Niên vụ tới sẽ thừa 200.000 tấn đường

Bộ NNPTNT vừa đưa ra dự báo, trong niên vụ tới, lượng đường trong nước sản xuất sẽ thừa khoảng 200.000 tấn. Tuy nhiên, mới đây Bộ Công Thương vẫn thông báo cấp hạn ngạch nhập khẩu 70.000 tấn đường...

Thị trường tiêu thụ khó khăn

Theo số liệu của Bộ NNPTNT, niên vụ mía đường 2011-2012 đã tăng cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Diện tích mía của cả nước đạt 284.000ha, năng suất bình quân đạt 61,7 tấn/ha, tổng sản lượng 17,5 triệu tấn. Hiện 39 nhà máy đường trên cả nước đã ép được 14,5 triệu tấn mía, thu được trên 1,3 triệu tấn đường.

“Với sản lượng này, đây là lần đầu tiên sau nhiều năm liên tiếp phải nhập khẩu đường, nước ta đã tự chủ được mặt hàng thiết yếu này, không chỉ đảm bảo cho tiêu dùng nội địa mà từ đầu năm đến nay còn xuất khẩu được khoảng 200.000 tấn đường” - ông Đoàn Xuân Hòa- Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) khẳng định.

Niên vụ tới sẽ thừa 200.000 tấn đường - 1
Người trồng mía năm nay không có lãi nhiều, do giá mía giảm.

Tại thời điểm này, các nhà máy đường đã tổ chức thu mua tại ruộng mía của nông dân với giá thành phổ biến từ 950.000 đồng đến 1 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, dù diện tích và sản lượng mía có tăng so với niên vụ trước nhưng giá bán mía của nông dân cho các nhà máy lại giảm.

Ông Nguyễn Văn Lộc - Tổng Giám đốc Công ty Đường Biên Hoà (Đồng Nai) cho biết: “Chúng tôi đang buộc phải giảm giá bán đường và thu mua mía trước sức ép từ đường nhập lậu. Nếu tiếp tục gặp khó khăn, các doanh nghiệp không thể chế biến mía được nữa, thì nông dân sẽ là người chịu thiệt hại. Tuy nhiên, nếu thu mua mía rẻ thì tất yếu nông dân sẽ đi trồng cây khác, đây lại là một bài toán khó đối với các doanh nghiệp”.

Chỉ dùng đường nhập khẩu cho sản xuất

Bộ NNPTNT đưa ra dự báo, trong niên vụ 2012-2013, cả nước sẽ trồng khoảng 300.000ha mía, sản lượng đạt 18,9 triệu tấn và các nhà máy sẽ sản xuất được gần 1,6 triệu tấn đường. Với sản lượng trên, ngoài cung cấp cho tiêu dùng nội địa, vẫn còn dư trên 200.000 tấn đường, chưa tính 74.000 tấn nhập khẩu theo cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết: “Theo cam kết với WTO, các mặt hàng như muối, đường, trứng gia cầm, thuốc lá là những sản phẩm thuộc đối tượng bắt buộc phải đăng ký hạn ngạch nhập khẩu mỗi năm. Hiện đường và mặt hàng muối chỉ cấp hạn ngạch cho sản xuất, chứ không cấp hạn ngạch cho tiêu dùng”.

Về lo ngại lượng đường cho nhập khẩu nói trên có thể bị sử dụng sai mục đích, thậm chí bị đem bán ra ngoài thị trường, gây ảnh hưởng tới việc tiêu thụ đường trong nước, ông Biên cam kết: “Hai Bộ Công Thương và NNPTNT đã thống nhất và yêu cầu các thương nhân phải chấp hành đúng các quy định là phục vụ đúng mục đích sản xuất hàng hóa của thương nhân, không được mua bán, trao đổi. Đồng thời, phải có báo cáo định kỳ hàng tháng, hàng quý theo yêu cầu của Bộ Công Thương. Bộ cũng sẽ tiến hành tổ chức các đoàn kiểm tra để giám sát thương nhân có sử dụng hạn ngạch nhập khẩu đúng mục đích hay không”.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Diệp Kỉnh Tần cho rằng: “Niên vụ mía đường tới được dự báo tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, nên cần nâng cao hiệu quả và tăng khả năng cạnh tranh của những công ty mía đường bằng cách giảm giá thành”. Ông Tần cũng kiến nghị: “Bộ Công Thương cần xem xét về việc tổ chức lưu thông sản phẩm đường trên thị trường như thế nào cho hợp lý, vì thực tế hiện nay giá bán đường của các nhà máy đường và giá bán đường của thương lái cho người tiêu thụ có khoảng cách rất lớn”. 

Theo Hiệp hội Mía đường, Bộ NNPTNT cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng xuất khẩu đường, với nguồn kinh phí từ đóng góp của các nhà máy đường trong nước hoặc từ việc đấu thầu nhập khẩu đường. Các bộ, ngành cần có biện pháp ngăn chặn nhập lậu đường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Xuân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN