Thực phẩm nhiễm kháng sinh: Khó trị!

Tình trạng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi chẳng những không được cải thiện mà ngày càng phức tạp.

“Chống chất kháng sinh” là chủ đề được Tổ chức Người tiêu dùng thế giới (Consumer International - CI) chọn cho ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới năm nay trước việc kháng sinh đang bị lạm dụng để tăng năng suất nuôi trồng dẫn đến tồn dư trong thực phẩm.

50% thuốc kháng sinh dùng trong chăn nuôi

Theo ông Đỗ Ngọc Chính, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng (Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - Vinatas), ban đầu thuốc kháng sinh được sáng chế để chữa bệnh cho con người nhưng hiện có đến 50% số thuốc này trên thế giới lại được dùng trong nông nghiệp, nhất là chăn nuôi. “Nếu có đầy đủ thông tin về chăn nuôi công nghiệp hiện nay thì mọi người sẽ hết sức cân nhắc khi sử dụng thịt các loại vì các nhà chăn nuôi, không chỉ Việt Nam mà  cả trên thế giới, đang lạm dụng chất kháng sinh nói riêng và hóa chất nói chung để gia tăng sản lượng một cách phi tự nhiên. Việc dùng thuốc kháng sinh bừa bãi như vậy sẽ dẫn đến việc xuất hiện những vi khuẩn có tính năng kháng thuốc cao hơn, vô hiệu hóa các thuốc kháng sinh mà con người đã tìm ra, đẩy loài người vào những dịch bệnh thảm khốc. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã cảnh báo tình trạng nguy hiểm này” - ông Chính nhấn mạnh.

Thực phẩm nhiễm kháng sinh: Khó trị! - 1

Người tiêu dùng không thể phân biệt đâu là thịt nhiễm chất kháng sinh Ảnh: Tấn Thạnh

Theo ông, để an toàn cho người tiêu dùng, CI đã vận động các nhà bán thực phẩm lớn trên thế giới cam kết không thu mua thịt từ các trang trại sử dụng chất kháng sinh nhưng mới có 2 hãng đồng ý song vẫn chưa đưa ra lộ trình thực hiện. Do vậy, cuộc đấu tranh chống sử dụng chất kháng sinh trong chăn nuôi vẫn hết sức cam go.

Từ năm 2011 đến nay, Vinatas đã tiến hành 2 cuộc khảo sát độc lập, kết quả cho thấy tỉ lệ thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm nhóm beta-agonist (chủ yếu là salbutamol, clenburetol vốn là thuốc được dùng chữa hen suyễn cho người) trong thức ăn chăn nuôi là 10% và 33% trong thịt heo. Kết quả này đã gây rúng động dư luận. Tuy nhiên, sau nhiều năm, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không được cải thiện mà còn trở nên trầm trọng.

Đầu năm 2014, trong đợt lấy mẫu giám sát chất lượng trên thịt heo do Chi cục Thú y TP HCM thực hiện đã phát hiện 13/30 (chiếm hơn 43%) mẫu có hàm lượng kháng sinh sulfadimidin vượt giới hạn cho phép. Đến năm 2015, vẫn phát hiện tồn dư kháng sinh sulfadimidin vượt quy định. Không chỉ trong thịt heo, một số kháng sinh khác như enrofloxacin và flofenicol cũng bị phát hiện tồn dư trên thịt gà.

Vi phạm tràn lan

Theo Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản (Nafiqad), tình trạng lạm dụng chất kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh thủy sản cũng đang ở mức báo động. Nhận định này được đưa ra trên số liệu giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) thủy sản xuất khẩu, vốn tốt hơn hàng tiêu thụ nội địa. Theo số liệu thống kê năm 2015, 194 lô (tăng 7 lô so với năm 2014) hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo vi phạm quy định ATTP. Trong đó, số lô bị phát hiện nhiễm kháng sinh/chất cấm vượt mức cho phép gần 50%. Kết quả lấy mẫu kiểm nghiệm, thẩm tra ATTP đối với thủy sản xuất khẩu cho thấy tổng số lô hàng không đạt yêu cầu là 528, tương đương 2,7% tổng số lô hàng kiểm tra (năm 2014, tỉ lệ này chỉ 0,5%).

Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu do công tác kiểm soát việc lưu thông chất cấm/chất không nằm trong danh mục cho phép và kiểm soát việc lạm dụng hóa chất kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, việc vận hành hệ thống kiểm soát theo HACCP (phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn), ngăn ngừa tồn dư hóa chất của các doanh nghiệp chưa được quan tâm.

Kết quả giám sát ATTP các tháng đầu năm 2016 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM công bố cho thấy tỉ lệ mẫu thủy sản phát hiện dư lượng, hóa chất cấm sử dụng vẫn cao, đến 31% (41/131 mẫu).

Yếu kém trong quản lý

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM, Việt Nam còn yếu kém trong kiểm soát nông sản thực phẩm, bao gồm kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng, hormone trong sản phẩm động vật, thủy sản, sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi. Đối với thị trường lớn như TP HCM càng gặp khó khăn trong kiểm soát bởi nạn vận chuyển trái phép thịt bẩn. Trong khi đó, việc phân công quản lý lại theo ngành, lãnh thổ nên TP HCM hầu như chỉ quản lý được phần “ngọn”, gốc là nơi nuôi trồng ở các địa phương khác nên khó quản lý được. Vì vậy, trong Đề án chuỗi thực phẩm an toàn, TP HCM thí điểm quản lý, giám sát cả chuỗi từ đánh bắt, nuôi trồng, sơ chế, giết mổ đến kinh doanh nhiều sản phẩm như rau, trứng, thịt,… và công bố hơn 300 điểm bán thực phẩm an toàn tại TP HCM.

Trong bối cảnh cơ quan quản lý chưa kiểm soát được toàn bộ thực phẩm trên thị trường, bà Mai khuyến cáo người tiêu dùng nên mua thực phẩm có nguồn gốc, nơi đã được cơ quan nhà nước kiểm soát (quầy, sạp trong chợ, cửa hàng, siêu thị,…), không nên mua hàng rong, xung quanh chợ.

Theo ông Đỗ Ngọc Chính, thực phẩm liên quan chặt chẽ đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống cho thế hệ hôm nay và tương lai. Vì vậy, người tiêu dùng nên chú trọng đến chất lượng thực phẩm được tiêu dùng; tỏ thái độ rõ ràng trong việc lựa chọn thực phẩm, trong đó có việc tẩy chay những thực phẩm không đạt chuẩn.

Sao nhập cái người ta không ăn?

Về thịt gà nhập khẩu từ Hàn Quốc (chính ngạch) và Trung Quốc (tiểu ngạch), TS Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết đây chủ yếu là gà đẻ thải loại. Theo ông, trong vòng đời từ 12-15 tháng, gà được tiêm rất nhiều kháng sinh. Chất độc này sẽ tích tụ trong thịt, xương. Đã có nhiều báo cáo khoa học chỉ rõ tác động xấu đối với sức khỏe con người nếu sử dụng loại thịt này. “Người Trung Quốc, Hàn Quốc mặc dù tương đồng về văn hóa, ẩm thực với Việt Nam nhưng họ không ăn gà thải loại, trong khi nhập khẩu vào nước ta khá nhiều. Thà ăn cơm với rau, muối vừng, chứ tôi không bao giờ ăn thịt gà thải loại” - ông Chinh dứt khoát.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Ánh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN