Nhộn nhịp buôn bán rau màu tiểu ngạch
Vùng biên giới An Phú (An Giang) với 2 cửa khẩu quốc gia và các con đường tiểu ngạch ven sông là cầu nối giao thương tấp nập giữa nhân dân Việt Nam - Campuchia, nổi bật nhất là hàng bông (đậu, rau, củ quả…).
Vựa hàng lưu động trên cánh đồng
Hầu hết các vùng đất cù lao màu mỡ ở An Giang như Bà Hòa (huyện Châu Thành), vùng Bình Thuỷ, Bình Long, Mỹ Đức, Khánh Hoà… (huyện Châu Phú) đều có chung đặc điểm là đất hẹp, người đông, do đó để tăng tối đa vòng quay của đất, tăng thu nhập, bà con đã lựa chọn làm hàng bông. Điều thú vị ở đây là ngày càng có nhiều vựa hàng bông lưu động được hình thành ngay trên những cánh đồng để “ăn” hàng. Nông dân gọi là “các vựa ăn hàng tại chỗ”. “Mua bán riết rồi thành quen, ngay cả bạn hàng Campuchia cũng đưa xe tải nhỏ xuống đây lấy hàng, một ngày chừng 5 – 7 chiếc” – bà Nguyễn Thị Thu Hồng, chủ vựa hàng bông tại chợ Châu Đốc cho biết.
Hàng nông sản tấp nập qua cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên - Phnom Penh.
Ông Nguyễn Văn Xự, nông dân trồng màu nổi tiếng ở Kiến An (huyện Chợ Mới), cũng là một trong những người có sáng kiến đưa rau màu bán sang Campuchia hóm hỉnh nói:“
Trước, mình chỉ bảo cho mấy đứa em, cháu về Kiến An lấy rau màu rồi mang sang Takhamau, Phnom Penh bán. Khi mần ăn quen rồi, mối lái Campuchia họ đánh thẳng xe xuống đây lấy hàng, khỏi qua trung gian nữa. Nhờ vậy, việc mua bán trở nên nhộn nhịp hơn, giá cả cũng ít chênh lệch”.
Ví dụ, 1 công ớt thu hoạch được 4 tấn, giá khoảng 20.000 đồng/kg (tùy thời điểm), trừ chi phí bà con cầm chắc trong tay trên 50 triệu đồng; rau cần tàu năng suất 4 tấn/công, bán giá 25.000 đồng/kg, lời 80 triệu đồng…
Anh Nguyễn Văn Minh, nông dân ở Kiến An cho hay, bình quân 1 công đất, thu nhập không dưới 100 triệu đồng/năm. Ông Cao Hữu Phước- Chủ tịch Hội ND huyện An Phú cho biết: “Để phát huy thế mạnh trồng rau màu ở địa phương, chúng tôi khuyến khích bà con chú trọng cả 2 loại cây trồng vào mùa khô và mùa nước nổi để đáp ứng nhu cầu bạn hàng Campuchia, bởi thị trường chủ yếu hiện nay vẫn là Kandal và Phnom Penh”.
Sức sống mới ở vùng biên
Từ thung lũng Thalot (ấp Thalot, xã An Cư, huyện Tịnh Biên) nhìn lên sườn núi Cấm và núi Dài (huyện Tri Tôn), có thể thấy ngút ngàn những vườn xoài, mãng cầu ta, dâu, chuối... xen lẫn với cây rừng. Tuyến đường mòn xuyên qua thung lũng Thalot khoảng 7km, dập dìu xe gắn máy, xe tải nhỏ vận chuyển nông sản. Có thể nói, từ khi tỉnh An Giang mở rộng, nâng cấp tuyến đường vượt lũ núi, cư dân Thalot có thêm cơ hội làm ăn, hàng trăm ha vườn rừng trên sườn núi Cấm và núi Dài được mở ra, thu hút khá đông lao động tham gia, trong đó chủ yếu là người Khmer ở các xã Lương Phi, Châu Lăng, Lê Trì, Ba Chúc (huyện Tri Tôn). Từ khi có đường, bạn hàng bên Takeo cũng chuyển hướng vô tận chân núi, thậm chí đi thẳng về chợ Chi Lăng, Tri Tôn, Ba Chúc để nhập hàng.
Ông Cao Hữu Phước- Chủ tịch Hội ND huyện An Phú, cho biết: Hội đã cùng Phòng NNPTNT quy hoạch 4 tiểu vùng sản xuất rau màu với tổng diện tích 814ha, tập trung ở cù lao Vĩnh Trường và khu vực biên giới Khánh An, Long Bình (huyện An Phú).
Anh Trần Văn Chưa, nông dân Thalot khoe: “Mùa nước nổi, người đồng bằng trồng rau màu, tụi tui cũng trồng rau màu, nhưng rau màu ở đây mang đặc trưng vùng núi, từ xoài, chuối, mít, mãng cầu ta, tới các loại cà, ớt, gừng, khoai… nên không sợ đụng hàng”. Theo một số cư dân Thalot, vào mùa mưa (từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch), mỗi ngày toàn vùng cung ứng không dưới 15 – 20 tấn củ quả về biên giới Vĩnh Điều, Giang Thành và Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), chưa kể những chuyến xe hàng về cửa khẩu Tịnh Biên, đi tắt qua Vĩnh Gia (Tri Tôn) sang Tà Ô (Campuchia). Bạn hàng ở Campuchia cũng cho biết, họ ngày càng thích vào Bảy Núi cũng như các vùng cù lao ven biên giới An Giang buôn bán bởi nông sản ở đây đa dạng, dồi dào, dễ lựa chọn, có nhiều loại củ quả phù hợp cho việc vận chuyển và tiêu thụ dài ngày trong các phum, sóc bên Campuchia.