Sản xuất linh kiện: DN Việt khó chen chân

DN Việt có thể làm được sản phẩm linh phụ kiện mà DN FDI yêu cầu nhưng hàng trăm tiêu chuẩn họ đưa ra làm DN Việt chùn bước.

Để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, ngoài những chính sách ưu đãi, cần có quy định ràng buộc tỉ lệ nội địa hóa, doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (FDI) phải có cơ chế hỗ trợ DN nội địa. Lâu nay tỉ lệ nội địa hóa thấp, nguyên nhân đều đổ tại DN Việt Nam công nghệ, kỹ thuật, quản lý yếu kém. Nhưng thực tế theo nhiều DN sản xuất phụ tùng linh kiện Việt Nam thì tỉ lệ nội địa hóa thấp là do họ không thể chen chân vào chuỗi sản xuất của DN FDI.

DN FDI mua linh kiện của ai?

Mới đây, Công ty Samsung đã công bố danh sách 67 DN nội địa cung cấp linh phụ kiện cho công ty này. Thế nhưng trong số 67 nhà cung cấp này, số lượng DN có vốn đầu tư Hàn Quốc chiếm số lượng áp đảo lên đến 53/67 DN.

14 nhà cung cấp còn lại là của Việt Nam, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Anh. Đáng nói số lượng DN Việt Nam chiếm tỉ lệ ít ỏi với bốn DN và bốn DN này chỉ cung cấp về bao bì.

Ông Nguyễn Bá Tòng, Giám đốc Công ty Cơ khí Bách Tùng, một DN Việt Nam chuyên sản xuất linh kiện cho các DN FDI Nhật Bản như Toshiba, Haier, Sony…, chia sẻ: “Công nghệ không phải là vấn đề, vì nhiều DN Việt đều làm được những sản phẩm ốc vít, phụ kiện của DN FDI. Nhưng ở nước ta, nhiều năm nay vẫn không phát triển được công nghiệp hỗ trợ, nguyên nhân chính xuất phát từ các DN FDI. Các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam mang cả DN “anh em, họ hàng” sang. Và đương nhiên các đơn hàng thường được ưu tiên cho các anh em họ hàng này.”

Sản xuất linh kiện: DN Việt khó chen chân - 1

DN trong nước khó phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ do không thể chen chân vào chuỗi sản xuất của DN FDI. Ảnh: HTD

Đại diện một DN sản xuất phụ tùng ô tô cho hay muốn gặp trực tiếp DN FDI để đàm phán đã là rất khó chứ chưa nói đến việc được đi vào tham quan nhà xưởng của họ để nắm bắt xem họ cần tiêu chuẩn công nghệ như thế nào. Các DN FDI có nhiều cách để ngăn DN Việt bước vào hệ thống của họ. Cụ thể đó chính là yếu tố tiêu chuẩn. DN Việt có thể làm được sản phẩm linh phụ kiện mà DN FDI yêu cầu nhưng hàng trăm tiêu chuẩn họ đưa ra làm DN Việt chùn bước. Chẳng hạn một DN Việt đặt vấn đề họ có thể làm được cả một cụm chi tiết mà DN FDI mua của Trung Quốc, song phía chính hãng lại đưa ra những điều kiện về giá thành khiến chúng ta khó đáp ứng được.

Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam thống kê, một số đơn vị cung cấp phụ tùng ô tô, xe máy cho các DN FDI ngành ô tô tại Việt Nam đều là DN FDI do các tập đoàn quốc tế chuyên sản xuất phụ tùng thành lập hoặc là công ty có vốn góp của chính các tập đoàn sản xuất và kinh doanh ô tô đã có mặt tại Việt Nam.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải, từng đưa ra dẫn chứng: Hyundai sản xuất xe ô tô nhưng DN vệ tinh cung cấp ghế cho Hyundai là đơn vị sản xuất chiếc ghế và nắm trong tay công nghệ sản xuất chiếc ghế đó. Vì vậy, DN Việt Nam chỉ có thể làm gia công cho DN vệ tinh của DN FDI thay vì bắt chước làm linh kiện giống họ. Song khi DN Việt làm được khuôn mẫu linh kiện như họ thì họ đã chuyển sang khuôn mẫu khác, cái chúng ta làm được đã lỗi thời, họ không còn dùng nữa.

Cần ràng buộc tỉ lệ nội địa hóa

Theo ông Đỗ Phước Tống, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TP.HCM, trước đây ngành ô tô, các hãng ô tô phải cam kết thực hiện lộ trình nội địa hóa. Thế nhưng đến nay không một DN FDI nào thực hiện đúng cam kết nội địa hóa, trong khi các chính sách ưu đãi thì họ đã hưởng đủ, lợi nhuận thu về quá lớn còn ngành ô tô Việt Nam vẫn lẹt đẹt thua cả các nước trong khu vực. Vì vậy cần phải ràng buộc các nhà sản xuất đưa tỉ lệ nội địa hóa vào sản phẩm và giám sát họ thực hiện. Kinh nghiệm tại Brunei, trong hồ sơ chào thầu của nước này quy định rất rõ tỉ lệ nội địa hóa ít nhất 25%-50% giá trị dự án. Chưa hết, trong quá trình thực hiện dự án họ tăng cường giám sát buộc nhà thầu phải thực hiện, thậm chí phải giúp đỡ các nhà cung cấp nội địa để họ cung cấp sản phẩm. 

Theo ông Tống, Thái Lan sử dụng phương pháp tính điểm để quy định tỉ lệ nội địa hóa của DN FDI. Tức là sau khi toàn bộ linh phụ kiện của một sản phẩm được tính ra điểm (mỗi bộ phận đã có một điểm số cố định), người ta áp số điểm tương ứng, để từ đó một số linh phụ kiện sẽ sản xuất trong nước. Hay một số nước khác sử dụng phương pháp chỉ định hạng mục. Ví dụ, trong các sản phẩm do DN FDI sản xuất, sẽ chỉ định bắt buộc phải sử dụng một số linh kiện nội địa nào đó.

Bà Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển DN công nghiệp hỗ trợ, Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), cho biết bên cạnh giải pháp nâng tỉ lệ nội địa hóa cao lên thì để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, cần coi trọng việc phát triển nguồn nhân lực cũng như DN nhỏ và vừa nhất là các DN chế tạo. Từng địa phương phải tạo sức ép lên các DN địa phương cần đáp ứng được các yêu cầu tổ chức và kỹ thuật của mạng sản xuất toàn cầu. Từ đó xây dựng thể chế liên kết giữa DN FDI với DN địa phương khuyến khích liên doanh liên kết giữa các DN địa phương với các DN FDI.

Ưu đãi hỗ trợ...

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị định phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nghị định lần này sẽ tập trung vào hỗ trợ để DN tham gia sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, giúp những DN nhỏ và vừa có thể tiếp cận được những chính sách ưu đãi thuận lợi hơn. Trong dự thảo nghị định, bên cạnh các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN, giảm tiền thuê đất… nghị định còn tập trung vào ưu đãi phát triển nguồn nhân lực như hỗ trợ kinh phí đào tạo nâng cao trình độ kỹ sư, kỹ thuật viên của các DN sản xuất công nghệ hỗ trợ, giảm thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN