“Ong chúa” của 100 đàn ong mật
Năm nay lão nông Dương Xuân Giao (ở thôn Yên Thịnh, xã Sơn Đà, Ba Vì, Hà Nội) 60 tuổi, ông đã làm bạn với đàn ong mật được 20 năm, giờ đây ông là chủ của 100 đàn ong.
Ông Giao nhớ lại: Thời điểm đầu tiên đưa ong về nuôi, ông gặp muôn vàn khó khăn do không hiểu biết về kỹ thuật, tất nhiên không tránh khỏi thất bại. Không nản chí, ông Giao đi học hỏi kinh nghiệm của các hộ nuôi ong ở nhiều nơi, chú ý học cả qua sách báo, ti vi, từng bước tự rút ra kinh nghiệm cho mình.
Hiện ông Dương Xuân Giao có 100 đàn ong mật.Ảnh: Trần Phương
Chăm chỉ học hỏi, ông biết ong thường có bệnh thối ấu trùng tuổi nhỏ, thối ấu trùng Châu Âu, thiếu đói, ong bốc bay… Đối với từng loại bệnh của ong, ông đã học được biện pháp phòng và chữa hiệu quả, chẳng hạn bệnh thối ấu trùng Châu Âu, ông đã dùng thuốc đặc trị như Kanamycin, ertrommycin…
Việc “chống đói” cho ong trong mùa đông, khi hết mùa nhãn, vải, ông ủ ấm cho ong, di chuyển chúng về Vườn quốc gia Ba Vì. Những ngày hè nắng nóng, ông cho giãn ong, để ong sống khỏe, tránh bệnh tật. Để nguồn mật ong quay được tốt, trong suốt thời gian cuối đông đầu hè, ông Giao gửi đàn ong ở các vườn vải, nhãn và nhiều nơi ở huyện Ba Vì để ong có nguồn thức ăn liên tục. Nhờ vậy, từ 5 đàn ong lúc ban đầu, đến nay ông Giao đã có đến 100 đàn. Ông cho biết: Với 100 đàn ong, mỗi năm ông thu hoạch khoảng 1 - 1,5 tấn mật, thu về khoảng 200 triệu đồng, trừ chi phí, ông bỏ túi 70 - 80 triệu đồng.
Không chỉ sống khỏe với đàn ong, ông Giao còn nuôi cá thương phẩm trên diện tích 1ha. Mỗi năm, ông thu hơn 1 tấn cá, trừ chi phí còn 20 - 30 triệu đồng. Hai năm trở lại đây, ông còn nuôi thêm lợn rừng để có thêm thu nhập. Như vậy, giờ đây, ông đã nuôi đủ vật nuôi dưới nước, trên trời và trên bộ. Tổng cộng mô hình làm nông “thủy – lục – không” này đem lại cho ông khoản thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.