Tạm trữ lúa gạo: Không ai được lợi!

Tại cuộc họp thông báo kết quả mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân năm 2012 – 2013 ở đồng bằng sông Cửu Long do bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức sáng ngày 14.5, các cơ quan liên quan đều khẳng đinh việc tạm trữ lúa gạo không mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân và doanh nghiệp tạm trữ, trong khi Chính phủ phải chi tiền.

Cục trưởng cục Chế biến, thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối Nguyễn Trọng Thừa trong báo cáo của mình đã khẳng định người nông dân không hoàn toàn được hưởng lợi từ chênh lệch giá thu mua và giá thành. Doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ gặp khó khăn do tiêu thụ chậm và giá gạo xuất khẩu đang tiếp tục giảm.

Ai cũng kêu thua thiệt

Tạm trữ lúa gạo: Không ai được lợi! - 1
Tạm trữ lúa gạo tại ĐBSCL. Ảnh: SGGP Online

Cụ thể, giá mua lúa khô tại ruộng khoảng 5.100 – 5.300 đồng/kg cao hơn giá trước thời điểm thu mua tạm trữ từ 100 – 200 đồng/kg. Nếu so với giá thành sản xuất bình quân được bộ Tài chính tính toán là 3.616 đồng/kg, thì mức chênh lệch giữa giá bán và giá thành sản xuất từ 38 – 46%.

Tuy nhiên ông Thừa nhận xét, người nông dân không được hưởng tất cả phần chênh lệch này do hầu hết các doanh nghiệp tạm trữ đều thu mua qua thương lái. Mức lợi nhuận 38 – 46% đó được chia sẻ cho các khâu thu mua trung gian, mà chính các nhà quản lý cũng không biết rõ ràng lợi nhuận về tay nông dân được bao nhiêu.

Hơn nữa, tỷ lệ mua tạm trữ theo chỉ tiêu là 1 triệu tấn, chỉ chiếm 15% tổng sản lượng lúa gạo của cả vụ, do vậy không đủ căn cứ để khẳng định việc mua tạm trữ một lượng nhỏ có tác động bình ổn giá thị trường lúa gạo vào thời điểm đó.

Về phía các doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ, ông Trương Thanh Phong, chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng các doanh nghiệp đang “bối rối đầu ra do đang bị ép giá”. So với cùng kỳ năm 2012, giá gạo xuất khẩu quý 1/2013 đã giảm bình quân 44,52 USD/tấn và hiện nay vẫn đang tiếp tục giảm. “Nhiều người nói doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ lúa gạo được lợi từ việc này, nhưng thực tế họ đang gặp khó khăn do tiêu thụ chậm, giá giảm và có nguy cơ bị lỗ”, ông Phong nói.

Trong khi đó, để mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, các ngân hàng thương mại đã giải ngân 7.612 tỉ đồng với mức lãi suất từ 10 – 10,5%/năm. Với chính sách hỗ trợ lãi suất trong ba tháng (từ 20.2.2013 – 20.5.2013), ngân sách nhà nước chi ra khoảng 200 tỉ đồng để hỗ trợ lãi suất. Số tiền hỗ trợ này có thể sẽ tăng lên khi hiện tại các doanh nghiệp thu mua tạm trữ đang kiến nghị xin được thêm thời gian hỗ trợ lãi suất, hoặc giảm lãi suất khi quá thời gian ba tháng.

Còn cách nào khác?

Trước thực tế chính sách tạm trữ chỉ có ít tác dụng như thông tin các cơ quan chức năng đưa ra, liệu có cách làm nào khác mang lại lợi ích tốt hơn?

Ông Đoàn Xuân Hoà, phó cục trưởng cục Chế biến, thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối cho rằng một số nước như Ấn Độ, Thái Lan đang thực hiện tạm trữ nhà nước. Ngân sách nhà nước chi tiền để thu mua lúa tạm trữ cho nông dân. Tuy nhiên, “hiện Thái Lan tồn kho khoảng 17 triệu tấn gạo, mức tồn kho lớn và chúng ta cần phải xem chúng ta có lực để làm như Thái Lan hay không”, ông Hoà nêu vấn đề.

Tại cuộc họp, ông Thừa, ông Hoà và ông Phong đều khẳng định doanh nghiệp xuất khẩu gạo không thể lo vùng nguyên liệu. “Doanh nghiệp lo tiền mua gạo là đủ chết rồi nên không thể lo vùng nguyên liệu”, ông Phong nói.

Thực tế này cho thấy việc thu mua, xuất khẩu lúa gạo đang tồn tại bất hợp lý. Doanh nghiệp là người bao tiêu sản phẩm và tìm kiếm thị trường xuất khẩu lại không có đủ sức tham gia vào vùng nguyên liệu. Nhìn ở góc độ thị trường, đây là cách doanh nghiệp bán thứ họ có mà chưa chắc là bán thứ thị trường cần. Với cách kinh doanh này gạo Việt Nam chắc chắn sẽ luôn bị ép giá và khó có được thương hiệu.

Xây dựng chuỗi giá trị hạt gạo khép kín từ đầu vào sản xuất đến đầu ra sản phẩm cuối cùng, vẫn là bài toán chưa giải được. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Phượng (Sài Gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN