Làm giàu với hàng “sida”

Với đồ cũ, kẻ bán lẫn người mua đều thấy lợi bởi giá cả bình dân, nếu khéo bán thì hút khách, khéo mua thì có được món thời trang tuy cũ như đẹp, lạ, độc đáo và nhất là luôn rẻ.

Hàng “sida”, còn gọi là hàng si, du nhập Việt Nam từ những năm 1990. Nguồn gốc tên gọi này, theo nhiều người, bắt nguồn từ các kiện hàng quần áo cũ do Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) viện trợ. Hơn 20 năm nay, nhiều người đã phất lên nhanh chóng khi kinh doanh mặt hàng này. Dù nằm sâu trong những con hẻm hay đầu đường dẫn vào chợ, lúc nào các gian hàng chuyên bán đồ si cũng nườm nượp khách tới lui.

Giành giật “cho vui”

Để tìm hiểu về phương thức kinh doanh đồ cũ, chúng tôi đã làm quen với chị Hoa, chủ một shop thời trang ở phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9, TP HCM. Chị Hoa từng là một tín đồ hàng si. Nhờ có óc thẩm mỹ nên món đồ nào chị mua mặc cũng được nhiều người trầm trồ. Được một thời gian, tủ quần áo quá tải, Hoa bán bớt cho bạn bè và không biết từ lúc nào, chị bước chân hẳn vào giới kinh doanh đồ si và được cho là có nhiều mối nhất nhì đất Sài Gòn.

Làm giàu với hàng “sida” - 1

Một khu vực bán đồ “sida” ở chợ Bàn Cờ, quận 3, TP HCM Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Chỉ cho chúng tôi xem những kiện hàng mới nhập ghi sẵn bên ngoài các loại sản phẩm như chân váy, legging, áo thun… còn dính nguyên niêm bằng kẽm đang chờ mối đến lấy về bán lẻ, chị Hoa cho biết: “Mỗi tuần, tôi được bạn hàng “đánh” vài chục kiện đồ si từ Campuchia về với giá sỉ, mỗi kiện100 kg”.

Phương thức kinh doanh sỉ đồ cũ khá đơn giản. Thông thường, bạn hàng sau khi liên lạc sẽ nhận tên loại sản phẩm và số lượng định lấy rồi đặt cọc 10%. Đúng giờ đã định, các mối đến chứng kiến chủ shop dỡ hàng và lần lượt cân đủ số lượng đã đặt rồi mang về, không ai được chọn lựa. “Nhiều mối chỉ đồng ý lấy hàng “tép”, tức đồ đã được phân loại sẵn. Món đồ còn mới, hàng hiệu, chất vải đẹp, mẫu mã lạ gọi là hàng nước 1. Hàng “bèo” hơn cho xuống nước 2, đến nước 3 thì thường cân ký bán “xôn” - chị Hoa tiết lộ.

Chứng kiến cảnh mối lái đến lấy hàng khi tách kiện, chúng tôi không khỏi liên tưởng đến chuyện… trẻ em “giựt đồ cô hồn” vào tháng 7 âm lịch. Một kiện hàng khi cắt kẽm ít thì 2, nhiều thì 3-4 mối giành lấy. Trước khi người bán cắt kẽm, các mối đã tự phân công ai lấy hàng trước, ai lấy sau. Thế nhưng, khi dây kẽm buộc bung ra, không ai bảo ai đều nhào tới ôm phần về mình, bất kể hàng đẹp xấu ra sao.

“Vẫn biết ai cũng có phần, đúng với số lượng mà mình đã đăng ký nhưng chúng tôi cứ giành nhau cho vui” - chị Lan - một người chuyên bán đồ si ở chợ Bàn Cờ, quận 3, TP HCM – nửa đùa nửa thật. Ôm bao đồ 50 kg, trong đó toàn là áo sơ mi xuất xứ từ Nhật, chị hớn hở: “Lâu lâu mới trúng hàng này, hứa hẹn có nhiều sản phẩm đẹp”.

Một vốn bốn lời

Gặp chúng tôi, Tuyền - một chủ sạp chuyên bán túi xách “sida” ở đường Đinh Công Tráng, quận 1, TP HCM - khoe vừa lấy được nửa kiện túi da, đa số có kiểu dáng, màu sắc khá trẻ trung, hợp mốt. “Phải bỏ rất nhiều công sức để lựa chọn, thẩm định giá bán lẻ. Cũng không loại trừ khoảng 10% là hàng simili và một số sản phẩm bị lỗi. Tuy nhiên, với nửa kiện túi da này, nếu khéo bán cũng lời được 1 triệu đồng” - Tuyền khẳng định.

Theo tiết lộ của giới buôn đồ si thì nghề này ít khi phụ người, một vốn bốn lời. Ai buôn bán khéo có thể làm giàu, còn không thì cũng sống khỏe. Bà Nga, một người bán đồ si ở chợ Bàn Cờ, thời trẻ nhà rất nghèo. Quê ở Đồng Tháp, bà lên Sài Gòn làm công cho một gia đình chuyên bán đồ si. Sau đó, người chủ đi nước ngoài định cư, để lại sạp đồ cũ cho bà. Với khởi đầu như vậy, sau khoảng 10 năm, bà Nga đã tậu được 3 căn nhà mặt tiền ở TP HCM, cho 2 con đi du học Mỹ.

Theo các tay buôn bán sỉ đồ cũ, mỗi kiện hàng sau khi trừ vốn sẽ lời khoảng 500.000-600.000 đồng. Các mối sau khi “cất” hàng về bán lẻ lại lời thêm chừng đó hoặc nhiều hơn. Tuy nhiên, một chủ shop chuyên “đánh” sỉ đồ cũ ở chợ Trần Hữu Trang, quận Phú Nhuận, TP HCM thừa nhận làm nghề nào cũng có rủi ro.

“Buôn bán đồ sida thường là “trúng quả” nhưng cũng có khi thua trắng do lấy nhằm hàng viện trợ nhân đạo. Bên cạnh các kiện hàng xuất xứ từ Hồng Kông, Nhật, Hàn Quốc…, cũng có những lô kém hơn từ Ấn Độ, Campuchia... Dù mối không được lựa hàng nhưng khi họ ôm nhằm đồ cũ rách, không bán được thì chủ shop cũng phải chia sẻ thiệt thòi, kể như tiền lời cả chuyến đi tong. Để giữ chân khách, các shop bán sỉ phải tìm mọi cách chọn lọc nguồn hàng nhập về và có chế độ bù đắp rủi ro cho mối quen lâu năm” - chị Hoa cho biết.

Nở rộ kinh doanh qua mạng

Dân mua hàng “sida” không chỉ là các bà, các cô nội trợ mà còn có cả những nhân viên văn phòng. Vì vậy, kinh doanh đồ cũ giờ không chỉ gói gọn ở chợ, shop mà còn nở rộ trên internet.

Là một tín đồ hàng si, Lê Thúy Hằng - ngụ quận Phú Nhuận, nhân viên văn phòng làm việc ở quận 3 - cho biết một tuần ít nhất 2 buổi trưa, chị cùng đồng nghiệp đi lùng mua đồ cũ ở chợ Bàn Cờ. “Mua đồ si ở chợ cũng hên xui thôi, có khi trúng toàn đồ đẹp nhưng nhiều lúc về tay không, phí cả buổi trưa” - chị kể. Một lần, Hằng lang thang trên mạng, bắt gặp một trang web chuyên bán đồ si và “kết” luôn. Trang này không bán trực tuyến nhưng cập nhật từng ngày, từng giờ lịch khui hàng, giảm giá nên khi nào có đồ cũ về phù hợp với nhu cầu, chị lại tranh thủ đến cửa hàng để lựa chọn.

Hầu hết các chủ cửa hàng kinh doanh đồ cũ qua mạng đều bố trí gian hàng quần áo rất tươm tất, theo từng cỡ, từng loại. Khi đã ưng ý mẫu mã trên mạng, khách sẽ dễ dàng, nhanh chóng tìm kiếm món đồ đó tại cửa hàng. Ngoài ra, các trang web bán đồ si còn phối quần áo, giày dép, túi xách với nhau rồi chụp ảnh, đưa lên mạng. Nhờ đó, những địa chỉ bán đồ kiểu này luôn thu hút được giới nhân viên văn phòng - vốn mua sắm mạnh tay, nhất là hàng “độc”, lạ và không quá mắc so với thu nhập.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Mai - Phương Thảo (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN