“Vỡ mộng” xuất khẩu cá nóc

Sản lượng cá nóc xuất khẩu đi Hàn Quốc chỉ đạt 1,7% so với mục tiêu đề ra, 3/5 địa phương không muốn tiếp tục kéo dài thí điểm

Vài năm trước, khi khảo sát nguồn cung tại Việt Nam, phía Hàn Quốc cho biết có nhu cầu nhập khẩu 100-300 tấn cá nóc/tháng và sẵn sàng đưa chuyên gia sang hướng dẫn kỹ thuật nhận biết cá nóc độc, không độc và cách phân loại chế biến để bảo đảm an toàn thực phẩm.

Không hiệu quả

Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã đề nghị Chính phủ cho phép thực hiện đề án thí điểm khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2013-2015 (gọi tắt là đề án cá nóc). Đề án được thực hiện với kinh phí hơn 2 tỉ đồng (chủ yếu từ ngân sách) với mục tiêu thu về gần 50 tỉ đồng với dự tính sản lượng 1.600 tấn (giá bán 1.500 USD/tấn); tạo công ăn việc làm cho 1.000 lao động. Tuy nhiên, thực tế khi triển khai dự án thì kết quả không như kỳ vọng.

“Vỡ mộng” xuất khẩu cá nóc - 1

Cá nóc xuất khẩu tại DNTN Phước Thọ Ảnh: KỲ NAM

Mới đây, Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ NN-PTNT đã báo cáo kết quả thực hiện và kiến nghị không tiếp tục kéo dài đề án, thực hiện nghiêm cấm việc khai thác, thu mua, tiêu thụ cá nóc.

Theo Nafiqad, tại 5 địa phương tham gia đề án gồm Hải Phòng, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang có 8 cơ sở đủ điều kiện được cấp phép thì chỉ có 3 cơ sở triển khai hoạt động thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc. Về chỉ tiêu xuất khẩu, dự kiến trong đề án là từ 6.300-6.720 tấn nhưng sản lượng xuất khẩu thực tế chỉ đạt 112,6 tấn (1,7%). Trong đó, 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Kiên Giang không xuất khẩu được ký cá nóc nào.

Nguyên nhân lớn nhất được đánh giá là do sản lượng cá nóc khai thác không ổn định, nhiều chủng loại, tỉ lệ cá nóc đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu rất thấp nên hiệu quả kinh tế không như kỳ vọng. Chính vì vậy đối tác nhập khẩu Hàn Quốc đã không thực hiện cam kết thu mua và cũng không hợp tác tháo gỡ.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, địa phương đã quyết định dừng đề án từ giữa năm 2015 vì sản lượng cá nóc khai thác tại đây tuy nhiều nhưng số lượng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chỉ chiếm không quá 3% trên từng lô. Lý do chỉ có 3 loài cá nóc được phép xuất khẩu là cá nóc răng mỏ chim, cá nóc xanh, cá nóc bạc và kích cỡ phải từ 200 g/con trở lên. Sản phẩm chế biến từ cá nóc chưa đa dạng, chủ yếu xuất khẩu cá nóc nguyên liệu qua bỏ nội tạng, đông lạnh nguyên con nên tỉ lệ có thể xuất khẩu không đáng kể. Ngoài ra, cá nóc xuất khẩu còn phải bảo đảm độ tươi nhưng giá thu mua lại không cao hơn cá tạp nên không khuyến khích ngư dân thu gom, phân loại và bảo quản nguyên liệu sau thu hoạch.

Ông Trần Văn Phú, ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghề cá Việt Nam, đánh giá thị trường Hàn Quốc rất khó tính, đòi hỏi cao về chất lượng do cá nóc nhập khẩu về chủ yếu dùng làm món sushi nên Việt Nam không đáp ứng được. “Sự thất bại này có nguyên nhân chính từ việc khảo sát và đánh giá ban đầu giữa cung và cầu không kỹ, cần phải rút kinh nghiệm trước khi thực hiện những đề án tương tự” - ông Phú nhìn nhận.

Vẫn muốn tiếp tục?

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa, đề án cá nóc được tỉnh thực hiện từ cuối năm 2010. DNTN Phước Thọ (ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đứng ra thu mua và tiêu thụ với các đối tác Hàn Quốc. Sau thành công ban đầu, UBND tỉnh tiếp tục cho phép xuất khẩu loại cá này giai đoạn 2013-2015.

Hiện nay, DNTN Phước Thọ vẫn xuất khẩu cho đối tác Hàn Quốc cá nóc loài Gloverni (cá nóc xanh) từ 10-15 triệu đồng/tấn, loài Inemis (cá nóc vàng) 20-25 triệu đồng/tấn, loài Wheeleri (cá nóc bạc) 25-30 triệu đồng/tấn. Giá này gấp 5-7 lần so với giá bán làm thức ăn gia súc. Do vậy, sở đang kiến nghị lên bộ để tiếp tục xuất khẩu loài cá này.

Theo ông Nguyễn Quốc Bảo Anh, Giám đốc DNTN Phước Thọ, DN xuất khẩu mạnh cá nóc từ năm 2012 đến 2014, mỗi năm xuất khoảng 70 tấn. Năm 2015 do mất mùa nên chỉ xuất khẩu được 30 tấn cá. “Chúng tôi thường xuyên tập huấn cho các tàu cá của ngư dân về loại cá nóc nào thu mua được, loại nào không; cách thức bảo quản; đầu tư hệ thống xử lý, sơ chế cá… Hiện việc xuất khẩu cá nóc đang gặp một số trở ngại nhưng DN vẫn đề xuất tiếp tục thực hiện việc xuất khẩu loài cá này” - ông Anh chia sẻ.

Về phía Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa, ông Võ Thiên Lăng cho rằng việc xuất khẩu cá nóc thực sự chưa mang lại hiệu quả vì ở Khánh Hòa chỉ giới hạn 1 DN xuất khẩu, mặt khác, giá mà Hàn Quốc mua khá thấp, đòi hỏi chất lượng lại cao nên rất khó để phát triển.

Lý giải điều này, theo ông Anh, từ cuối năm 2014 đến 2015, cá nóc mất mùa nên không đủ sản lượng xuất khẩu và kích cỡ không đúng theo yêu cầu của đối tác Hàn Quốc. Ngoài ra, nhiều đối tác cho biết một số DN ở các tỉnh khác hạ giá bán cá để cạnh tranh nên nhiều DN trong nước tham gia đề án bị lỗ.

“DN chúng tôi là đơn vị đầu tiên đề nghị, xúc tiến việc xuất khẩu cá nóc từ năm 2006. Việc xin phép xuất khẩu loài cá này gặp khá nhiều rắc rối, nếu dừng việc xuất khẩu sẽ rất phí công sức mà chúng tôi dày công gầy dựng. Trong khi đó, nhiều đối tác Hàn Quốc vẫn gặp DN đề nghị làm hợp đồng thu mua loài cá này. Việc xuất khẩu loài cá này làm lợi cho ngư dân rất nhiều vì bán được giá cao. Nếu không cho xuất khẩu chính ngạch, việc xuất khẩu tiểu ngạch sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro… Do đó, DN đề nghị vẫn tiếp tục cho phép xuất khẩu loài cá này để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thủy sản. Những tàu, DN khai thác, thu mua cần đăng ký để quản lý tốt chất lượng” - ông Anh cho biết.

Theo Nafiqad, ngoài Khánh Hòa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đề xuất kéo dài thời gian thực hiện đề án nhưng chưa có các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ để phù hợp với tình hình thực tế chất lượng cá nóc Việt Nam nên vẫn quyết định đề nghị dừng.

Đầu bếp rất sợ cá nóc

Ông Trần Văn Phú cho biết thịt cá nóc rất ngon và dân biển Việt Nam vẫn ăn loài cá này bằng cách phơi khô nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra những vụ ngộ độc gây chết người nên nhà nước đã có quy định cấm khai thác, thu mua và tiêu thụ cá nóc. Ở các nước cho phép ăn cá nóc thì phải tuân thủ những quy định rất ngặt nghèo; như tại Nhật Bản, đầu bếp chế biến cá nóc phải học đến 3 năm và được cấp bằng trước khi hành nghề.

Theo chuyên gia ẩm thực Võ Quốc, ngay những nhà hàng được phép phục vụ món cá nóc ở Hàn Quốc, Nhật Bản, sau khi đầu bếp chế biến xong, luôn có bác sĩ thú y tại nhà hàng thử độc tố, nếu có độc thì không mang ra phục vụ khách. Ở Việt Nam, hiện cũng có nhiều nhà hàng chuyên món Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng trong thực đơn chưa có món cá nóc vì chưa bảo đảm các điều kiện an toàn cho thực khách. “Nhìn chung, giới đầu bếp Việt Nam không coi cá nóc là nguyên liệu thực phẩm vì nguy cơ ngộ độc quá cao và cũng hiếm có thực khách muốn thử món ăn này” - ông Quốc nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Ánh - Kỳ Nam (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN