Sau hàng loạt chỉ đạo “nóng” của Chính phủ và Bộ ngành, cá tầm Trung Quốc vẫn ồ ạt về Việt Nam
Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy hải sản Thanh Tú về hành vi khai báo trên tờ hải quan không đúng với số lượng cá tầm Trung Quốc nhập khẩu.
Tháng 1/2021, sau khi báo chí phản ánh tình trạng buông lỏng quản lý, có dấu hiệu tiếp tay cho việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam, vi phạm gian lận về số lượng nhập khẩu, gian lận xuất xứ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có văn bản giao Bộ Công an, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Sau đó, Bộ NN&PTNT cũng có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và một số cơ quan về việc kiểm soát nhập khẩu cá tầm thương phẩm dùng làm thực phẩm.
Để việc phối hợp hiệu quả, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan tại các cửa khẩu trọng điểm gồm: Hữu Nghị, Lào Cai, Móng Cái, Chi Ma, Tà Lùng... kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm về Việt Nam để đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và thuộc danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam.
Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường; Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tăng cường kiểm tra việc lưu thông, vận chuyển, kinh doanh cá tầm trên thị trường nhằm ngăn chặn việc trà trộn cá tầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người nuôi và người tiêu dùng trong nước.
Về phía các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT phải thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch đối với cá tầm nhập khẩu dùng làm thực phẩm. Kiểm tra, rà soát quy trình cấp CITES từ phía Việt Nam, đảm bảo tuân thủ đúng trình tự thủ tục của Công ước.
Cá tầm Trung Quốc nhập khẩu với số lượng lớn vào Việt Nam một cách dễ dàng. Ảnh: Cao Tuân
Gần đây nhất trong tháng 2/2021, Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo các Cục hải quan các tỉnh, thành phố kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm về Việt Nam để đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và thuộc danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam.
Tổng cục Hải quan cũng hướng dẫn cụ thể các đơn vị kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan; kiểm tra thực tế hàng hóa (đối với tờ khai phân luồng đỏ) và xử lý kết quả kiểm tra.
Theo số liệu Tổng cục Hải quan cung cấp, số lượng cá tầm Trung Quốc nhập khẩu về Việt nam năm 2018 là 1.164 tấn; năm 2019 nhập khẩu 1.849 tấn; năm 2020 nhập khẩu hơn 1.000 tấn.
Sau khi việc buôn lậu, vận chuyển cá tầm Trung Quốc qua đường tiểu ngạch phần nào bị siết chặt, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chuyển đổi hình thức bằng việc nhập khẩu chính ngạch cá tầm Trung Quốc với nhiều ưu đãi về thuế, thủ tục thông quan. Thế nhưng, do bị cơ quan CITES quản lý về số lượng nên đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu số lượng cá tầm vượt trị giá khai báo trên tờ hải quan.
Theo cơ quan chức năng, có tình trạng một số tiểu thương nhập cá tầm giá rẻ của Trung Quốc về rồi thả xuống các hồ nuôi cá tầm ở Việt Nam để "rửa nguồn" sau đó đưa đi tiêu thụ.
Cuối năm 2020, cộng đồng nuôi cá tầm Việt Nam đã gửi đơn "cầu cứu" đến Thủ tướng Chính phủ về việc trong thời gian qua, cá tầm Trung Quốc nhập khẩu giá rẻ với số lượng lớn vào Việt Nam đã gây ra những hệ lụy không nhỏ đến ngành nuôi cá tầm trong nước. Đặc biệt, chất lượng cá tầm Trung Quốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm tra, kiểm định đang có nguy cơ gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, từ đầu năm 2021 đến nay, số lượng cá tầm Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam không bị hạn chế để tăng cường kiểm soát mà còn tăng vọt. Theo số liệu của Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) cung cấp, trong tháng 1 và tháng 2/2021, số lượng cá tầm Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam qua Cửa khẩu này là 687 tấn (hơn cả số lượng nhập khẩu trong 6 tháng năm 2020).
Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị cũng thông tin, trong tháng 1/2021, đơn vị này đã phát hiện lô cá tầm Trung Quốc của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy hải sản Thanh Tú khai báo trên tờ hải quan nhập khẩu không đúng với số lượng cá tầm Trung Quốc nhập về. Số lượng hàng thừa được xác định lên đến 850 kg. Hiện lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng đối với công ty này.
Các số liệu từ Hải quan cung cấp cũng cho thấy, doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ lớn trong nhiều năm qua là Công ty TNHH Thủy sản Sỹ Hưng và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy hải sản Thanh Tú (cùng địa chỉ đăng ký ở số 1, ngõ 562 đường Lĩnh Nam, tổ 19, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội đều do bà Nguyễn Thị Thư là đại diện pháp luật).
Địa chỉ đăng ký kinh doanh Công ty TNHH Thuỷ sản Sỹ Hưng và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thuỷ hải sản Thanh Tú (chuyên nhập khẩu cá tầm Trung Quốc đều do bà Nguyễn Thị Thư là người đại diện pháp luật) tại số 1, ngõ 562 đường Lĩnh Nam, tổ 19, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.
Ngoài ra, còn một số doanh nghiệp lớn khác trong nhập khẩu cá tầm Trung Quốc như: Công ty Cổ phần XNK Thảo Nguyên (địa chỉ đăng ký: Số 66 Ngô Xuân Quảng, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội).
Công ty TNHH Đầu tư Thuỷ sản Hải Yến (địa chỉ đăng ký: Số 17 dãy 1 chợ Liên Phương, xã Liên Phương, huyện Thường Tín, TP Hà Nội).
Công ty TNHH Thương mại XNK Nguyệt Vượng (địa chỉ đăng ký: số 859 Tam Trinh, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội).
Công ty TNHH Đầu tư và Xuất nhập khẩu An Hưng (địa chỉ đăng ký: Số 4C, ngõ 230 Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội). Tháng 10/2020, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị cũng phát hiện và bắt giữ lô hàng cá tầm Trung Quốc do công ty này nhập về Việt Nam. Qua kiểm tra, trị giá khai báo trên tờ hải quan nhập khẩu không đúng với số lượng cá tầm Trung Quốc nhập về. Tang vật vi phạm được định giá lên đến 4.000 kg cá tầm Trung Quốc trị giá 413.947.200 đồng.
Cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc bày bán với giá rẻ khắp các chợ hải sản.
Còn tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai, từ đầu năm 2021 đến nay số lượng cá tầm Trung Quốc nhập khẩu là 125 tấn. Con số sơ bộ trong 2 tháng đầu năm còn vượt tổng sản lượng cá tầm Trung Quốc nhập khẩu năm 2020 là 115 tấn.
Cách đây không lâu, lực lượng chức năng Lào Cai cũng phát hiện 2 lô hàng 400 kg và số lượng 512 kg cá tầm Trung Quốc không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu, không được kiểm soát dịch bệnh.
Theo lãnh đạo Hội Cá nước lạnh tỉnh Lào Cai, do cá tầm của Trung Quốc nuôi bằng cám tăng trọng, cá lớn rất nhanh nên có giá bán rất rẻ so với cá tầm nuôi ở Sa Pa, Bát Xát. Chính vì vậy, một số tư thương tìm cách trục lợi bằng cách nhập cá tầm Trung Quốc giá rẻ về rồi trà trộn với cá tầm Việt Nam tiêu thụ.
Phía Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, nghề nuôi cá tầm trong nước đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc. Cá tầm nhập từ Trung Quốc giá bán chỉ bằng 2/3 giá của cá tầm trong nước. Đặc biệt, khi vào thị trường trong nước, thương lái trộn lẫn cá tầm Trung Quốc vào cá chăn nuôi tại Việt Nam, tạo ra tình trạng lừa dối khách hàng và sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường. Về lâu dài, những lỗ hổng trong việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc có thể sẽ giết chết ngành nuôi cá tầm trong nước.
Nhiều hồ nuôi chấp nhận bỏ hoang, hoặc hoạt động cầm chừng do không thể cạnh tranh với cá tầm Trung Quốc giá rẻ.
Được biết, Lào Cai và Lâm Đồng là 2 tỉnh có sản lượng nuôi cá tầm lớn nhất Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Qua khảo sát, phần lớn vùng nuôi nằm ở vùng sâu xa, nơi có nguồn nước chảy sạch lạnh hoặc vùng hồ thuỷ điện núi cao. Việc mở ngành nuôi cá tầm đã đóng góp nhiều cho việc an sinh xã hội và phát triển kinh tế của địa phương.
Tuy nhiên, dưới sức ép của cá tầm Trung Quốc nhập khẩu giá rẻ, nhiều trang trại nuôi cá tầm đang đứng bên bờ vực phá sản; một số hồ nuôi phải chuyển đổi mô hình, chuyển sang nuôi giống cá khác để cầm cự.
Cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân nuôi cá tầm Việt Nam mong muốn minh bạch hoá việc truy xuất nguồn gốc để bảo hộ sản xuất trong nước. Đặc biệt, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực mới và có tiềm năng kinh tế lớn như nuôi cá tầm.
Đối với những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nhập nhèm về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng, kiến nghị cơ quan chức năng cần có giải pháp quyết liệt hơn...
Nguồn: [Link nguồn]
Ngư dân Hà Tĩnh vui mừng, phấn khởi khi vươn khơi cập cảng với những chiếc thuyền tôm cá đầy khoang hứa hẹn một mùa...