Người Mỹ đặt hàng nhưng không dám nhận lời vì... sợ lỗ

"Nhiều khách hàng từ Mỹ, Nhật, Đan Mạch hỏi thăm đặt đơn hàng nhưng chúng tôi không dám nhận vì càng làm càng lỗ" - một giám đốc công ty than thở.

Người Mỹ đặt hàng nhưng không dám nhận lời vì... sợ lỗ - 1

Ảnh minh họa

Là một trong số ít đại diện doanh nghiệp (DN) có mặt tại buổi Công bố báo cáo thường niên DN Việt Nam 2015 do UB Kinh tế của Quốc hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng phát triển Châu Á tổ chức ngày 13-4, bà Từ Thị Mỹ Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Anh, nói: “DN càng ngày càng nhỏ đi, càng làm càng lỗ, rất đáng lo ngại”.

Lấy ngay chính công ty chuyên về dệt may, thêu công nghiệp xuất khẩu của mình làm ví dụ, bà Lộc cho hay: Người Việt Nam có thể làm chủ nhưng những khó khăn về chính sách, tài chính, thuế, những chi phí không chính thức khiến công ty gặp rất nhiều khó khăn.

Nhận diện chung về DN Việt Nam, bà Lộc cho rằng những chi phí để có được sự hỗ trợ của Nhà nước cũng rất lớn. “Nhiều khách hàng từ Mỹ, Nhật, Đan Mạch hỏi thăm đặt đơn hàng nhưng chúng tôi không dám nhận, không dám làm, vì càng làm càng lỗ. DN càng nhiều công nhân, càng lỗ nhiều” - bà Lộc than thở.

Nhiều lần, vị chủ tọa nhắc bà nói ngắn lại nhưng những bức xúc của bà cứ tuôn ra. “Chi phí bên ngoài quá cao, chi phí xuất khẩu quá tăng, chi phí thuế thuê đất, chi phí xuất nhập khẩu chuyển hàng, chi phí cho người lao động, lương tăng khiến DN lao đao. Khi lương tối thiểu tăng thì bảo hiểm xã hội cũng tăng theo. Nhưng doanh thu của DN và lợi nhuận bị teo tóp đi, khó có thể đóng được. DN không tồn tại thì người lao động lấy đâu ra việc làm?” - bà Lộc nói.

Trao đổi với báo chí, TS Lê Đăng Doanh cũng nhận định: Quy mô của DN đang có xu hướng nhỏ đi. Các DN Việt Nam đang gánh chịu lãi suất ngân hàng quá cao. Quy mô doanh thu của DN trong nước lại ngày càng giảm đi, trong khi với cam kết hội nhập và AEC, hàng hóa Thái Lan cũng đã tràn ngập vào VN mà DN ta ngày càng nhỏ bé hơn và chưa sẵn sàng để cạnh tranh.

Dẫn chiếu chỉ số PCI mới được công bố, TS Doanh bày tỏ lo ngại vì tỉ lệ DN nộp chi phí ngoài pháp luật của DN Việt Nam chẳng những không giảm mà còn tăng lên. Ông Doanh nhấn mạnh: “DN cần phải chuyển sang kinh doanh có chiến lược chứ không phải là bằng các quan hệ”.

Tổng Thư ký VCCI Phạm Thị Thu Hằng cho rằng: DN có quy mô nhỏ và cực nhỏ Việt Nam chiếm tới 50% và có tính không bền vững. Trong hai năm gần đây, tỉ lệ báo lỗ không ổn định, lúc rất cao, lúc lại rất thấp.

Bà Hằng cho rằng nếu dự luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa được xây dựng thì cũng cần phải đổi mới cách tiếp cận vấn đề để hỗ trợ tốt hơn cho DN nhỏ và vừa.

“Trong bối cảnh độ mở của thị trường ngày càng lớn, các DN cần phải tăng quy mô, ứng dụng công nghệ và liên kết thì mới phát triển bền vững” - bà Hằng kết luận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chân Luận (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN