tư cây atisô lên đến 15 triệu đồng mỗi sào, sau mười tháng mới thu hoạch. Với giá bán từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, nông dân chỉ lời 15 triệu đồng/sào sau khi trừ mọi chi phí. Trong khi đó, cũng với diện tích trên, mỗi năm nhà vườn sẽ làm được ba vụ hoa cúc, nếu thị trường thuận lợi, mỗi vụ cho lãi ròng khoảng 20 triệu đồng.

Ông Hồ Ngọc Dinh, chủ tịch Hội Nông dân phường 12 - nơi trồng nhiều atisô nhất TP Đà Lạt, cho biết cách đây nhiều năm, mặc dù chi phí đầu tư thấp nhưng giá mỗi ký bông atisô tươi luôn được bán tại vườn 70.000-100.000 đồng/kg. “Dù lúc đó diện tích nhiều, sản lượng lớn nhưng hoa atisô không khi nào bị ế, thương lái đến tận vườn mua. Thế nhưng hiện nay, diện tích atisô rất ít, chi phí đầu tư cao nhưng giá bán lại quá thấp...” - ông Dinh nói.

Xóa sổ Atiso Đà Lạt? - 1

Ông Thành - nông dân ở P.12, TP Đà Lạt - chỉ còn giữ lại một ít atisô trên ruộng của mình

Thị trường kén chọn

Ông Nguyễn Đức Cứ, nguyên phó trưởng Phòng kinh tế TP Đà Lạt, là người có nhiều năm nghiên cứu về cây atisô, cho rằng đầu ra khó khăn là nguyên nhân khiến diện tích atisô tại Đà Lạt giảm mạnh trong thời gian qua. “Bông atisô chủ yếu tiêu thụ tại thị trường nội địa nhưng nhu cầu người tiêu dùng loại đặc sản này không nhiều” - ông Cứ nói. Theo ông Cứ, hằng năm Đà Lạt thu hoạch hơn 3.000 tấn atisô tươi, nhưng chỉ một lượng nhỏ trong số này được bán cho người tiêu dùng sử dụng làm thực phẩm, số còn lại nhập cho các cơ sở chế biến trà, cao và dược liệu tại Đà Lạt và TP.HCM.

Một số nhà hàng tại Đà Lạt cũng cho biết canh atisô - một loại đặc sản của Đà Lạt - thường rất kén khách vì giá cả chế biến món ăn từ bông atisô thường khá đắt, nên chỉ có những đoàn khách “hạng sang” mới đặt làm những món canh có bông atisô. Theo bà Phan Thị Chi - giám đốc nhà hàng khách sạn Golf 3 Đà Lạt, vì atisô là một món ăn đặc sản của Đà Lạt, không chỉ bổ dưỡng mà còn rất tốt cho sức khỏe nên có tới 70% thực khách vào nhà hàng gọi món canh này nhưng số lượng không nhiều.

Ông Đào Văn Toàn, chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng, cho rằng Đà Lạt hiện có gần 10 công ty chuyên chế biến sản phẩm từ cây atisô thành trà, dược liệu, cao, chưa kể cả chục cơ sở chế biến nhỏ lẻ khác đang hoạt động. Do đó, nhu cầu atisô làm nguyên liệu cho các cơ sở này hiện rất lớn. “Atisô là loại cây đặc sản của Đà Lạt, nếu diện tích trồng cây này ngày càng giảm không chỉ là điều đáng tiếc đối với Đà Lạt, mà các nhà máy cũng có nguy cơ thiếu nguyên liệu...” - ông Toàn nói.

Theo dược sĩ Nguyễn Thọ Biên - chủ tịch Hội Dược Lâm Đồng, atisô và các chế phẩm từ atisô được coi là kinh điển trong “thực vật liệu pháp” nhằm kích thích và tăng cường các chức năng tiêu hóa, bài tiết thải độc. Cây atisô còn non có thể luộc chín hay nấu canh ăn, những bộ phận thường được dùng làm rau là cụm hoa. Hoa atisô tươi có tác dụng bổ dưỡng, kích thích tiêu hóa, lợi gan mật, trợ tim, lợi tiểu, thường dùng nấu canh. Đây là một loại rau cao cấp, khi nấu chín rất dễ tiêu hóa, dùng trị đau gan, giảm đau dạ dày, rất cần cho những người bị bệnh tiểu đường. Lá và thân của atisô được chỉ định dùng chữa thiểu năng gan, chống tăng cholesterol.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Thùy Nhiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN