Thép ngoại “tấn công” thép nội

Hàng triệu tấn thép nhập khẩu từ các nước ASEAN và Trung Quốc đang khiến ngành thép trong nước sống dở chết dở.

Báo động nhập siêu thép

Năm thứ 4 liên tiếp, ngành vật liệu xây dựng nói chung và ngành thép nói riêng rơi vào tình cảnh chợ chiều do thị trường bất động sản đóng băng kéo dài. Thế nhưng có một nghịch lý đang diễn ra: lượng thép nhập khẩu từ các nước láng giềng đang tràn vào, năm sau luôn cao hơn năm trước khiến ngành thép trong nước càng thêm điêu đứng.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tình hình tiêu thụ thép xây dựng thời gian qua giảm khá mạnh, cao nhất trong 10 năm qua. Đáng chú ý, dù các công ty đã giảm sản xuất đến 10% nhưng lượng sản phẩm thép xây dựng tiêu thụ lại giảm 17% và hàng tồn kho tăng cao. Trong khi đó, tính đến thời điểm này chỉ riêng sản lượng thép dẹp nhập khẩu đạt 2,57 triệu tấn, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về tổng quan, dù thép xuất khẩu đạt kim ngạch khoảng 995 triệu USD, nhưng kim ngạch nhập khẩu lên đến 4,22 tỷ USD, dự kiến cả năm đạt 7 tỷ USD. Trong đó, chỉ tính riêng Trung Quốc, trong 9 tháng qua đã nhập khẩu vào Việt Nam hơn 5 triệu tấn thép các loại. Thép xây dựng, Trung Quốc xuất khẩu qua Việt Nam 500.000 tấn, dự kiến cả năm xấp xỉ 1 triệu tấn, tương đương gần 30% năng lực tiêu thụ của cả nước. Đối với thép phi 8 và phi 12, lượng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 557% so cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, hiện thép Việt Nam đang tồn kho hơn 330.000 tấn. “Cứ đà này thép Việt Nam còn tồn kho nhiều nữa và ngành thép sẽ gặp nguy, vì thép nhập khẩu rẻ hơn”, ông Cao Văn Hồng, Giám đốc Công ty TNHH TM XNK Loan Hồng, chuyên kinh doanh thép tại quận Bình Tân TPHCM nói.

Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường cho rằng, thách thức lớn nhất của ngành thép hiện nay “vừa thừa vừa thiếu”. Hiện lượng thép cán xây dựng, thép cuộn cán nguội sản lượng cao hơn nhiều so với lượng tiêu thụ. Trong khi đó, thép cán nóng, thép chế tạo, các loại thép không gỉ phần lớn phải nhập khẩu. Chính vì vậy, dù nhìn thấy thực trạng trên nhưng tình trạng nhập siêu chưa thể chấm dứt, thậm chí còn kéo dài trong nhiều năm tới.

Cần hạn chế thép nhập khẩu

Tổng Giám đốc Công ty Thép Pomina Đỗ Duy Thái cho biết trong thời điểm hiện nay, không chỉ ngành thép Việt Nam, mà các nước như Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan... cũng đứng trước sức ép nặng nề của thép nhập khẩu từ Trung Quốc ùa vào. Theo ông Đỗ Duy Thái, trong những thời điểm dầu sôi lửa bỏng như hiện nay, các nước đều gặp khó khăn trong đầu tư, hàng tồn kho tăng cao thì việc xuất khẩu không hề dễ dàng. Nguyên nhân, các nước đều tung ra nhiều chính sách hành chính để bảo vệ ngành thép nội địa.

Cụ thể, đối với các thủ tục nhập khẩu vào nước họ cho các đối tác doanh nghiệp thép của nước khác thường rất nhiêu khê, thậm chí kéo dài 50 đến 60 ngày. Điều này nhằm làm nản lòng đối tác, đồng thời làm mất cơ hội khi nhập khẩu thép vào nước họ, vì không thể tính toán được mức độ biến động của giá cả hàng hóa. Ngoài ra, đối với chính sách chống bán phá giá, các nước thường thấy đối tác tăng lượng hàng nhập khẩu từ mức 5% là đã bị ngăn chặn bởi rào cản này và thường kéo dài thời gian điều tra để hạn chế hàng nhập khẩu, bảo vệ hàng nội địa.

Còn tại Việt Nam, dù lượng thép nhập khẩu của Trung Quốc tăng trưởng mấy trăm phần trăm hàng năm, với những thủ đoạn lách thuế 15% xuống 5% (nhập khẩu thép xây dựng nhưng khai báo thép làm que hàn - PV) nhưng không hề bị lực lượng chức năng phát hiện và đưa ra biện pháp ngăn chặn!

Theo VSA, thực hiện cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), từ năm 2014 trở đi, khi Việt Nam thực hiện cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu thép xuống còn 0%-5% và theo cam kết khu mậu dịch tự do trong khuôn khổ hiệp định ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung CEPT/AFTA từ năm 2006 Việt Nam có 5.000 dòng thuế chỉ còn 0%-5%, trong đó có thép và đến năm 2015 chỉ còn mức 0%. Vì vậy, trong tương lai ngành thép Việt Nam sẽ phải đối mặt với khó khăn, thách thức lớn hơn hiện nay.

Do đó, giải pháp trước mắt nhằm hạn chế việc nhập khẩu sản phẩm thép mà trong nước đang dư thừa cũng như góp phần giảm nhập siêu, lực lượng hải quan cần kiểm tra rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm thép trước khi thông quan.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương sớm có những biện pháp hạn chế nhập khẩu các mặt hàng mà thị trường trong nước đã đáp ứng đủ hoặc đang dư thừa như thép xây dựng, tôn mạ, thép cán nguội, ống thép hàn... Đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường để xuất khẩu sản phẩm thép, giảm bớt áp lực dư thừa trong nước, thu hẹp khoảng cách nhập siêu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lạc Phong (Sài Gòn Giải Phóng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN