Nghịch cảnh cam non giá rẻ tại Hà Giang

Phải đến hơn 1 tháng nữa cam sành Hà Giang mới vào chính vụ, nhưng từ hàng tháng nay, các loại cam mượn danh, núp bóng cam Hà Giang đã được bày bán tại một số đô thị miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội. Kiểu “lập lờ đánh lận con đen” này đã xảy ra từ nhiều năm, để đến khi chính cam Hà Giang vào vụ thì lại bị nghi oan là cam Trung Quốc, nhiều người tiêu dùng nghi ngại không dám mua và giá rớt thê thảm.

Bản thân cam Hà Giang còn chưa định hình được thương hiệu với người tiêu dùng, lại bị ảnh hưởng bởi việc “trá hình” này, khiến người nông dân đã khó càng thêm khó.

Nghịch cảnh cam ngon giá rẻ

Từ khoảng 2 tháng nay, thị trường Hà Nội tràn ngập loại cam giá rẻ (chỉ 10 – 15 nghìn đồng/kg) được quảng cáo là cam Hà Giang. Đặc biệt đội ngũ bán rong loại cam này rất đông đảo. Vì mức giá hợp lý, lại được tiếng cam trong nước, khá nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn. Tuy nhiên, trên thực tế đây lại là cam Trung Quốc với chất lượng chưa ai dám khẳng định. Hiện tượng này đã nhiều năm xảy ra và mang lại cho nông dân Hà Giang nhiều lo lắng và thiệt hại. Dù có vùng cam ngon nổi tiếng, nhưng từ nhiều năm nay cam Hà Giang hầu như phát triển tự phát, chưa có “mảng miếng” PR, quảng cáo gì. Bởi vậy, giá cam rất rẻ, đặc biệt vào chính vụ thì rớt thê thảm. Có những năm giá cam về đến Hà Nội chỉ 10 nghìn đồng/ 3kg, giá thu mua tại vườn chỉ vài trăm đồng.

Qua khảo sát của PV tại huyện Bắc Quang – vùng cam của Hà Giang với 66% diện tích trồng cam của toàn tỉnh, tại thời điểm này đã có nhiều hộ ngắt cam sành non để bán. Cam thu vào thời điểm này có vỏ màu xanh đẹp mắt, đều quả, nhưng cùi dày và đặc biệt vị còn rất chua. Nếu người tiêu dùng nào chưa ăn cam Hà Giang bao giờ, ăn trái cam này sẽ sinh... ác cảm. Trao đổi với PV, một chủ quầy cam ở xã Việt Hồng, huyện Bắc Quang cho biết đã bắt đầu bán cả tuần nay, mỗi ngày tiêu thụ chừng 2 tấn với giá bán lẻ mới có 4 – 5 nghìn đồng/kg. Giá tại vườn sẽ thấp hơn, chỉ chừng trên dưới 3 nghìn đồng. Đây còn là được giá so với mọi năm, vì thông thường cam đầu mùa chỉ hơn 1 nghìn đồng/kg.

Ông Phạm Xuân Tình – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bắc Quang cho biết: “Chúng tôi cũng nắm được tình trạng bán cam non, một số hộ cho biết thương lái Hải Phòng lên thu mua để làm nước. Tuy nhiên lượng không nhiều. Chúng tôi đã cử 4 đoàn của huyện đi kiểm tra các xã và vận động các hộ gia đình hạn chế bán cam non”.

Nghịch cảnh cam non giá rẻ tại Hà Giang - 1

Cam sành Hà Giang dù còn non đã bị thu hoạch vì nông dân lo rớt giá

Về điểm này, ông Nguyễn Đức Vinh – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cũng cho biết đã nhiều lần khuyến cáo người dân không nên thu non, mất thương hiệu. “Nhưng nói thật cũng phải thông cảm, các ban ngành chức năng cũng chưa đảm bảo được nguồn tiêu thụ cho người dân. Cứ trúng mùa thì rớt giá năm nào cũng diễn ra. Chúng tôi nhiều năm nay cũng suy nghĩ nát óc tìm đầu ra bền vững cho hàng hóa, nhưng chưa được”.

Xây dựng thương hiệu cho cam Hà Giang

Theo Sở NN & PTNT Hà Giang, từ năm 2000 đến nay, diện tích trồng cam toàn tỉnh đã giảm đến gần 80%. Không còn nhiều người nông dân bám trụ được với cam trong hoàn cảnh tiêu thụ phập phù như thế này.

Từ 2005 – 2010, mỗi năm Hà Giang mất đi 400 – 500 ha diện tích trồng cam, năng suất cũng giảm đến hơn 1 tấn/ha (từ 7,44 tấn/ha năm 2008 xuống chỉ còn 6,36 tấn/ha năm 2011). Với sản lượng thu hoạch chỉ còn hơn 9.000 tấn năm 2011 mà giá vẫn thấp là một thiệt thòi lớn cho cam Hà Giang. “Cam Hà Giang có đặc trưng là vị ngọt đậm, xen một chút chua, thơm ngon. Điểm này chính Bộ trưởng Bộ NN & PTNT cũng thừa nhận và định hướng phát triển cam Hà Giang thành vùng cam ăn tươi, chứ không cần qua chế biến như vắt nước” – ông Nguyễn Đức Vinh cho biết.

Dù không chỉ được lòng người tiêu dùng phía Bắc mà bắt đầu thâm nhập được vào thị trường phía Nam, nhưng thương hiệu “cam Hà Giang” vẫn chưa có dấu ấn thực sự với nhiều người tiêu dùng và giá thì vẫn rất thấp, trái ngược hẳn với chất lượng. Nhiều người chọn mua cam Hà Giang với ấn tượng vì rẻ nhiều hơn là vì ngon. Cũng cần phải nói rằng chất lượng cam Hà Giang không đồng đều, mẫu mã không đẹp do người nông dân kém đầu tư. Tâm lý “rẻ rúng” này cần phải được thay đổi.

“Chúng tôi đã xác định là phát triển vùng cam ăn, toàn tỉnh chỉ trồng khoảng 4000 – 5000 ha, nếu không sẽ bí đầu ra. Cũng chỉ có 3 huyện tập trung vào cam là Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Tuy nhiên không phải xã nào, thôn nào, hộ gia đình nào cũng tập trung vào đây, mà phải lựa chọn những nơi có nước tưới, đất phải đảm bảo tốt, con người làm cam cũng phải có đủ điều kiện để đầu tư. Trước mắt chúng tôi sẽ ổn định lại giống cam, mặt khác cũng vận động, hướng dẫn người dân kiểm soát chất lượng cam, không phải được quả nào cũng lấy như trước kia. Điều này rất khó vì tập quán canh tác của người dân ăn xổi đã quen, nhưng chúng tôi sẽ làm điểm để người dân thấy hiệu quả mà làm theo, từ đó nâng cao thương hiệu cam Hà Giang” – ông Nguyễn Đức Vinh cho biết

Cách phân biệt cam Hà Giang với cam Trung Quốc

Để người tiêu dùng khỏi nhầm lẫn, ông Phạm Xuân Tình – Trưởng phòng NN huyện Bắc Quang cho biết có thể phân biệt cam Hà Giang theo các yếu tố: Mùa vụ thu hoạch là vào trung tuần tháng 11 âm lịch mới xuất bán, nên cam bán thời điểm này chắc chắn không phải cam Hà Giang. Thứ hai là cam mang màu vàng đỏ đặc trưng cả ở vỏ và trong ruột; cam có hạt do là giống nguyên bản chứ không phải cam lai; cùi dày do Hà Giang vẫn làm kiểu truyền thống, tự nhiên chứ chưa can thiệp hóa chất. Vị cam Hà Giang cũng ngọt đậm hơn so với cam khác, nhưng có chút chua chứ không ngọt như nhiều loại cam Trung Quốc.

Hà Giang nghiêm cấm ủ cam bằng hóa chất, bất cứ trường hợp nào bị phát hiện sẽ bị tịch thu, tiêu hủy. Lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện Bắc Quang – vùng cam chính của huyện đã khẳng định điều này. Đây là một quyết tâm của Hà Giang nhằm đảm bảo chất lượng cam và an toàn cho người tiêu dùng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Hân (Công an nhân dân)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN