Xóa phụ thuộc thị trường TQ: Chẳng khó gì ngoài giá

Muốn xóa bỏ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp phải tìm cách xóa hấp lực của giá nguyên phụ liệu Trung Quốc rẻ hơn 7-20%, máy móc rẻ bằng 1/6 các nước phát triển.

Bài toán thoát phụ thuộc nguyên phụ liệu (NPL) Trung Quốc không đơn giản vì nếu nhập nguồn NPL từ các nước khác giá thành sẽ đội lên. Các giải pháp, ý kiến trong buổi họp giữa UBND TP.HCM với các ngành trên địa bàn để tháo gỡ khó khăn cho các DN nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc đã được đưa ra.

Xóa phụ thuộc thị trường TQ: Chẳng khó gì ngoài giá - 1

Giá nguyên phụ liệu Trung Quốc rẻ hơn 7-20%, máy móc rẻ bằng 1/6 các nước phát triển (Ảnh minh họa)

Theo tính toán của một số ngành nghề trên địa bàn TP.HCM có nguồn NPL nhập lớn từ Trung Quốc như dệt may, da giày chiếm trên 24%, nếu nhập NPL mặt hàng này từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, giá thành sẽ tăng từ 7-10%…

Mặt hàng thuốc trừ sâu và nguyên liệu cũng chủ yếu nhập từ Trung Quốc, và có thể nhập khẩu ở thị trường Malaysia, Ấn Độ nhưng giá nhập khẩu sẽ tăng từ 15-20%. Bên cạnh đó, đây lại là mặt hàng phục vụ cho sản xuất nông sản của nông dân, nên có khả năng chịu hiệu ứng domino, tức là sẽ tăng giá thành của sản phẩm nông sản và giảm sức cạnh tranh của nông sản xuất khẩu.

Tương tự, sắt thép phải nhập tới 60% từ Trung Quốc, tuy nhiên có thể nhập từ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng giá sẽ đội lên khá cao.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhựa, TP.HCM cho rằng, có đến 80% DN ngành nhựa phụ thuộc đến 90% nguyên phụ liệu Trung Quốc và máy móc cho ngành này cũng chủ yếu nhập từ Trung Quốc.

Việc tìm các thị trường để nhập NPL thay thế Trung Quốc cũng không phải là không thể nhưng làm thế nào để giảm giá thành nhập các NPL này là bài toán không đơn giản.

Theo ông Lê Quang Doãn, Phó Chủ tịch DN quận 7, TP.HCM, đối với nguyên phụ liệu là hạt nhựa để sản xuất đế giày hay các vật liệu cách nhiệt có thể tìm thị trường thay thế là Thái Lan nhưng giá cao hơn 10-12%. Qua đàm phán nếu chúng ta nhập khẩu từ Thái Lan bằng đường bộ qua Camphuchia thì giá thành giảm xuống và ngành Hải quan cần tạo điều kiện cho DN trong vấn đề này.

Đại diện Hải quan TP.HCM cho biết, việc nhập khẩu NPL bằng đường bộ từ các nước ASEAN như Thái Lan, Malaisia, Indonesia… Hải quan TP.HCM sẽ hết sức tạo điều kiện để giảm chi phí cho DN như thông quan nhanh… để góp phần giảm giá thành.

Việc ân hạn nộp thuế cũng rất cần thiết. Đại diện của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, cho rằng để gỡ khó cho DN nhập khẩu NPL chính sách thuế nên giãn thời gian nộp thuế nhập khẩu cho DN vì hiện nay DN phải nộp loại thuế này ngay, trong khi trước kia được ân hạn nộp thuế nhập khẩu tới 275 ngày.

Còn đại diện của Cục thuế TP.HCM kiến nghị, Chính phủ nên có chính sách giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất nguyên phụ liệu, giảm thuế VAT đối với nguyên phụ liệu sản xuất trong nước, chẳng hạn một số NPL trong ngành dệt may, da giày đã sản xuất được trong nước nhưng không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc do giá cao một phần do phải chịu thuế VAT.

Bên cạnh đó, cần phải đổi mới máy móc thiết bị từ Trung Quốc càng sớm càng tốt. Ông Trần Việt Anh cho rằng: “Suốt 20 năm qua chúng ta dùng máy móc nhập từ Trung Quốc do giá rẻ, dễ mua. Đây là cơ hội để đổi mới máy móc và công nghệ sản xuất nên rất cần sự hỗ trợ vốn trung, dài hạn của ngành ngân hàng với mức lãi suất ưu đãi. Vì nếu mua máy móc từ Nhật sẽ đắt gấp 6 lần nếu mua của Trung Quốc”.

Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tích UBND TP.HCM cho rằng, UBND cũng đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM về việc hỗ trợ vốn ưu đãi cho các DN NPL và các ngân hàng cũng đang tập trung cho vay vốn để DN mua máy móc thiết bị. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang tập trung thu hút các dự án mới đầu tư vào phát triển ngành NPL. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của thành phố thì bản thân các DN phải tự tìm giải pháp cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa để chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Linh Lan (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN