Vì sao đại gia cà phê ngoại tháo chạy khỏi Việt Nam?

Nhiều đại gia cà phê và thức ăn nhanh đang dần rút khỏi Việt Nam.

Thâm nhập vào Việt Nam cách nay bảy năm, NYDC - chuỗi cửa hàng cà phê và món tráng miệng theo phong cách Âu Mỹ vừa chính thức nói lời tạm biệt với thực khách Việt. Sự kiện NYDC đóng cửa cửa hàng cuối cùng ở Việt Nam khiến nhiều người yêu thích cà phê, ẩm thực xôn xao.

Trước đó, NYDC từng bày tỏ tham vọng sẽ mở 20 cửa hàng trong vòng năm năm với vốn đầu tư khoảng 300.000 USD cho mỗi cửa hàng, chi nhánh. Tuy nhiên, giấc mơ đánh chiếm thị trường Việt Nam kiểu “chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh KFC” của đại gia Singapore đã không thể thành hiện thực.

Rút lui, thu hẹp quy mô

Nguyên nhân khiến NYDC phải rời Việt Nam được một số chuyên gia lý giải là do giá cả mặt bằng ngày càng leo thang, doanh thu không thể bù đắp được so với chi phí bỏ ra. Mặt khác, người tiêu dùng Việt ngày càng khó tính. hãng này gặp khó khi phải cạnh tranh khốc liệt với chuỗi quán cà phê Việt như Tây Nguyên, Phúc Long, The Coffee House, Urban Station, Trung Nguyên, Kafe… xuất hiện rầm rộ trong thời gian gần đây. Đó là chưa kể thương hiệu Starbucks nổi tiếng của Mỹ cũng đang phát triển rầm rộ.

Là khách hàng một thời của NYDC, anh Hoàng Minh nhà ở quận 1, TP.HCM nói: “Thời gian đầu, sự sang trọng, mới mẻ của NYDC đã thu hút nhiều khách. Song món ăn và thức uống tại đây khá đắt so với túi tiền của đại đa số người dân Sài Gòn. Thế nên khi các chuỗi cà phê mới ra đời với thức uống ngon, giá hợp lý thì nhiều người chia tay NYDC”.

Nhưng không chỉ NYDC, nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới cũng chịu chung số phận khi phải ngậm ngùi rời khỏi Việt Nam hoặc thu hẹp quy mô hoạt động. Đơn cử như Burger King, Gloria Jeans, Tea Leaf...

Vì sao vậy? Nhiều chuyên gia thực khách đều có chung nhận xét: Dù mở sau nhưng các chuỗi cửa hàng cà phê Việt đã nhanh chóng chiếm thị phần ngày càng lớn nhờ ưu thế giá tốt và không gian thoải mái. Chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng phân tích thêm chiến lược của những chuỗi quán cà phê của Việt Nam mới nổi lên và khá thành công trong thời gian gần đây như Coffee House, Phúc Long, Urban Station… dựa trên nền tảng thấu hiểu thói quen tiêu dùng của người Việt. Đặc biệt là những mô hình này đem lại cho người tiêu dùng những trải nghiệm mới. 

“Mỗi chuỗi quán Việt đang nổi lên đều có những phần lõi khác biệt giúp họ có thể cạnh tranh với những ông lớn nước ngoài” - ông Tùng nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, một số chuyên gia trong ngành cho rằng: “Tuy đối thủ ngoại có lợi thế về vốn, kinh nghiệm nhưng giá cả cao là vấn đề của họ. Điều này lý giải vì sao có khách một tháng chỉ có thể đến vài lần, trong khi chuỗi cà phê Việt Nam rẻ hơn nên họ có thể đến mỗi ngày” - một chuyên gia phân tích.

Vì sao đại gia cà phê ngoại tháo chạy khỏi Việt Nam? - 1

Cuộc cạnh tranh về chuỗi quán cà phê đang diễn ra khốc liệt. Trong ảnh: Khách đang uống cà phê tại coffeebike plus. Ảnh: TU

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt?

Sự tháo chạy và co cụm của các đối thủ ngoại liệu có là cơ hội cho doanh nghiệp (DN) trong nước? Liệu các DN Việt đã thắng thế đối thủ ngoại? Trả lời câu hỏi này, đại diện một DN không muốn nêu tên cho rằng khó có câu trả lời dứt khoát, rạch ròi về vấn đề này.

“Theo tôi, không có bên nào có ưu thế tuyệt đối cả. Mỗi chuỗi quán có phong cách riêng và có lợi thế trong một thời điểm nhất định. Dù thời điểm này một số chuỗi cà phê của DN Việt thắng thế và đây là tín hiệu tốt cho thương hiệu địa phương cạnh tranh trong phân khúc cà phê cao cấp. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ tiếp tục thắng thế trong thời gian tới nếu họ không nắm bắt được nhu cầu liên tục thay đổi của thực khách” - đại diện DN này phân tích.

Đề cập thêm về vấn đề này, ông Lý Trường Chiến, chuyên gia thương hiệu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tri Tri group, nhận xét thêm mặc dù một số DN Việt có lợi thế về am hiểu văn hóa nhưng DN ngoại tốt hơn về chuỗi quản lý. DN Việt cũng thua trong thương mại dịch vụ. “Chúng ta nhìn thấy xuất hiện nhiều quán cà phê Việt không chuẩn về chuỗi và quản lý chuỗi. Trong khi chuỗi cà phê ngoại như Highland quản lý chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt hơn”.

Để khắc phục những khiếm khuyết trên và đánh chiếm thị phần, nhiều chuyên gia cho rằng DN Việt phải biết cách thay đổi, thường xuyên nắm bắt xu hướng thiết kế mới, cập nhật thức uống mới… để đáp ứng kịp thời thị hiếu thực khách. Đặc biệt là phải tạo ra sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh. Nếu không làm mới mình thì sẽ còn nhiều thương hiệu nổi tiếng buộc phải rời khỏi sân chơi này, không chỉ có các DN ngoại.

Chào tạm biệt

Mới đây, trên địa chỉ mạng xã hội của mình, NYDC đã để dòng chữ “Gửi lời chào tạm biệt. Hẹn gặp lại các bạn một ngày không xa”. Theo đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường TNS, việc đóng cửa của chuỗi cà phê NYDC đã gây ra một cuộc tranh luận về khả năng cạnh tranh của các thương hiệu quốc tế thị trường cà phê cao cấp tại Việt Nam.

“Sự thành công hay thất bại của các thương hiệu là những bài học kinh nghiệm cho các DN trong nước và quốc tế mới gia nhập thị trường học hỏi. Đó là mô hình kinh doanh nhỏ có khả năng thích ứng và có thể thành công khi tối ưu hóa được giá bán lẻ để mang đến cho khách sự hài lòng về trải nghiệm” - TNS khuyến cáo.

Cà phê hòa tan tăng trưởng tốt

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc phát triển kinh doanh công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, đánh giá thị trường cà phê duy trì tăng trưởng 3% ở thành thị và 11% ở nông thôn phần lớn nhờ vào cà phê hòa tan. Cà phê rang xay và cà phê hòa tan chiếm tỉ trọng ngang bằng nhau ở thành thị (40-40) trong khi cà phê hòa tan chiếm 2/3 thị trường ở nông thôn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phi Long, Tổng Giám đốc điều hành Nam Long coffee, cho hay tốc độ tăng trưởng mỗi năm của cà phê hạt dành cho các chuỗi cà phê Việt Nam lên đến 300%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Uyên (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN