Mánh độc giết dần doanh nghiệp nội

Một số công ty mua sản phẩm do Trung Quốc sản xuất sau đó gắn mác của DN nội bán ra thị trường làm người tiêu dùng lầm tưởng đó là hàng nội, chiêu thức này đang giết dần DN sản xuất trong nước.

“Tình trạng hàng giả, hàng nhái khiến doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn, có trường hợp phát hiện nhưng giải quyết không xong”. Đó là phần lớn ý kiến của các DN tại Hội thảo Phòng, chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) do Trung tâm Tư vấn Dịch vụ Chống hàng giả, trực thuộc Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội tổ chức ngày 1-10.

Hàng Trung Quốc lấn sân nhờ ưu đãi thuế

Ông Lê Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Thế Giới Túi Xách, cho biết công ty của ông chính là nạn nhân khi có nhiều mẫu mã sản phẩm của công ty như mẫu balô cặp học sinh kéo với hơn 300.000 sản phẩm bị nhái khiến công ty thiệt hại hơn 20 tỉ đồng. Cũng theo ông Kiên, do ham lời nên các cơ sở sản xuất túi xách cũng đua theo làm giả các thương hiệu cao cấp để bán ở các cửa hàng, chợ đầu mối. Do đó dẫn đến nạn hàng giả, hàng gian tràn lan khó kiểm soát, cạnh tranh bất bình đẳng giữa các nhà sản xuất với nhau. Bên cạnh đó, với ưu đãi thuế quan giữa Trung Quốc và ASEAN thì mức thuế nhập khẩu túi xách vào Việt Nam chỉ còn 5%. Đó chính là thời cơ hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam. Nếu kéo dài vài năm nữa sẽ giết các sản phẩm thương hiệu trong nước, đẩy các công ty túi xách đến chỗ gia công cầm chừng hoặc chuyển sang gia công làm hàng quà tặng giá rẻ cho các nhãn hàng khác.

Mánh độc giết dần doanh nghiệp nội - 1

Quần áo là một trong những mặt hàng có nhiều nhãn hiệu nhái gây bức xúc cho DN và người tiêu dùng. Ảnh minh họa: HTD

Nhiều công ty muốn tồn tại đã tận dụng lợi thế mua sản phẩm do Trung Quốc sản xuất sau đó gắn mác của mình và làm người tiêu dùng lầm tưởng đó là hàng chính công ty trong nước. Như vậy không phải tốn công đi mua nguyên vật liệu từ Trung Quốc sau đó gia công với chi phí cao làm giá thành sản xuất trong nước lớn hơn là nhập từ Trung Quốc.

DN im lặng vì sợ mất uy tín

Đại diện Công ty Nhựa Bình Minh cũng bức xúc không kém, cho biết công ty cầu cứu khắp nơi nhưng đã hơn bốn năm vẫn chưa giải quyết được. Dù phát hiện đơn vị bán hàng giả nhãn hiệu và đã xác định rõ ràng là hàng giả, có đầy đủ giấy tờ chứng minh.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Văn phòng đại diện Cục SHTT TP.HCM, cho biết một trong những nguyên nhân làm tình trạng này chưa giảm là do nhiều DN sản xuất không quan tâm đến việc bảo vệ thương hiệu, các giải pháp công nghệ bảo vệ SHTT. Nhiều DN không mặn mà tham gia các chương trình Nhà nước hỗ trợ DN đăng ký bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu. Có trường hợp cơ quan chức năng phát hiện hàng nhái, hàng giả, mời DN cùng phối hợp nhưng DN không nhiệt tình vì sợ tốn chi phí, cũng như uy tín thương hiệu bị ảnh hưởng.

Để hạn chế hàng giả, hàng nhái, nhiều ý kiến nêu ra vấn đề là DN cần nhận thức bảo vệ quyền SHTT là bảo vệ tài sản cho mình, cơ quan nhà nước chỉ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh. Tất cả DN đều được hưởng quyền lợi, chính sách pháp luật như nhau. Đồng thời, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, DN và người tiêu dùng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Pháp luật TPHCM
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN