Làng nấm vẫn khó tìm đường ra

Các cơ quan quản lý cho rằng giải quyết vấn đề khó khăn của người trồng nấm cũng tương tự nhiều lĩnh vực khác nên cần phải có thời gian.

Sau khi Báo Người Lao Động thông tin về việc hàng ngàn hộ dân trồng nấm tại tỉnh Đồng Nai phải “treo trại” do thương lái không mua sản phẩm, chính quyền địa phương cho biết đã vào cuộc tìm hiểu nhưng để có giải pháp trong tình hình hiện nay không hề đơn giản.

Làng nấm vẫn khó tìm đường ra - 1

Hàng trăm hộ trồng nấm ở Đồng Nai hiện vẫn chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Long Khánh (một trong những “thủ phủ” nấm tại Đồng Nai), cho biết sau khi báo phản ánh, trong các cuộc họp, tình trạng người trồng nấm không tiêu thụ được sản phẩm đã được chính quyền đưa ra bàn thảo; thực tế tại địa phương cũng được tìm hiểu kỹ hơn nhằm có hướng giải quyết. “Nhưng xem ra phải nhờ đến cấp cao hơn chứ ở địa phương khó có thể đưa ra biện pháp hiệu quả” - bà Dung nói.

Còn ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, cho rằng tình trạng “treo trại” của các làng nấm hiện nay là tình hình chung, tương tự một số sản phẩm khác trong ngành nông nghiệp như trái xoài, điều, mía… Biện pháp duy nhất sắp tới là đưa các làng nấm này vào trong một chuỗi liên kết. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi phải có thời gian. “Vài tháng trở lại đây, sản phẩm của người trồng nấm ở tỉnh Đồng Nai đang bí đầu ra. Hàng trăm hộ phải “treo trại”, một số hộ trồng cầm chừng. Chúng tôi chỉ biết nguyên nhân trực tiếp là do thương lái không xuất hiện” - ông Đạo nói.

Theo ông Đạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ có nhiệm vụ tư vấn về kỹ thuật, khuyến nông, hướng dẫn nâng cao chất lượng cho sản phẩm và làm cầu nối cho bà con khi người dân muốn tiếp cận thị trường. Còn cầu nối trực tiếp với thị trường, quan tâm đầu vào đầu ra cho sản phẩm, nghiên cứu biến động thị trường, nhập nguyên liệu, sản phẩm và tình trạng thương lái hay nguồn thu mua là dưới sự quản lý của nhiều ngành, đơn vị khác, chẳng hạn như ngành công thương.

Trả lời câu hỏi việc hàng ngàn người dân làm nghề trồng nấm từ hàng chục năm nay trên địa bàn, được coi là nghề truyền thống, là “thủ phủ” nấm ở Đông Nam Bộ nhưng lại không được sự hỗ trợ như tạo dựng hợp tác xã hay xây dựng làng nghề, ông Đạo cho rằng để hình thành một làng nghề hay hợp tác xã phải có nhiều tiêu chí và phải xem các hình thức hoạt động này có phù hợp với đặc thù sản xuất của người làm nghề hay không, xem nguyện vọng người dân có muốn điều đó hay không.

Còn ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết thời gian qua, chính quyền tỉnh cũng đã nắm sơ qua tình hình bà con trồng nấm ở thị xã Long Khánh và huyện Trảng Bom, sắp tới sẽ quan tâm tìm hiểu kỹ hơn về những khó khăn, vướng mắc của bà con nhằm có hướng giải quyết. Việc có hay không tình trạng người trồng nấm hoàn toàn lệ thuộc thương lái Trung Quốc dù đã làm ăn có hiệu quả từ 20 năm nay mà không được quan tâm; về chất lượng sản phẩm cũng bị thả nổi, ông phó chủ tịch tỉnh cho biết sẽ đốc thúc kiểm tra vấn đề này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Hoàng (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN