Vì sao xăng dầu vẫn neo giá cao?

Giá dầu thô thế giới đã xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua nhưng giá bán lẻ xăng dầu trong nước hiện cao hơn 5 - 6 nghìn đồng/lít so với thời điểm có giá dầu tương tự cũng như so với thị trường Mỹ hiện nay.

Đắt 5.000-6.000 đ/lít

Ngày 11/12, giá dầu Brent giảm 3,9% xuống còn 64,24 USD/thùng. Trên sàn giao dịch Nymex, giá dầu WTI giao tháng 1/2015 giảm 4,5% còn 60,94 USD/thùng. Đây là mức thấp nhất của giá dầu thô trong vòng 5 năm qua, tính từ tháng 7/2009 đến nay. 

Vì sao xăng dầu vẫn neo giá cao? - 1

Giá bán lẻ xăng dầu sẽ tiếp tục giảm trong mấy ngày tới

Trong khi đó, so với thời điểm tháng 7/2009, giá bán lẻ xăng dầu trong nước hiện cao hơn 5 - 6 nghìn đồng/lít. Cụ thể, sau khi tăng giá từ 1/7/2009, xăng RON 95 của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có giá 14.700 đồng/lít, xăng RON 92 14.200 đồng/lít. Tại thời điểm đó, giá dầu thô bình quân 14 ngày (từ 30/6 đến 13/7) xấp xỉ 64 USD/thùng.  

Thuế, phí chiếm trên 30% giá xăng dầu

Theo tính toán của PV Báo Giao thông, mỗi lít xăng, dầu đang phải “cõng” nhiều loại thuế, phí chiếm tỷ trọng trên 30% giá bán. Cụ thể, tại thời điểm 6/12, với giá thế giới bình quân 15 ngày của xăng RON 92: 81,29 USD/thùng, giá CIF tính giá cơ sở mặt hàng này chỉ 11.100 đồng/lít; song thuế nhập khẩu 27% tương ứng 2.976 đồng/lít; thuế TTĐB 1.400 đồng/lít; thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít; thuế GTGT 1.813 đồng/lít… tổng cộng xấp xỉ 7.200 đồng tiền thuế, phí các loại trong tổng mức giá bán lẻ 20.500 đồng/lít (34%). Các mặt hàng khác như diesel, dầu hỏa, mức thuế, phí thấp hơn, song cũng chiếm tỷ trọng quanh  mức 30%...

So với 5 năm trước, giá cơ sở hiện nay có nhiều thông số khác biệt: Tỷ giá thời điểm đó dao động ở mức 17 nghìn đồng/USD; Thuế xuất nhập khẩu xăng, diesel 20%; thuế madut 25%; Ddầu hỏa 30%… Ngoài ra, giá cơ sở thời điểm tháng 7/2009 còn phải “cõng” thêm khoản tạm ứng từ ngân sách 1 nghìn tỷ đồng đối với mặt hàng xăng mà Bộ Tài chính đã tạm ứng cho doanh nghiệp vay để xử lý lỗ từ 2007-2008. Còn hiện tại, tỷ giá tăng lên trên 21.200 đồng/USD; thuế xăng 27%; diesel 23%; dầu hỏa 26%; chưa tính một số loại phí khác. Như vậy, so với 5 năm trước, ngoài yếu tố tỷ giá, giá xăng dầu hiện tại đang phải neo ở mức cao còn do mức thuế mới đây tăng mạnh. 

Mặc dù vậy, trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, sức mua thị trường yếu, chính sách giá xăng dầu phải đảm bảo hài hòa lợi ích chung của nền kinh tế cũng như người tiêu dùng. Bởi giá xăng dầu tại Việt Nam hiện vẫn ở mức cao so với mặt bằng giá bán lẻ tại một số nước trên thế giới. Đơn cử như tại thị trường Mỹ, báo USA Today cho biết, hiện giá xăng trung bình chỉ còn 2,64 USD/gallon, tương đương 14.600 đồng/lít. Với việc giá dầu thô WTI trên sàn giao dịch Nymex còn 60,94 USD/thùng ngày 11/12, giá bán lẻ mặt hàng này tại Mỹ chắc chắn sẽ còn hạ thấp hơn nữa.

Sẽ giảm trong 7-10 ngày tới

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước bao giờ giảm và mức giảm ra sao? Trao đổi với Báo Giao thông, Tổng Giám đốc Saigon Petro Đặng Vinh Sang cho biết, giá trong nước chắc chắn sẽ phải giảm, tối đa trong 10 ngày nữa. Bởi theo quy định mới, thời gian giữa hai lần điều chỉnh xăng dầu liên tiếp tối thiểu 15 ngày (trong trường hợp tăng giá) và tối đa 15 ngày (giảm giá). Trong khi đó, thời điểm giá xăng dầu giảm gần đây nhất là 6/12. Như vậy, tối đa đến 20/12, mặt hàng này phải giảm. Tuy nhiên, nếu giá thế giới tiếp tục lao dốc, thời điểm giảm giá còn có thể rút ngắn hơn nữa. “Còn mức giảm bao nhiêu phải căn cứ vào diễn biến giá thế giới những ngày tiếp theo cũng như mức giá cơ sở của Bộ Công thương”, ông Sang nói. 

Tuy nhiên, Phó Tổng giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn khác nhận định, mức giảm giá bán lẻ xăng dầu tới đây sẽ không nhiều, vì thuế suất nhập khẩu mặt hàng này vừa tăng mạnh. Ông cũng chia sẻ thêm, giá thế giới giảm, doanh nghiệp phải giảm giá bán lẻ nhưng thực tế cũng “méo mặt” vì lỗ. Ông giải thích, một số doanh nghiệp lớn lúc nào cũng phải duy trì lượng xăng dầu đủ cho 30 ngày lưu thông, do vậy, lượng hàng nhập thời điểm giá cao rất lớn. Ông chia sẻ: “Lỗ nằm ở lượng hàng tồn kho giá cao nhưng đến ngày vẫn phải giảm thôi”.

Việc tăng thuế nhập khẩu xăng dầu phải chăng để bù đắp phần hụt thu ngân sách do dầu thô xuất khẩu giảm giá? Và như vậy, quyền lợi của doanh nghiệp, người tiêu dùng có phần đặt sau lợi ích Nhà nước, thay vì phải cân đối, hài hòa? Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, việc tăng thuế này phù hợp với diễn biến thị trường thế giới. “Tuy nhiên, cơ chế điều hành vẫn phải đảm bảo giá liên thông, nghĩa là giá thế giới giảm thì trong nước cũng phải giảm theo và ngược lại”, ông Tuấn cho biết thêm, giá dầu thô của Việt Nam xuất khẩu năm 2014 tính bình quân vẫn trên 100 USD/thùng so với giá dự toán 98 USD/thùng. Do vậy, thu ngân sách năm 2014 vẫn đạt 112% so với dự toán.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thảo Nguyên (Giao thông vận tải)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN