Rau tăng giá "chóng mặt" trong đợt rét đầu năm

Giá rau xanh, củ quả tăng cao bất ngờ trong đợt rét đậm rét hại những ngày gần đây khiến nhiều bà nội trợ “phát sốt”.

Hơn một tuần qua miền Bắc phải hứng chịu đợt rét đậm rét hại đầu tiên của năm mới. Bên cạnh nỗi lo của người nông dân về những thiệt hại của hoa màu, người tiêu dùng cũng “chóng mặt” về giá cả thực phẩm tăng cao bất ngờ.

Theo khảo sát của PV báo Đời sống và Pháp luật tại các chợ thuộc khu vực Cầu Giấy và Hà Đông như chợ Cầu Lủ, chợ đầu mối Dịch Vọng, chợ Cầu Mọc, chợ Nhân Chính…, các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt, cá, tôm, ngao sò… vẫn ổn định về giá cả nhưng rau xanh và củ quả lại tăng cao đột ngột khiến người tiêu dùng không khỏi giật mình.

Nếu sau tết các bà các mẹ nội trợ yên tâm về giá cả “dễ chịu bất ngờ” của thực phẩm, thoải mái lựa chọn thức ăn phù hợp với sở thích của các thành viên trong gia đình thì trong đợt rét này ai ai cũng phải nghĩ tới chuyện thắt lưng buộc bụng, không dám chi tiêu nhiều.

Rau tăng giá "chóng mặt" trong đợt rét đầu năm - 1

Không khí chợ ảm đạm trong những ngày mưa rét đầu năm. Ảnh: P.H

Chị Hà Thị Nghĩa đi chợ Nhân Chính chia sẻ: “Hơn 10 ngày sau Tết Nguyên Đán mình thấy yên tâm vì giá thực phẩm khá rẻ, su hào có 1000đ/củ, bắp cải 3000 cả cây to mình mua cả làn đầy về muối ăn dần, nhưng trong những ngày mưa rét này thì mình thấy sợ đi chợ lắm. Vì đi chợ như bị mất của, sờ vào cái gì cũng thấy đắt gấp đôi, gấp ba ngày thường…”. Đây có lẽ là tâm lý chung của người dân trong thời gian này đặc biệt là khi thời tiết lạnh giá được dự báo sẽ còn kéo dài trong nhiều ngày tới.

Lý giải sự tăng giá ồ ạt ở hầu hết các mặt hàng lương thực, thực phẩm này, bà Nguyễn Thị Thơm – chủ vườn rau ở Đông Anh cho biết: “Thời tiết sau tết nắng ấm thuận lợi nên rau xanh phát triển tốt, nhiều tiểu thương lợi dụng ép giá nên chúng tôi phải bán rẻ đi, rẻ tới mức bán cả ruộng rau không đủ tiền giống, tuy nhiên khoảng một tuần nay trời trở rét rau không lên được, nông dân lại phá ruộng cấy lúa nhiều nên rau khan hiếm, dẫn đến giá rau tăng cao, người nông dân là khổ thế đấy được mùa thì mất giá, được giá lại mất mùa, chúng tôi hoàn toàn không được lợi gì khi giá rau tăng cao…”

Rau tăng giá "chóng mặt" trong đợt rét đầu năm - 2

Người tiêu dùng đắn đo khi mua rau. Ảnh: P.H

Rau tăng giá "chóng mặt" trong đợt rét đầu năm - 3

Hàng thủy sản không tăng giá nhưng vẫn ế. Ảnh: P.H

Cũng theo khảo sát thực tế thì giá cả các mặt hàng rau xanh, củ quả tăng 50 – 100% so với trước và sau Tết Nguyên Đán. Cụ thể như sau: su hào 4000đ/củ tăng 2000đ/củ, bắp cải 5000/kg tăng 3000/kg, cà chua 10.000đ/kg tăng 3000đ/kg, bí xanh 12.000/kg tăng 4000đ/kg, súp lơ 10.000đ/cây tăng 5000đ/cây, cải ngọt 20.000đ/kg tăng 8000đ/kg, rau muống trắng 8000đ/mớ tăng 3000/mớ, rau mùi ta 35.000đ/kg tăng 15.000/kg…

Ông Trần Đức Thành, một tiểu thương tại chợ đầu mối Dịch Vọng, chia sẻ: “Tôi cũng đi thu mua rau củ từ các nguồn hàng ở khu vực Đông Anh và các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hà Nam. Thời gian trước thì mua được rẻ nên cũng bán rẻ, giờ trời lạnh rau không lên được, hàng khan mua đắt nên phải bán đắt mà người dân cứ than đắt mãi, mình phụ thuộc vào nguồn cung mà bán chứ có phải tự dưng đội giá lên đâu…”

Người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu hơn là xu hướng của năm 2014 nhằm kìm chế lạm phát giá cả thị trường. Cầu cho mưa thuận gió hòa cũng là mong muốn chung của người nông dân để đảm bảo không còn khốn đốn vì hoa màu mất mùa, mất giá. Người tiêu dùng không phải “ sốt” vì giá cả lên xuống thất thường. Và các nhà chức trách không phải đau đầu trong việc bình ổn giá cả thị trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phong Huyền (Đời sống & Pháp luật)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN