Mở đường cho "rác" công nghệ vào Việt Nam?

Thông tư 23/2015 của Bộ KH&CN vừa ban hành quy định cấm nhập máy cũ chỉ căn cứ vào độ tuổi dưới 10 năm là không hợp lý, thiếu cơ sở khoa học nên bị cộng đồng doanh nghiệp (DN) phản ứng dữ dội.

Đó là thông tin nổi cộm tại hội nghị tham vấn giữa DN với các cơ quan quản lý do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 27-11.

Ông Đỗ Phước Tống, Giám đốc Công ty Cơ khí Duy Khanh kiêm Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TP.HCM, cho hay lâu nay công ty mua các máy cũ 10-15-20 năm của Đức, Nhật và Mỹ về dùng tốt. Mua máy mới của Đức, Nhật, Mỹ thì nhiều DN Việt không đủ tiền vì giá rất đắt.

“Do vậy, Nhà nước cấm nhập máy móc cũ trên 10 năm thì các DN Việt chỉ có nước mua máy mới của Trung Quốc hoặc máy cũ dưới 10 năm của Trung Quốc sản xuất. Tuy là máy mới nhưng máy móc do Trung Quốc sản xuất thường chỉ xài 2-3 năm là đã rệu rã rồi! Do đó, cấm nhập máy móc cũ những tưởng sẽ giúp ngăn chặn “rác” cũ công nghệ lỗi thời, hóa ra lại khiến DN phải nhập loại “rác” mới!” - ông Tống cảnh báo.

Mở đường cho "rác" công nghệ vào Việt Nam? - 1

Ảnh : Nguồn Báo Công thương

Đồng quan điểm, ông Trương Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Máy công cụ và thiết bị TAT, đưa ra những dẫn chứng cụ thể cho thấy 100% khách hàng mua máy của công ty ông đều phản ứng với Thông tư 23/2015 vì nếu áp dụng thì DN chỉ có nước… chết.

Ông Tuấn nhận xét thẳng thừng: “Thông tư này giúp một số DN kinh doanh máy móc, thiết bị của Trung Quốc vào Việt Nam dễ dàng hơn. Song các DN Việt lo ngay ngáy khi mua máy Trung Quốc vì các DN nước này bán máy xong lặn mất tăm. Đây là chuyện không mới trên thương trường”.

Đáp lại, bà Trần Tuyết Nhung, Vụ phó Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám sát công nghệ thuộc Bộ KH&CN, cho rằng trong năm qua có hơn 100 trường hợp máy cũ nhập về không sử dụng được.

“Một tỉnh bé như Đắk Nông thôi mà đã bị 4-5 cái máy cũ. Vay ngân hàng xong, mua máy mang về, ráp lại, máy không chạy được, tìm đối tác thì đã… chạy đâu mất tiêu. Tốn một đống tiền, Nhà nước lại tốn tiền lưu kho, lưu bãi chờ xử lý” - bà Nhung dẫn chứng.

Lập tức ông Đỗ Phước Tống phản biện: “Bộ KH&CN nên thống kê lại cho rõ các trường hợp đấy là DN tư mua hay mấy anh DN nhà nước mua về”.

Bổ sung cho thắc mắc của ông Tống, luật sư Vũ Xuân Hưng, Phó phòng Pháp chế VCCI, lưu ý khối DN tư nhân mua máy móc bằng tiền túi. Do vậy hơn ai hết, họ không dại gì nhập những máy cũ không hiệu quả. Nhà nước không cần lo thay cho họ, thay vào đó nên xem lại các quy định xem có hợp lý không và tại sao các DN cực lực phản đối quy định này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Như (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN