Phụ phẩm “cứu” doanh nghiệp xuất khẩu

Nhiều doanh nghiệp đầu tư khai thác tận dụng giá trị từ mỡ, đầu xương và nội tạng cá để xuất khẩu.

Mỡ cá, đầu xương cá; cám, trấu gạo… lại là những mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, giúp doanh nghiệp (DN) mở rộng thêm thị trường, tăng khách hàng và lợi nhuận.

Hàng phụ đắt khách

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty CP Gò Đàng (Tiền Giang), cho biết tháng 6 vừa rồi công ty đã đầu tư dây chuyền thứ hai cho nhà máy phụ phẩm tại Bến Tre trị giá 50 tỉ đồng. Nhà máy sẽ chế biến đầu cá, xương, mỡ cá thành sản phẩm dầu cá, bột cá. Khai thác từ phụ phẩm chiếm hơn 50% giá trị con cá. “Dầu cá, bột cá được xuất khẩu mạnh sang các thị trường châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc và tiêu thụ ổn định. Chỉ cần hơn ba năm xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa, chúng tôi sẽ thu lại vốn đầu tư ban đầu, bù lại thất thoát do giá trị xuất khẩu phi lê cá tra giảm” - ông Đạo chia sẻ.

Phụ phẩm “cứu” doanh nghiệp xuất khẩu - 1

Một dây chuyền sản xuất phụ phẩm bột cá xuất khẩu. Ảnh: PME

Tương tự, ông Nguyễn Văn Phấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến Thủy hải sản Hiệp Thanh (Cần Thơ), cho biết đã vận hành thành công dây chuyền sản xuất dầu diesel từ mỡ cá basa. Các phế phẩm từ cá trong quá trình chế biến như đầu, ruột, xương, mỡ… được tận dụng để sản xuất dầu biodiesel sinh học, làm nguyên liệu cung cấp cho máy phát điện phục vụ cho hệ thống đông lạnh và hệ thống nhiệt của nhà máy. Nhờ vậy Hiệp Thanh tiết kiệm được khá nhiều chi phí.

Bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng Giám đốc Công ty Thuận An - Tafishco (An Giang), cũng cho hay mỗi tháng xuất khẩu các lô hàng bột cá, dầu cá mang về hàng triệu USD, chiếm hơn 70% tổng doanh thu của công ty. Hiện nay nhu cầu tiêu thụ dầu cá biển trên thế giới rất lớn, mà dầu cá tra thành phần gần tương đồng với dầu cá biển, đặc biệt chứa omega 3 EPA, DHA vốn là loại nguyên liệu dùng cho dược phẩm có giá trị rất cao.

Trong khi đó, theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ở nước ta đã có một số nhà máy sản xuất dầu cám gạo để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tiêu biểu là nhà máy trích ly dầu từ cám gạo do liên doanh giữa Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam và Siteki Investments (Singapore) đầu tư xây dựng với tổng vốn 7 triệu USD. Nhà máy có công suất 100.000 tấn cám gạo/năm để cho ra 15.000 tấn dầu cám gạo chất lượng cao, đặt tại KCN Hưng Phú, Cần Thơ.

Cần nhanh chóng quy hoạch

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đạo (Công ty Gò Đàng), các nhà máy chế biến phụ phẩm với quy mô nhỏ lẻ xuất hiện ngày càng nhiều. Nhiều DN không am hiểu quy trình công nghệ chế biến phụ phẩm vẫn đầu tư xây dựng nhà máy, sản xuất ra những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến uy tín chung của sản phẩm bột cá, dầu cá Việt Nam. Vì vậy chất lượng sản phẩm chế biến từ các phụ phẩm phải là yếu tố quan trọng nhất cần được các DN xuất khẩu chú trọng.

Cũng vì vậy nhiều DN nêu ý kiến Nhà nước nên có quy hoạch, xây dựng tiêu chuẩn và tăng cường công tác quản lý đối với các nhà máy chế biến phụ phẩm; việc tập trung nguồn phụ phẩm giao cho các đơn vị có đủ năng lực về công nghệ và thị trường. Về lâu dài, để đảm bảo phát triển bền vững, nên đưa ngành công nghiệp chế biến phụ phẩm vào danh mục ngành nghề sản xuất, kinh doanh có điều kiện.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận định tận dụng phụ phẩm chế biến xuất khẩu là một khâu trong chuỗi liên kết sản xuất cung ứng sản phẩm thủy sản bền vững. Tuy nhiên, để chế biến sản phẩm từ phụ phẩm, phế phẩm cần công nghệ cao, quy trình kiểm tra chất lượng chặt chẽ, có chuyên gia nước ngoài và chi phí. Vì vậy phải là DN có năng lực mạnh mới đủ khả năng đầu tư. Ngoài ra, Nhà nước cần đưa ra các chính sách phù hợp từ kỹ thuật công nghệ đến xúc tiến thương mại nhằm giúp ngành công nghiệp chế biến phụ phẩm phát triển hiệu quả hơn.

Hơn 64 tỉ đồng cho chuỗi cung ứng cá tra bền vững

Vào đầu tháng 8-2013, VASEP sẽ phối hợp với Trung tâm Sản xuất Sạch Việt Nam, Quỹ quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam và Áo khởi động dự án Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam.

Cùng với sự hợp tác của nhiều tổ chức, trường đại học, viện nghiên cứu, DN và sự hỗ trợ tài chính từ Liên minh châu Âu, dự án sẽ được thực hiện trong vòng bốn năm (2013-2017), tổng kinh phí khoảng 2,37 triệu euro (hơn 64 tỉ đồng). Trong đó nguồn tài trợ từ Liên minh châu Âu chiếm gần 80% ngân sách. Dự án sẽ tập trung vào các hoạt động chính gồm thiết lập mô hình trang trại kiểu mẫu và trung tâm đào tạo, phát triển khung lập pháp, đào tạo và sử dụng tài nguyên hiệu quả, sản xuất sạch hơn, thiết kế và đổi mới sản phẩm bền vững...

Khoảng 200 DN sản xuất thức ăn chăn nuôi, 1.000 trại sản xuất giống, 750 cơ sở, đơn vị sản xuất nhỏ và độc lập, 150 cơ sở nuôi cá vừa và lớn, 100 DN chế biến cá tra, basa lớn tại Việt Nam có thể hưởng lợi từ dự án này. Dự kiến sau khi hoàn thành, sẽ có ít nhất 20 sản phẩm mới và các công nghệ phát triển dựa trên mô hình thiết kế và đổi mới sản phẩm bền vững được đưa ra thị trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN