Vạch mặt táo đá mini khi đang làm mưa gió trên thị trường?

Sự kiện: Kinh Doanh

Cần cẩn trọng khi ăn những quả táo đá mini đỏ xinh, tươi nguyên cuống lá, có cả sâu ăn lỗ chỗ...

Táo đá mini là táo Trung Quốc?

Tin đồn mùa này ở Quản Bạ, Mèo Vạc (Hà Giang) là mùa táo đá của đồng bào dân tộc trồng đang chín đã rất thu hút khách du lịch.

Họ truyền miệng rằng, táo đá mini này được trồng ven đường đi, trên các vách đá cheo leo, quả tuy nhỏ, nhưng ăn giòn, vị ngọt thơm, hái xong là cho lên ô tô chuyển đi luôn, nên còn nguyên cành, lá.

Trên các shop hoa quả online và mạng xã hội, táo đá mini được coi là của Hà Giang chính hiệu, được người tiêu dùng hết sức ưa chuộng từ năm ngoái - khi táo mới xuất hiện trên thị trường.

Nhiều lời quảng cáo về loại táo này, chủ yếu khẳng định nguồn gốc được trồng ở vùng núi cao Quản Bạ, Mèo Vạc không thuốc bảo quản, táo sạch... Có những shop trái cây online còn chụp ảnh giới thiệu cả vườn táo để tăng độ tin tưởng.

Vì giá táo đá rẻ, loại trung bình 25.000 - 30.000 đ/kg, dễ ăn nên hầu hết các bà nội trợ ưu tiên mua về ăn tươi tráng miệng, làm sinh tố, nước ép, hoặc bổ hạt lựu trộn với sữa chua…

Sang mùa táo đá mini năm nay, một số thương lái hoa quả chuyên nghiệp đã bật mí rằng, họ đã tới những trang trại trồng táo cách cửa khẩu Thanh Thủy khoảng 100km, tự tay hái táo ở vườn về bán cho thị trường Việt Nam. Không có kiểm chứng, nhưng thương lái cho rằng đó là loại táo an toàn, không thuốc bảo vệ thực vật.

Vậy là nguồn gốc táo đá mini không phải ở Việt Nam. Và từ năm ngoái tới nay thương lái đã đánh vào tâm lý người tiêu dùng thích hoa quả an toàn Việt Nam, đã “hô biến” cho táo đá mini giả danh thương hiệu trồng ở Hà Giang để lừa người tiêu dùng.

Vạch mặt táo đá mini khi đang làm mưa gió trên thị trường? - 1

Hình minh họa

Vì sao nhiều người “vạch mặt” táo đá mini Hà Giang?

Năm ngoái khi táo đá mini được cho là của Hà Giang làm mưa làm gió trên thị trường, ông Giang Đức Hiệp, Trưởng phòng Trồng trọt Sở NN&PTNT Hà Giang đã thông tin rộng rãi trên truyền thông rằng: Trên địa bàn Hà Giang không trồng táo đá này, bởi khí hậu, thổ nhưỡng của Hà Giang không phù hợp để trồng táo.

Năm nay chia sẻ trên báo Chất lượng Việt Nam, ông Nguyễn Đức Vinh - Giám đốc sở NT&PTNN tỉnh Hà Giang cho rằng, Hà Giang hiện tại không trồng bất cứ loại táo nào có tên là táo đá Hà Giang như thị trường, hay các phương tiện truyền thông đưa tin.

Cũng trên Chất lượng Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Hà Giang) cho biết: Loại táo này cũng được bán khá nhiều trên địa bàn tỉnh Hà Giang, nhưng các cơ sở kinh doanh buôn bán đều khẳng định đây là táo nhập từ Trung Quốc.

Cơ quan chức năng nhận định, táo đá mini gắn mác Hà Giang đang được bán tràn lan trên các chợ, mạng xã hội... có nguồn gốc ôn đới, nhập về từ các đường tiểu ngạch đường giáp biên Trung Quốc và qua các cửa khẩu. Các tỉnh lân cận cũng chưa trồng loại táo này.

Đã có những người dân ở Quản Bạ - nơi được cho là trồng táo đá mini Hà Giang chia sẻ, đặc trưng khí hậu, thổ nhưỡng Hà Giang khó mà trồng được táo để bán. Cũng chưa thấy báo đài nào đưa tin người dân Quản Bạ làm giàu từ táo, nhưng không hiểu chủ hàng lấy đâu ra lắm táo đưa vào nội địa bán.

Sở dĩ cơ quan chức năng Hà Giang “vạch mặt” táo đá mini Hà Giang từ năm ngoái trên các diễn đàn xã hội và truyền thông là bởi họ lo ngại loại táo đá mini Trung Quốc gắn mác Hà Giang đó kém chất lượng, hoặc chỉ cần phát hiện trong táo có hóa chất – thì người tiêu dùng sẽ quay lưng với nông sản Hà Giang, và cả những sản phẩm chân chính khác của người Hà Giang làm được.

Về lâu dài còn ảnh hưởng đến uy tín của người nông dân và những nông sản của Hà Giang.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải - người rất nặng tình khi giúp nông dân Hà Giang đưa đặc sản cam Hà Giang ra thị trường - thì cây tào cần trồng ở đất thịt mới cho quả ngon, quả tốt. Còn Mèo Vạc của Hà Giang và vùng phụ cận múi đá tai mèo như sóng, là cao nguyên đá, không có đất nên không thể trồng táo được.

Trước đây người buôn bán đã đem táo về thị trường nội địa, nói đó là táo Lạng Sơn, táo Sa Pa, nhưng những vùng đó cũng không trồng được táo.

Vì vậy, người tiêu dùng hãy tỉnh táo, đừng để thương lái “dắt mũi”, vì mọi thiệt thòi đều thuộc về người dân. Hãy là người tiêu dùng thông minh, cần tìm hiểu xuất xứ hàng hóa rõ ràng, đừng dựa vào lời nói của người bán là “hoa quả Việt Nam, của nhà trồng được” là bỏ tiền mua.

Đây cũng là lời cảnh báo người tiêu dùng để cảnh giác với những món hàng đội lốt “tự trồng, tự nuôi được nên rất an toàn”.

Cách khử độc dân dã

Trong khi cơ quan chức năng chưa xác định được rõ nguồn gốc, chất lượng táo đá mini giả danh táo đá Hà Giang, thì cư dân mạng chia sẻ nhau những cách khử độc đơn giản, phần nào thải bớt độc tố (nếu có) trong táo.

- Trước hết cần mua táo an toàn và chất lượng bán trong các siêu thị, cửa hàng nhập khẩu uy tín, có thương hiệu. Tránh mua táo bán rong không rõ xuất xứ, nguồn gốc.

- Táo đá mua về rửa kỹ từng quả táo, ngâm vào chậu nước muối 5-10 phút. Làm thế có thể ăn cả vỏ vừa giòn, ngon ngọt, thơm mát.

- Hoặc mua táo đá về pha loãng 10% dấm trắng với 90% nước, thả táo ngập vào nước đó 10 phút, rồi vớt ra rửa lại với nước đun sôi để nguội. Dấm có tính kháng khuẩn mạnh, loại bỏ được vi trùng, hóa chất bám trên bề mặt hoa quả nhiều nhất.

- Mua táo về cần rửa thật sạch trước khi gọt vỏ. Ngâm miếng táo vào nước ấm hòa ít nước cốt chanh để miếng táo không thâm sau khi bổ.

- Nếu muốn để lâu, hãy bọc vào túi nhựa đục lỗ, buộc lại, để ngăn mát tủ lạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Hà (Gia đình & Xã hội)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN