Vụ giống lúa BC15 giả: Không liên quan lúa lép
Trước việc giống lúa BC15 của Tổng Cty Giống Thái Bình bị làm giả nhiều nơi, gây thiệt hại cho nông dân cũng như doanh nghiệp sản xuất giống, lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) và đại diện doanh nghiệp khẳng định không liên quan đến lúa BC15 lép ở một số tỉnh.
Lúa giống giả tràn lan
Như Tiền Phong đưa tin (ngày 14/6), Công an TP Hà Nội vừa kiểm tra thu giữ gần 1 tấn thóc giống BC15 nghi giả ở 3 địa điểm ở Bắc Giang và Hà Nội. Trên bao bì loại thóc BC15 này, có ghi của “Công ty CP giống cây trồng nông nghiệp Thái Bình” ở xã Đông Hoàng (Đông Hưng, Thái Bình).
Trong khi đó, giống lúa BC15 “xịn” là của Tổng Cty Giống cây trồng Thái Bình - TSC, địa chỉ ở 36 phố Quang Trung, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Đình Phượng, Phó GĐ Sở NN&PTNT Bắc Giang cho biết, thông tin ban đầu chỉ là lời khai của một cơ sở ở Hà Nội, chưa có đầy đủ chứng cứ để xử lý giống lúa BC15 của bà Hảo ở Lạng Giang là giả.
Theo ông Phượng, muốn kiểm tra Cty này, Cty kia phải có kế hoạch, thống nhất với cơ quan công an mới kiểm tra được, chứ đùng cái vào cơ sở họ không phải chuyện đùa, vì họ là doanh nghiệp.
Giống BC 15 thật.
“Khi có thông tin trên, chúng tôi chỉ đạo thanh tra Sở tiếp cận để nắm tình hình, cần thiết sẽ đề xuất ngành cho kiểm tra”, ông Phượng cho biết. Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Bắc Giang, vụ Đông Xuân vừa rồi, Bắc Giang có khoảng 4.000-6.000 ha lúa BC15 của Tổng Cty Giống Cây trồng Thái Bình. Sau khi có thông tin lúa lép, Sở đã cho rà soát, nhưng không vấn đề gì, năng suất lúa BC15 ở Bắc Giang vẫn đạt cao.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ Tổng Cty Giống cây trồng Thái Bình cho biết, việc làm giả giống lúa BC15 diễn biến phức tạp, không chỉ diễn ra ở Bắc Giang, Hà Nội, Hòa Bình mà cả Lào Cai, thậm chí ở Thái Bình cũng có.
“Bây giờ công nghệ tinh vi, nó nhái giống hệt. Đầu năm vừa rồi, cơ quan chức năng cũng bắt được một vụ làm bao bì giống y chang bao bì của chúng tôi. Còn loại đóng gói đưa thì trường tiêu thụ như vụ việc công an Hà Nội mới thu giữ, thường hoạt động theo đường dây”, ông Báo nói.
Theo lãnh đạo TSC, từ lúc giống lúa BC15 (năm 2008) được bán ra thị trường, đơn vị đã phát hiện hàng chục vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái. Lúc đầu là vụ nhỏ, chỉ mấy tạ giống, nhưng bây giờ đã lên đến hàng chục tấn. Các đối tượng vi phạm chủ yếu dùng thóc thịt để làm giống, hoặc giống khác đóng trong bao BC15.
“Thậm chí có một số doanh nghiệp có tiếng tăm cũng làm giả, nhưng dưới dạng lấy một tên khác. Chẳng hạn giống TBR1, nhưng bán để tên là Q5, bà con cũng không phát hiện được, nhưng đấy cũng không phải là sản phẩm thật. Còn việc đóng vỏ bao, mạo danh tên của TSC tận Quảng Nam, Bình Định, Tây Nguyên cũng có”, ông Báo cho biết.
Nông dân chịu vạ
Giống BC 15 giả
Lãnh đạo TSC cũng khẳng định loại lúa BC15 giả phát hiện thời gian qua hoàn toàn không liên quan đến hiện tượng lúa BC15 lép ở một số tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa. Lúa giả có thể năng suất thấp, không nảy mầm; còn lúa BC15 lép ở các tỉnh nói trên là hàng “xịn”, nhưng trà lúa vừa rồi do gặp thời tiết bất lợi, lại mẫn cảm với thời tiết, nên lúa lép.
“Các cơ sở làm giả, sao có viện, trung tâm nghiên cứu, và các điều kiện sản xuất loại siêu nguyên chủng và nguyên chủng như chúng tôi. Vì thế, họ mua thóc thịt, giống khác đóng bao BC15 để bán, làm giảm năng suất nghiêm trọng.
Đã làm giả thì không hướng dẫn nông dân cái gì cả, chỉ làm rất sơ sài, không có địa chỉ nơi sản xuất, điện thoại, có cũng giả mạo, nên khi bà con thấy năng suất, không biết gọi đi đâu cả”, ông Báo nói.
Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết, hạt giống giả, kém chất lượng đương nhiên ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng và đời sống bà con nông dân.
Theo thống kê nhiều năm nay của Cục, việc phát hiện giống lúa giả không nhiều, giống lúa kém chất lượng chỉ chiếm khoảng 10%. Đây là những giống mà một hoặc một số chỉ tiêu chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, nhưng không phải hàng giả, chưa đến mức nghiêm trọng.
Đang bị điều tra, tiếp tục mang thóc giả đi bán Ngày 14/6, Đoàn kiểm tra liên ngành của Phòng An ninh kinh tế Công an Hà Nội và Đội QLTT số 14 đã bắt quả tang bà Ngô Thị Hảo (ở Bắc Giang) đang vận chuyển 200kg thóc giống BC15 giả bằng xe khách từ Bắc Giang về Sơn Tây tiêu thụ. Trước đó, lực lượng chức năng cũng đã thu giữ khoảng 1 tấn giống thóc BC15 giả tại địa điểm kinh doanh của bà Hảo ở Tân Dĩnh (Lạng Giang, Bắc Giang) cùng 2 địa điểm khác ở Hà Nội. Qua điều tra bước đầu xác định, từ 2/6 đến 9/6, bà Hảo đã bán gần 1,5 tấn thóc BC15 của Cty cổ phần giống cây trồng nông nghiệp Thái Bình cho bà Ngô Thị Huệ, chủ cửa hàng kinh doanh giống cây trồng (ở 221 Nguyễn Thái Học, thị trấn Phùng, Đan Phượng). Sau đó bà Huệ tiếp tục bán lại cho Chủ nhiệm HTX Đức Giang và số thóc giả đến tay bà con nông dân của HTX La Phù (Hà Nội)…Tuy nhiên, kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy: Cty cổ phần giống cây trồng nông nghiệp Thái Bình là địa chỉ giả và Cty không có thật. Trong khi cơ quan chức năng điều tra truy tìm nguồn gốc giống thóc trên thì bà Hảo lại tiếp tục mang hàng giả đi bán. L.D |