Quanh việc mua 1 triệu tấn gạo cứu nông dân
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), với giá lúa thấp, đầu ra xuất khẩu khó khăn như hiện nay, việc các doanh nghiệp triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo ở đồng bằng sông Cửu Long từ 15/6, may chăng chỉ cứu nông dân ở mức có lãi, chứ khó đạt lãi 30% trở lên.
Minh bạch giá mua
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết, đã chốt, giao chỉ tiêu cho 115 doanh nghiệp (DN) đủ điều kiện tham gia mua tạm trữ lúa hè thu 2013 ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Danh sách này đã gửi đến 13 tỉnh, thành ĐBSCL và báo cáo lên Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.
Lần mua tạm trữ này, Hiệp hội phối hợp với các địa phương, yêu cầu các DN làm đúng theo quy định là công bố điểm thu mua, giá mua lúa cho nông dân; thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết. Các DN phải thường xuyên báo cáo chính quyền các cấp, Hiệp hội, về tiến độ mua lúa, thông tin phải minh bạch, rõ ràng.
“Năm nay, giá định hướng không thể bằng được năm ngoái vì dư thừa nhiều quá. Việc thu mua dứt khoát không được dưới giá thành. Mục tiêu của hiệp hội là không để nông dân lỗ, có lãi là được, còn mức lãi 30% trở lên thì rất khó”, ông Phong nói.
Theo lãnh đạo VFA, hiện giá thành bình quân do Bộ Tài chính công bố là 4.142 đồng/kg là giá lúa khô. Trong khi đó, mấy ngày nay, khi có thông tin tạm trữ, giá lúa tươi IR50404 ngoài đồng ở các tỉnh ĐBSCL tăng từ 3.500 - 3.600 đồng/kg, lên 3.900 đồng/kg; giá lúa dài (lúa chất lượng cao) tăng từ 3.700-3.800 lên 4.100 - 4.200 đồng/kg. Như vậy, tính ra giá lúa khô thành phẩm (cộng thêm khoảng 1.000 đồng/kg), với giá lúa hiện nay, nông dân vẫn có lãi.
Đến thời điểm này, Việt Nam đã ký được hợp đồng xuất khẩu 4,8 triệu tấn gạo, và giao trên 2,8 triệu tấn cho các đối tác, đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng hơn 10% về lượng, và tăng 6% về giá trị. Tuy nhiên, hiện giá xuất khẩu gạo bình quân đã giảm 24 USD/tấn so cùng kỳ năm ngoái; trong khi đó, ở thời điểm đầu năm, mức giảm tới 44 USD/tấn.
Do thị trường khó khăn, nên khoảng 70% lượng lúa gạo thu mua tạm trữ đông xuân vừa rồi chưa bán được, DN đang lỗ nặng. Để giảm bớt lượng hàng tồn, đồng thời “mở kho” để thu mua lúa hè thu, kích thích giá lúa tăng cho nông dân VFA vừa hạ giá sàn xuất khẩu gạo 35% tấm, từ 365 USD/tấn (giá FOB) xuống 360 USD/tấn; gạo 25% tấm là 365 USD/tấn.
Bỏ sản xuất lúa vụ 3
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, việc thu mua tạm trữ lúa gạo chỉ là giải pháp tình thế, và cũng chỉ một trong những biện pháp thị trường, không phải giải pháp căn cơ cho ngành lúa gạo. Đã đến lúc ngành lúa gạo cần chuyển biến căn bản. Dù chủ trương là giữ 3,8 triệu ha lúa, nhưng cơ cấu cây trồng cần điều chỉnh.
Ông Phát cho hay, không nhất thiết đất lúa là phải trồng lúa, mà có thể trồng cây khác để đem lại giá trị cao hơn. Còn diện tích trồng lúa, cần quy hoạch, hỗ trợ nông dân sản xuất, giống, quy trình tiến bộ, năng suất cao hơn, giá thành tốt hơn.
Mặt khác, Nhà nước hỗ trợ thêm bảo quản, chế biến, tăng cường năng lực thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu gạo giá cao, ổn định, kích thích giá lúa trong nước. Chỉ có khi đó mới được hưởng với lúa gạo cao hơn với giá trị mình bỏ ra.
Vụ hè thu nông dân ĐBSCL khó được lãi 30%. Ảnh: Lê Phương Chăm.
Còn theo GS Võ Tòng Xuân, nên bỏ sản xuất lúa vụ 3 ở ĐBSCL để cho “đất nghỉ” hoặc trồng cây khác, vì làm lúa hiệu quả thấp. Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cũng nên tìm kiếm thị trường cho các cây khác, để đa dạng hóa thị trường, chứ không nên cứ lao đầu vào lúa gạo. Hiện nay, nông dân vẫn mạnh ai, nấy làm, không ai tổ chức cho họ, nên mỗi hộ trồng một giống. Đến khi thương lái đi mua cũng gom nhiều nơi, đến tay DN xuất khẩu, là một thứ hỗn độn, nên giá sẽ không cao.
Theo GS Xuân, nông dân làm lúa hiện nay, đến khi thu hoạch chủ yếu bán tại ruộng, vì họ cần tiền để trả nợ phân bón, thuốc BVTV, ngân hàng... Do vậy, chuyện để cho nông dân tạm trữ như dự thảo của Bộ NN&PTNT cũng rất khó làm được. Nếu nông dân trong HTX, tổ, tập đoàn sản xuất thì được. “Nhà nước giao số tiền tạm trữ đó cho HTX, rồi giao cho ai có khả năng để tạm trữ, khi giá lúa cao sẽ bán lấy tiền trả lại cho Nhà nước. Như thế mới giải quyết ổn thỏa. Còn đưa tiền tạm trữ cho địa phương cũng chịu chết. Cuối cùng, tiền đó đưa cho DN, thương lái. Giá lúa lên thì họ bán lấy lời, chứ biết đâu đến nông dân” – GS Xuân nói.