Từ chuyện cơn sốt chuối đỏ siêu lạ 600.000 đồng/kg
Gần đây sau cơn sốt xoài đỏ Nhật Bản, trên thị trường lại nổi lên giống chuối đỏ có xuất xứ từ nước ngoài siêu lạ với giá 600.000 đồng/kg.
Cơn sốt giống chuối đỏ của... Tây
Là đặc sản ở vùng Trung Mỹ và có mặt tại nhiều nơi khác trên thế giới, khi đến Việt Nam, chuối đỏ hay còn gọi là chuối Dacca gây sốt và trở thành một trong những sản phẩm có giá cao trên thị trường, rao báo với mức giá từ 500.000 đồng/kg.
Kích cỡ quả nhỏ hơn chuối thông thường, nhưng vỏ dày màu đỏ đậm, thịt chuối mềm, ngọt và có vị thơm nhẹ.
Một trang quảng cáo giống chuối đỏ Dacca cho biết khoảng hơn 600.000 đồng/ kg.
Theo tìm hiểu tại một số điểm bán giống trên mạng, giống chuối đỏ được bán ở dạng hạt và dạng cây ươm sẵn được giới thiệu có xuất xứ từ Úc.
Mỗi cây chuối đỏ con (cao từ 15-20 cm) có giá lên đến 200.000 đồng còn dạng hạt có giá 220.000 đồng/gói nhưng kỹ thuật gieo hạt tương đối khó. Tức cao hơn gấp nhiều lần so với cây giống của chuối xanh thông thường.
Cây giống loại chuối đỏ Dacca được rao bán với mức giá 200.000 đồng.
Mới đây trong một hội chợ của ngành nông nghiệp diễn ra tại TP HCM, giống chuối đỏ lạ lùng có mức giá "đắt xắt ra miếng", lại được bán với mức giá khoảng 40.000 đồng một nải.
Ông Mã Dương (Bình Phước), chủ nhân buồng chuối đỏ lý giải sức hút của loại chuối này, là ở màu sắc lạ, mẫu mã đẹp, khi chín ngả màu tím đỏ, ăn ngon nên được nhiều người yêu thích. Có lẽ chính vì điều này, nên giá chuối đỏ Dacca thường được đẩy lên cao so với thực tế.
Đồng thời, theo lời của chủ vựa ở tỉnh Bến Tre đang trồng loại chuối này cho biết, chuối đỏ khó trồng hơn so với các giống khác, phải mất 12-18 tháng mới cho trái, mỗi buồng tỷ lệ nải thấp chứ không nhiều như ở các nước khác trên thế giới
Được biết, loại chuối này hiện được một số nhà vườn Đà Lạt và miền Tây cung cấp cả cây giống lẫn hàng thương phẩm. Tuy nhiên, theo đánh giá của giám đốc một công ty xuất khẩu chuối ở Đồng Nai lượng chuối thương phẩm được đưa ra thị trường còn khá ít, chưa thực sự rộng rãi. Do đó nếu muốn phát triển giống chuối này, người trồng nên chắc chắn được đầu ra của sản phẩm.
... Sự lãng quên giống chuối lửa của người đồng bào Tây Nguyên
Từ câu chuyện cơn sốt giống chuối đỏ Dacca từ trời tây qua thị trường Việt, có lẽ nhiều người tiêu dùng cũng như chủ các vườn cây giống đã quên đi một giống chuối lửa- đặc sản của vùng đất Tây Nguyên.
Chuối lửa có màu sắc tương đồng như giống chuối Dacca đang gây sốt. Ảnh: H' Djuang Niê
Chuối lửa, hay còn có tên khác là chuối tím (thường gọi theo tiếng Êđê là M’tei pui) được biết đến là một giống chuối “cổ” ở Tây Nguyên. Cũng sở hữu màu sắc đặc biệt tím đỏ, hoặc cam đỏ, hương vị thơm ngon nhưng có lẽ loại chuối này chưa có vị trí trên thị trường tiêu dùng.
Cận cảnh giống chuối lửa- đặc sản Tây Nguyên. Ảnh: H' Djuang
Theo chị H' Djuang Niê (người dân tộc Ê Đê, sống tại xã Cuôr Đăng, huyện Cư M'gar, tỉnh Đăk Lăk): "Chuối lửa có đặc điểm là thời gian từ lúc trổ buồng đến lúc quả chín lâu hơn so với các loại chuối khác khoảng hơn 2 tháng. Không ai biết rõ nguồn gốc của giống chuối lửa này bắt nguồn từ đâu, chỉ biết là đặc sản của người dân tộc bản địa nơi đây".
Giống chuối lửa mang màu tím nhạt đặc biệt. Ảnh: DN
"Điều đặc biệt ở giống chuối lửa là phần thân cây chuối cho đến buồng chuối non cũng mang màu tím nhạt đến khi già và gần chín trái chuối mới chuyển sang màu cam đỏ hoặc tím đỏ như lửa rất bắt mắt. Điều đáng tiếc là giống chuối này chỉ được trồng và tiêu thụ cho gia đình, do đó chuối lửa không được nhiều người biết đến", chị Djuang cho biết thêm.
Theo những người dân tộc Ê Đê tại Đăk Lăk, thịt chuối có mùi thơm đặc biệt, thịt chuối nhiều, quả to hơn so với thông thường, vị không quá ngọt phù hợp cho người ăn kiêng.
Tuy nhiên do số lượng chuối thành phẩm còn ít, nên mức giá chuối lửa được bán ra thị trường ở giá khá cao trung bình từ 50.000- 80.000 đồng/nải tùy số lượng quả (từ 14-20 quả/ nải), thậm chí thậm chí còn cao hơn nữa trong các dịp lễ, tết.
Hi vọng rằng, trong thời gian tới, giống chuối lửa đặc sản của vùng đất Tây Nguyên sẽ phát triển, bởi chất lượng của chúng không thua kém gì so với các loại chuối thông thường. Việc phát triển giống chuối địa phương vừa duy trì được nét văn hóa bản địa lại tạo dấu ấn đặc sản cho vùng miền trên đất nước.